Vụ cán bộ đi kiện đòi mặt nước sông ở thị trấn Sông Đốc: Nhiều tài liệu mâu thuẫn với báo cáo phản hồi của UBND huyện Trần Văn Thời

Như Báo ảnh Đất Mũi đã thông tin tại số báo 1090 ngày 25 tháng 2 năm 2019 về nội dung phản hồi của UBND huyện Trần Văn Thời, liên quan đến bài viết cán bộ đi kiện đòi mặt nước sông; trong nội dung phản hồi của UBND huyện Trần Văn Thời có đề cập nhiều vấn đề từ nguồn gốc đất, việc cấp, cho mượn đất. Tuy nhiên qua tìm hiểu và trích lục nhiều tài liệu từ cơ quan có thẩm quyền, chúng tôi nhận thấy có nhiều tình tiết chưa thật sự trùng khớp.

Theo phản hồi của UBND huyện Trần Văn Thời cho thấy, khu đất mà các hộ dân đang tranh chấp trước năm 1980 là hoang hóa, dọc theo con rạch Băng Ky đổ ra sông Ông Đốc. rạch Băng Ky trước đây rất lớn, dân cư sinh sống tự phát làm nhà ở dọc theo hai bên rạch Băng Ky. Năm 1995, UBND thị trấn Sông Đốc tháo dỡ cầu Băng Ky đắp đất ngăn làm lộ giao thông, một đoạn rạch Băng Ky hình thành ao, thời điểm này có một số hộ dân tự lấn chiếm rạch Băng Ky làm nhà ở. Năm 1998, một đoạn rạch Băng Ky còn trống chưa bị lấn chiếm, UBND thị trấn Sông Đốc có cho mượn và cấp cho 27 hộ là giáo viên, cán bộ công tác tại UBND thị trấn và người dân theo diện khó khăn về nhà ở. Sau khi được UBND thị trấn cho mượn, các hộ này thuê bơm san lấp nhưng chưa hoàn chỉnh mặt bằng nên chưa làm nhà ở được. Vào thời điểm này thì hai bên bờ rạch Băng Ky có một số hộ dân lấn chiếm dài ra. Năm 2000, địa phương tiến hành đo đạc thành lập bản đồ địa chính 27 hộ được cho mượn, cấp đất đã kê khai đăng ký trên bản đồ địa chính số 11. Đến năm 2012, đo đạc chỉnh lý biến động, các hộ này cũng đã kê khai đăng ký trên tờ bản đồ số 49.

Trích lục bản đồ chỉnh lý năm 2012 của Trung tâm Kỹ thuật Công nghệ – Quan trắc Tài nguyên và Môi trường (Sở Tài Nguyên và Môi trường) thể hiện phía sau hậu phần đất nhà ông Sơn chỉ là một con rạch.

Mặc dù UBND huyện Trần Văn Thời khẳng định các hộ dân đã có kê khai đất từ trước những năm 2012. Song, thực tế qua số mục kê đất đai địa điểm Khóm 2, thị trấn Sông Đốc và trích lục bản đồ nơi xảy ra tranh chấp của Trung tâm Kỹ thuật Công nghệ – Quan trắc Tài nguyên và Môi trường (Sở Tài Nguyên và Môi trường) cho thấy vào thời điểm năm 2012, địa điểm này (khu vực tranh chấp) ngoài các thửa đất nền (trong đó có phần đất của ông Trần Chí Sơn), có thể hiện trên mục kê, còn lại phía hậu chỉ là một con rạch. Thêm vào đó, như trình bày của ông Sơn và các hộ dân bị khởi kiện, phần tranh chấp trước đây chỉ là mặt nước sông do các hộ dân tự bồi lấp và đã sống ổn định hơn 20 năm qua.

Về vấn đề này, theo phản hồi của UBND huyện Trần Văn Thời cho là không đúng sự thật. Trong đó một phần diện tích phía sau của hộ ông Trần Chí Sơn lấn chiếm khu đất UBND thị trấn Sông Đốc phân nền năm 1998 cho hộ bà Phạm Ngọc Xinh (chồng là ông Dương Hoàng Chiến) đã đăng ký trên bản đồ, sổ mục kê. Tuy nhiên, tài liệu chứng cứ tại Tòa án Nhân dân huyện Trần Văn Thời do ông Trần Chí Sơn cung cấp lại có xác nhận của hơn 10 hộ dân là những người sống lâu năm tại đây thể hiện nội dung: “Từ năm 1998 đến nay, gia đình ông Sơn cất nhà sàn ở tạm ban đầu và dần dần bỏ công sức bồi lấp, khai phá thêm ra phía sau con sông để sử dụng. Khi bồi lấp đến đâu thì vợ chồng ông Sơn tiến hành trồng cây ăn trái đến đó…”.

Bà Lê Thị Giang, vợ ông Sơn không giấu nổi bức xúc: “Việc bồi lấp của gia đình tôi và những hộ đang bị tranh chấp hầu như người dân sống gần đây ai cũng biết. Chúng tôi bồi lấp không phải bằng đất mà bằng vỏ dừa. Nếu chính quyền địa phương cũng như bà Xinh khẳng định khu này trước đó đã là nền đất thì thử đào lên xem có phải là vỏ dừa hay không”.

“Chúng tôi thừa nhận việc tự ý bồi lấp trên phần đất Nhà nước quản lý là không đảm bảo đúng theo quy định. Nhưng để ổn định cuộc sống, chúng tôi chỉ sử dụng tạm. Khi nào Nhà nước có nhu cầu sử dụng, nhưng sử dụng vào mục đích công cộng thì chúng tôi trả lại mà không có bất kỳ ý kiến gì. Nhưng trên thực tế, UBND thị trấn Sông Đốc lại giao phần mặt nước sông này (phần tranh chấp) cho những hộ đã từng là cán bộ không có nhu cầu sử dụng là không hợp tình, hợp lý và những hộ này kiện đòi lại đất là không đúng thực tế”, ông Trần Chí Sơn bày tỏ.

UBND huyện Trần Văn Thời cũng khẳng định vào thời điểm này, công tác quản lý đất đai tại thị trấn còn lỏng lẻo, không lập biên bản xử lý vi phạm đối với các hộ dân tự ý lấn chiếm. Trong quá trình quản lý, sử dụng đất xảy ra tranh chấp giữa bà La Bích Ly với bà Dương Thị Trang; bà Phạm Ngọc Xinh với ông Trần Chí Sơn. Năm 2016 phát sinh tranh chấp, địa phương cũng đã tiến hành hòa giải nhưng kết quả không thành nên hộ bà La Bích Ly và bà Phạm Ngọc Xinh đã khởi kiện ra tòa. Hiện tại vụ án dân sự này cũng đã được Tòa án nhân dân huyện Trần Văn Thời ra quyết định tạm đình chỉ để chờ kết quả định giá tài sản.

Trong khi dư luận mong chờ câu trả lời là việc UBND thị trấn Sông Đốc cho cán bộ “mượn” diện tích mặt nước để cất nhà có đúng quy định của Luật Đất đai; quy định về thẩm quyền giao đất và các quy định khác liên quan tới đất đai? Khi phát sinh mâu thuẫn và xảy ra tranh chấp thì đây là tranh chấp đất hay là tranh chấp mặt nước sông?…

Trong quá trình đi thực tế, phóng viên Báo ảnh Đất Mũi cũng đã ghi nhận nhiều thông tin về việc những hộ dân là cán bộ trước đây đã được UBND thị trấn Sông Đốc cho “mượn” mặt nước sông nhưng không sử dụng trong một thời gian dài, hiện nay đã thực hiện việc bơm cát, treo biển bán nền. Thực hư vấn đề này ra sao có lẽ rất cần câu trả lời, cũng như xác minh từ chính quyền sở tại.

Báo ảnh Đất Mũi sẽ tiếp tục theo dõi và thông tin diễn biến vụ việc.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *