Vụ cán bộ kiện đòi đất mượn tại Sông Đốc: “Thủ tục” mượn đất chỉ thông qua… khóm (?!)

Cho mượn có đúng quy định, thủ tục?

Vừa qua, Tòa án nhân dân huyện Trần Văn Thời mở phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ tranh chấp QSDĐ giữa nguyên đơn là bà La Bích Ly, bị đơn là bà Dương Thùy Trang (Khóm 3, thị trấn Sông Đốc) và ông Nguyễn Văn Tuấn (Khóm 2, thị trấn Sông Đốc).

Tại phiên tòa, ông Quách Thành Sơn (chồng bà Ly) trình bày: Vào năm 2002, bà Ly có mượn một miếng đất tại thị trấn Sông Đốc có chiều ngang 5m, dài 22m. Lúc này, bà Ly và ông Sơn cũng có mua một miếng đất của ông Nguyễn Văn Trung (cùng khu vực) có chiều ngang 5m và dài 20m. Sau đó không lâu, ông và bà Ly có thực hiện bơm đất đắp nền. Vào năm 2016, ông tiếp tục cùng với các hộ dân khác tiến hành bơm cát. Thời điểm này cũng là lúc phát sinh tranh chấp với hộ dân ở phần đất trước đó (vụ tranh chấp này trước đó Báo ảnh Đất Mũi đã liên tục phản ánh).

Tại phiên tòa, ông Sơn thừa nhận có làm đơn gửi đến trưởng khóm để được mượn đất cất nhà, ngoài ra không có ý kiến chấp thuận bằng văn bản từ chính quyền sở tại. Từ lúc được mượn đất cũng như mua phần đất của ông Trung, ông Sơn không có một động thái sử dụng nào ngoài việc bơm đất và cát.

Liên quan đến trình bày của ông Quách Thành Sơn, tại tòa, ông Nguyễn Văn Tuấn cho rằng ông sống ổn định tại Khóm 2, thị trấn Sông Đốc hơn 20 năm qua. Phần sau nhà ông Tuấn trước đây là con sông. Trên diện tích mặt nước sông này, chính ông đã tự bỏ công bồi lấp. Ông cất nhà, trồng cây ăn trái sinh sống ổn định hơn 20 năm qua trước sự chứng kiến và rõ tường tận của nhiều người dân trong khu vực.

Tại phiên tòa, ông Trần Chí Sơn (tư cách là người làm chứng cho ông Tuấn) cho biết: “Người dân trước đây nghèo khổ lắm, sống vất vả. Đầu năm 1990, các hộ dân chúng tôi thấy phía hậu Lăng Ông Nam Hải Sông Đốc có con sông rộng lớn kéo dài tới rạch Băng Ky. Con sông này khi ấy nước ngập đầu người, ghe thuyền các nơi có thể vào mua bán, trao đổi hàng hóa với người dân tại địa phương, phía bờ sông đều là cây cối chằng chịt, hoang vu”. Theo ông Sơn, khi ấy các hộ dân nơi đây, trong đó có ông Sơn và ông Tuấn, đều có hoàn cảnh nghèo khổ, khó khăn và đều chọn con sông này là nơi “cặm dùi”. Họ đã bỏ công sức ra khai phá, bồi lấp, cất nhà sàn để ở tạm trong thời gian đầu. Thời gian trôi qua, theo sự phát triển của thị trấn Sông Đốc, con sông không còn phát huy tác dụng thông thương như trước, nên các gia đình quyết định chắt chiu dành dụm và bỏ công sức ra bồi lấp lấn dần ra phía sông. Hơn 20 năm qua, với việc lấn dần ra sông để ổn định cuộc sống của các hộ dân, không có một cơ quan hoặc cá nhân nào khác đến ngăn cản hay tranh chấp.

Tại phiên xét xử sơ thẩm, ông Tuấn và ông Sơn đều cho rằng: “Chúng tôi thừa nhận việc tự ý bồi lắp trên phần đất nhà nước quản lý là không đảm bảo đúng theo quy định. Nhưng vì ổn định cuộc sống, chúng tôi chỉ sử dụng tạm. Khi nào nhà nước có nhu cầu sử dụng và sử dụng vì mục đích công cộng thì chúng tôi trả lại, không có bất kỳ ý kiến gì. Nhưng nay lấy lại để giao cho một hộ dân đã từng là cán bộ, không có nhu cầu sử dụng là không hợp tình hợp lý. Nếu hộ này kiện đòi mặt nước sông thì chúng tôi chấp nhận, còn như kiện đòi lại đất là không đúng thực tế”.

Vì cần có ý kiến của UBND huyện Trần Văn Thời về các nội dung liên quan đến khu đất tranh chấp, trong đó có việc có chủ trương cấp giấy chứng nhận QSDĐ hay không, nên Hội đồng xét xử quyết định tạm hoãn phiên tòa.

UBND huyện Trần Văn Thời cho biết, khu đất mà các hộ dân đang tranh chấp, theo phản ánh trước năm 1980 là hoang hóa, dọc theo con rạch Băng Ky đổ ra sông Ông Đốc.

Có kê khai, nhưng nhiều tài liệu không thể hiện?

Liên quan đến vụ việc này, UBND huyện Trần Văn Thời cho biết, khu đất mà các hộ dân đang tranh chấp, theo phản ánh trước năm 1980 là hoang hóa, dọc theo con rạch Băng Ky đổ ra sông Ông Đốc. Rạch Băng Ky trước đây rất lớn, dân cư sinh sống tự phát là nhà ở dọc theo hai bên. Năm 1995, UBND thị trấn Sông Đốc tháo dỡ cầu Băng Ky, đắp đất ngăn làm lộ giao thông, một đoạn rạch Băng Ky hình thành ao ruộng và thời điểm này có một số hộ dân tự lấn chiếm rạch làm nhà ở.

Năm 1998, một đoạn rạch Băng Ky còn trống chưa bị lấn chiếm, UBND thị trấn có cho mượn và cấp cho 27 hộ là giáo viên, cán bộ công tác tại UBND thị trấn và người dân trong diện khó khăn về nhà ở. Sau khi được UBND thị trấn cho mượn, cấp nền trong khu đất là con rạch, thì các hộ này thuê bơm san lấp nhưng chưa hoàn chỉnh mặt bằng nên chưa làm nhà ở được. Vào thời điểm này thì hai bên bờ rạch Băng Ky có một số hộ dân lấn chiếm dài ra.

Năm 2000, địa phương tiến hành đo đạc thành lập bản đồ địa chính 27 hộ được cho mượn, cấp đất đã kê khai đăng ký trên bản đồ địa chính số 11. Đến năm 2012, đo đạc chỉnh lý biến động, các hộ này cũng đã kê khai đăng ký trên tờ bản đồ số 49.

Mặc dù UBND huyện khẳng định các hộ dân đã có kê khai đất từ trước năm 2012, song theo tài liệu của PV, qua số mục kê đất đai địa điểm Khóm 2, thị trấn Sông Đốc và trích lục bản đồ nơi xảy ra tranh chấp của Trung tâm Kỹ thuật công nghệ – Quan trắc tài nguyên và môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường) cho thấy, vào thời điểm năm 2012, địa điểm này (khu vực tranh chấp) ngoài các thửa đất nền thì phía hậu chỉ là một con rạch.

Hiện tại, chưa rõ việc huyện có chủ trương cấp đất tại khu vực này hay không, song theo tìm hiểu của PV, khu vực này đã được san lấp, chia nền, thậm chí có nơi đã sang bán và được cấp giấy chứng nhận QSDĐ. Tại một số nền hiện hữu, chủ sở hữu không phải là cán bộ đã được cho mượn để cất nhà như khẳng định của UBND huyện Trần Văn Thời.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *