Vì quê hương đổi mới, giàu đẹp

Anh Bùi Văn Đảm (giữa), tấm gương chịu khó lao động, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Những năm qua, các địa phương trong tỉnh đạt được những kết quả đáng khích lệ trong công cuộc giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân. Cuối năm 2014, thu nhập bình quân đầu người đạt 33 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm còn 4,09%. Với các hộ thoát nghèo, vươn lên làm giàu, bên cạnh sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương, còn có sự nỗ lực, quyết tâm vươn lên của cá nhân các hộ gia đình – những tấm gương dám nghĩ, dám làm để đổi thay cuộc sống.

Không đất sản xuất, anh Bùi Văn Đảm cùng vợ con rời quê ấp Tapasa II (xã Tân Phú, huyện Thới Bình) đi nơi khác tìm kế sinh nhai. Nhiều năm bôn ba xứ người làm thuê vất vả, cuộc sống vẫn không có chuyển biến. Cách đây 3 năm, vợ chồng anh quyết định trở về quê, trước là phụng dưỡng cha mẹ, sau là suy nghĩ cách thức làm ăn ổn định hơn. Được hàng xóm thương, cho thuê mẩu ruộng hơn 1,5ha, anh không làm lúa mà chọn trồng màu quanh năm. Vừa hết vụ bí đỏ, lại đến vụ dưa leo, bầu, mướp… thu nhập hàng năm khoảng 120 triệu đồng. Biết tiết kiệm trong chi tiêu và tích lũy vốn, đến nay anh làm chủ được mảnh ruộng và thoát nghèo bền vững.

Lãnh đạo Hội Nông dân xã Phong Lạc (huyện Trần Văn Thời) tham quan mô hình mới – nuôi cua công nghiệp của gia đình ông Thái Văn Khắc.

Ông Võ Văn Đức, Tổ trưởng Tổ hợp tác trồng rau màu ấp Tapasa II: “Thấy được sự chịu khó, quyết tâm vươn lên thoát nghèo của cháu Đảm, chúng tôi xem xét cho cháu tham gia tổ hợp tác. Vừa qua, Hội Nông dân tỉnh quan tâm đầu tư dự án trồng rau màu, có 20 hội viên nông dân tham gia với số vốn 500 triệu đồng để các tổ viên mở rộng quy mô, chủng loại rau màu, góp phần tăng thu nhập cho hội viên. Nhận được hỗ trợ từ dự án, cháu Đảm có thêm điều kiện phát triển kinh tế gia đình, là gương sáng để những hộ đang cố gắng thoát nghèo học tập noi theo”.

Ông Thái Văn Khắc phấn khởi với hiệu quả thử nghiệm từ nuôi cua công nghiệp.

Ở xã Phú Mỹ, huyện Phú Tân, nhiều người nể phục tấm gương bà Trương Thị Bông. Chồng của bà Bông cả đời đi theo cách mạng và hy sinh năm 1968. Lúc bấy giờ bà là cô giáo trường làng, tuổi còn trẻ lại có con nhỏ, mỗi khi băng rừng dạy học đều bồng bế con theo. Những năm sau bà làm giao liên, cùng gia đình chở che bộ đội, bảo đảm bí mật hoạt động của tổ chức… Sau giải phóng, cuộc sống hết sức kham khổ, thiếu thốn, từ làm lúa đến nuôi tôm, chăn nuôi, trồng trọt đều một tay bà gánh vác, tuy vậy bà vẫn quyết tâm ở vậy nuôi con và thoát cảnh nghèo. Anh Huỳnh Chí Dũng, con trai duy nhất của bà Bông giờ cũng giỏi giang, chịu khó, mấy năm gần đây qua nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm, anh Dũng đầu tư chuồng trại nuôi rắn ráo trâu, chồn hương, ếch, mang lại nguồn thu nhập khá, quy mô sản xuất được mở rộng hơn.

Anh Huỳnh Chí Dũng (bìa trái) thu được lợi nhuận cao từ trang trại thu nhỏ của gia đình.

Thấy thực tế địa phương có nhiều hộ thất bại từ nuôi tôm công nghiệp và gia đình ông cũng gặp cảnh như thế, vả lại, “lỡ” đầu tư cao cho việc cải tạo đầm, mua dụng cụ, máy móc, giờ bỏ không thì tiếc; nhiều ngày trăn trở tìm hướng đi mới, ông Thái Văn Khắc, ấp Rạch Bần B, xã Phong Lạc, huyện Trần Văn Thời, thử nghiệm nuôi 1 hầm cua công nghiệp với 600 con giống, đạt lợi nhuận khả quan. Ông Khắc bộc bạch: “Kỹ thuật nuôi cua dễ hơn nhiều so với nuôi tôm, dịch bệnh cũng ít xảy ra và tỷ lệ hao hụt ở con cua khi mới thả ít hơn tôm. Người dân có thể tận dụng nguồn cá tạp tại địa phương làm thức ăn; tận dụng những cây ráng hay lá dừa để tạo chỗ ẩn nấp cho cua, hạn chế tình trạng cua ăn thịt nhau trong thời kỳ lột vỏ”. Cách đây hơn tháng, ông thả thêm 9.000 con giống ở 4 hầm, cua đang phát triển tốt, tỷ lệ hao hụt ít, dự kiến sẽ cho lãi khá. Ông Khắc chia sẻ: “Tôi sẽ đề xuất với địa phương để nhân rộng mô hình này, tránh tình trạng bà con cứ loay hoay, phập phồng với những đầm tôm công nghiệp”.

Đi, tìm hiểu và nghe nông dân những vùng ngọt, vùng mặn kể chuyện vượt khó phát triển kinh tế đã đọng lại trong chúng tôi biết bao niềm vui. Người nông dân đã bước đầu làm chủ được xu hướng sản xuất, duy trì mô hình bền vững. Song, cái chính là họ biết suy tính, chịu khó “một nắng, hai sương” gắn bó với ruộng vườn, mạnh dạn phá bỏ nếp nghĩ cũ và biết tích lũy, thể hiện tinh thần đoàn kết xóm làng, tương trợ cùng phát triển, vì quê hương đổi mới, giàu đẹp.

Theo số liệu từ Hội Nông dân tỉnh, 5 năm qua, Quỹ Hỗ trợ nông dân giúp hội viên vay để xây dựng mô hình nông sản hàng hóa 5,5 tỷ đồng. Trên 132 ngàn lượt hộ được tín chấp vay ở Ngân hàng Chính sách xã hội, với số tiền gần 300 tỷ đồng. Các cấp hội vận động hỗ trợ tiền, vật tư, cây – con giống, ngày công trị giá trên 21,6 tỷ đồng… Qua đó, đã giúp trên 12.000 lượt hộ nghèo cải thiện cuộc sống và gần 3.000 hộ vươn lên thoát nghèo.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *