Vòng tay yêu thương cho trẻ mồ côi

Tên thật của sư cô Diệu Tánh là Lý Phương Tuyền, quê ở xã Thanh Tùng, huyện Đầm Dơi. Từ nhỏ cô đã quý mến các nhà sư và mong muốn trở thành một nữ tu. Mẹ qua đời năm cô mới lên 10 tuổi, mấy năm sau đó, cha lấy vợ kế, cô và người em trai phải về sống bên ngoại. Gánh trách nhiệm nặng nề của người làm chị, cô tạm gác ước muốn tu hành để chăm sóc em trong lúc cô đơn, hụt hẫng khi mất mẹ và nỗi đau bị cha bỏ rơi. Năm 17 tuổi, cô quyết định thoát tục, khoác áo nhà sư, nương náu cửa Phật.

Sư cô Diệu Tánh hạnh phúc bên đàn “con” nhỏ.

Trải lòng về cơ duyên đến với trẻ mô côi, sư cô Diệu Tánh trầm ngâm: “Nhìn xung quanh, những người còn đầy đủ cha mẹ thật hạnh phúc không gì bằng. Tôi nghĩ đến những người cùng cảnh ngộ như mình, nên thường xuyên lui tới các trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi để thăm nom, động viên tinh thần các em… Thời gian ấy, tôi ấp ủ ước mơ xây dựng một ngôi chùa nho nhỏ để đón nhận những đứa trẻ bị bỏ rơi, những mảnh đời kém may mắn trong xã hội”. Và Niệm Phật đường Hưng Phước đã ra đời, với bao câu chuyện cổ tích đầy tình người.

Tâm nguyện của sư cô được sự ủng hộ của đông đảo phật tử, mọi người không ngần ngại hiến đất, hỗ trợ kinh phí để Niệm Phật đường được dựng nên. Ban đầu vốn chỉ có khu chánh điện, mà việc đón nhận trẻ bị bỏ rơi ngày càng nhiều, nên cô Diệu Tánh tạm che mái hiên bằng cây lá làm chỗ nương tựa cho trẻ. Qua thời gian, với sự quan tâm giúp đỡ của các nhà hảo tâm, Niệm Phật đường dần được xây dựng khang trang, rộng rãi, hiện có phòng riêng dành cho trẻ theo từng độ tuổi. Suốt 7 năm qua, sư cô vừa làm cha vừa làm mẹ, chăm bẵm đàn con thơ. Nhiều số phận tưởng như bị cuộc đời chối bỏ đã dần lớn lên dưới tiếng chuông chùa.

28 đứa trẻ nhà chùa đang nuôi dưỡng, với nhiều độ tuổi khác nhau, bé nhỏ nhất chưa đến 5 tháng tuổi, cháu lớn nhất đang học lớp 10. Sư cô nhớ như in từng hoàn cảnh, nhất là những bé bị bỏ ngoài đường nhiều giờ, mình mẩy tím tái, bị kiến cắn đầy người. Cô tâm niệm, phải có duyên trong đời để gặp nhau và trở thành người nuôi nấng các bé, đây là việc thiện cần làm giữa đời sống vốn bộn bề này. Cô khai sinh cho các cháu theo họ mình, lấy tên lót là Minh (với trai) và Diệu (với gái), hy vọng ánh sáng Phật pháp cùng những điều tốt đẹp sẽ soi rọi tâm hồn các cháu. Nhẫn – Đức – Trí – Dũng – Thành – Tựu – Viên – Mãn – Vinh – Quang – Huy – Hoàng – Hòa – Thuận – Hiếu – Hạnh…, mỗi cái tên cô đều gửi gắm một ước mong vào tương lai của các cháu.

Cô Lê Loan Anh dạy ngoại ngữ cho các cháu tại Niệm Phật đường.

Cộng sự với sư cô Diệu Tánh còn có ba ni sư, những ngày đầu tập “làm mẹ” của những người muốn trút hết hỉ, nộ bụi trần ấy thật vất vả khó khăn, nhưng bằng tình thương vô lượng, ngày ngày các cô dậy từ 4 giờ sáng để lo việc Phật sự, sau đó vào bếp làm bữa ăn sáng rồi cho các bé ăn, tắm rửa, chơi, ngủ… Buổi trưa, trong khi các con say giấc ngủ thì những người mẹ áo nâu sòng phải giặt giũ, dọn dẹp hết những gì mà bọn trẻ bày ra, để khi thức dậy chúng có chỗ vui chơi sạch sẽ, gọn gàng. “Các cháu dưới 5 tuổi, sư cô Diệu Tánh đều cho ngủ chung phòng với mình, để tiện chăm sóc, pha sữa, thay tã… Gần bảy cháu ngủ cùng, hôm nào có đứa không khỏe, sư cô chẳng ngủ được bao nhiêu, vậy mà sáng ra vẫn lăn xăn chuẩn bị sách vở, quần áo cho các con đến trường”, ni sư Diệu Liên bộc bạch.

Ngoài lo chuyện học hành, sư cô còn dạy bảo các cháu những điều hay lẽ phải, nhất là tình đoàn kết, thương yêu lẫn nhau. Điều làm các sư cô vui nhất là các cháu đều ngoan ngoãn, biết vâng lời. Chỉ tay về khu vui chơi do mình “tự chế”, sư cô cười: “Hôm trước đi công viên, tụi nhỏ chơi nhà banh suốt buổi mà chưa chịu về, thấy vậy, tôi làm nhà banh ở đây cho chúng thỏa sức vui chơi, có đứa thích quá, mấy ngày đầu cứ đòi ngủ với trái banh”. Chăm sóc bọn trẻ từ lúc còn ẵm bồng, niềm hạnh phúc ngày càng nhân lên đối với “người mẹ” khi các con được khỏe mạnh, được đến trường, biết đọc, biết viết… tất cả như sợi dây tình cảm vô hình siết chặt tạo nên một gia đình ấm áp, chan hòa.

Trong suy nghĩ ngây thơ, khi được hỏi nhà con đâu, cha con đâu, mẹ con đâu, các bé đều chạy đến ôm chầm sư cô Diệu Tánh thay cho câu trả lời khó giải. Đó cũng là lý do vì sao thời gian qua, có nhiều người hiếm muộn đến xin nhận các cháu làm con nhưng cô nhất định không cho. Sư cô chia sẻ: “Tất cả những thông tin về từng cháu tôi đều ghi chép lại cẩn thận, đợi đến năm cháu 18 tuổi tôi sẽ cho cháu xem. Khi đó tôi sẽ cho cháu toàn quyền quyết định cuộc đời mình. Nếu có duyên với Phật pháp thì tiếp tục ở lại tu học, còn không thì có thể ra đời tự lo cuộc sống”.

Các bé thích thú vui đùa trong nhà banh do sư cô tự tạo.

Hướng mắt về phía lớp học vang tiếng trẻ thơ, với gần mười bộ bàn mới toanh vừa “xin” được, sư cô vui mừng: “Cứ tưởng cái thằng nhóc khù khờ Minh Trí bị dốt rồi chứ, 7 tuổi rồi mà dạy hoài nó hông nhớ mặt chữ, sao tự nhiên mấy ngày gần đây nó biết đọc, biết viết, tôi mừng khôn tả”. Niệm Phật đường Hưng Phước giờ trở thành địa chỉ nuôi dạy trẻ mồ côi đáng tin cậy. Bà Cao Hồng Cẩm, Phó Trưởng phòng Lao động – Thương binh và Xã hội TP. Cà Mau, cho biết: “Vừa qua, Mái ấm tình thương Phường 9 giải thể, một số cháu được đưa đến Niệm Phật đường nhờ sự chăm sóc, dạy dỗ từ các sư cô, mới mong tâm tánh chúng hiền lành. Về phía Phòng, chúng tôi vô cùng quý trọng và cảm phục nghĩa cử cao đẹp của các sư cô. Thời gian tới, Phòng sẽ chung tay hỗ trợ và vận động các mạnh thường quân cùng chăm lo cho những số phận kém may mắn”.

Tiếng lành đồn xa, nhiều tấm lòng thiện nguyện nghe chuyện sư cô nuôi trẻ mồ côi liền tìm đến Niệm Phật đường Hưng Phước, mong góp chút lòng thành. Nhờ vậy, nhà chùa có thể xoay xở vượt qua lúc khó khăn, chăm lo chu đáo cho các cháu, không phải đi “mua chịu” gạo, sữa như trước đây. Trong cuộc sống bộn bề, đua chen vẫn còn những tấm lòng đáng quý vì cộng đồng. Và hành động ý nghĩa của sư cô Diệu Tánh như chiếc cầu nối những tấm lòng nhân ái, bao dung. Cô Lê Loan Anh, giáo viên Trường THPT Lý Văn Lâm, hơn 3 tháng qua đã tình nguyện giảng dạy cho các cháu ở Niệm Phật đường. Cô chia sẻ, tuy tiếp thu chậm nhưng các em chịu lắng nghe và rất cố gắng trong các buổi học. Cô Đỗ Xuân Hồng, Trường THCS Tân Hưng Tây, bộc bạch: “Nhiều năm qua, tháng nào tôi cũng cố gắng vận động, cùng sự đóng góp của gia đình, hỗ trợ từ 2 – 3 triệu đồng, mong tiếp sức cùng chăm lo cho các cháu đáng thương này”.

Nhìn những nụ cười thơ ngây trên môi các em nhỏ và sự tận tình của “những người mẹ mặc áo nâu sòng”, chúng tôi tin các em sẽ được bù đắp phần nào tình thương yêu trong cuộc sống, từ những người mẹ đặc biệt.

“Tôi nghĩ rằng chăm sóc các cháu cũng là một thử thách để người tu hành rèn tâm, luyện trí. Mong muốn duy nhất của tôi là các cháu trưởng thành khỏe mạnh, là công dân có ích cho xã hội, quên đi mặc cảm về thân phận”, Sư cô Thích Nữ Diệu Tánh chia sẻ.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *