Xã Nguyễn Phích và lộ trình đạt chuẩn vào năm 2020

Dù địa bàn rộng nhưng xã Nguyễn Phích vẫn đảm bảo được 100% các ấp có lộ đấu nối, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân lưu thông.

Kết quả của sự nỗ lực

Là xã lâm nghiệp, điều kiện kinh tế ở Nguyễn Phích còn nhiều khó khăn. Nhưng xây dựng NTM là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, cùng với sự tham gia của toàn dân. Nắm rõ khó khăn của địa phương, công tác tuyên truyền, vận động đã được triển khai bằng nhiều hình thức. Đồng thời, phát huy tính gương mẫu, tinh thần trách nhiệm của cán bộ, đảng viên. Phát động nhiều phong trào thi đua trong nhân dân, đặc biệt là phong trào xây dựng NTM ở các cấp hội. Với nỗ lực của đảng ủy, chính quyền và nhân dân trong xã, đến nay, xã đạt được 13/19 tiêu chí.

Anh Lê Trung Kiên, Chủ tịch UBND xã cho biết: “Tập trung công tác tuyên truyền vận động cho người dân hiểu đúng về vai trò, trách nhiệm, quyền lợi của mình trong xây dựng NTM. Từ đó, huy động người dân tích cực tham gia vào các phần việc nằm trong khả năng của mỗi người, mỗi gia đình”.

Từ cách làm này, xuất hiện nhiều tấm gương điển hình trong hiến đất làm đường, hiến đất xây trụ sở văn hóa ấp… Điểm nhấn trong xây dựng NTM ở Nguyễn Phích là dù địa bàn rộng nhưng kết cấu hạ tầng thiết yếu của xã được đầu tư xây dựng và từng bước được nâng cấp. Toàn xã có hơn 256km đường liên xã, liên ấp, trục xóm. Trong đó, tuyến đường xã và đường về trung tâm huyện được nhựa hóa (là xã cuối cùng của huyện U Minh có lộ đấu nối về tới trung tâm huyện), đường trục ấp, liên ấp được cứng hóa có mặt đường từ 2 – 2,5m, 35km đường ngõ xóm, nhánh, đảm bảo không lầy lội vào mùa mưa, đảm bảo điều kiện cho học sinh đến trường được dễ dàng. Ngoài ra, xã còn vận động mạnh thường quân bắc mới 17 cầu đấu nối được các tuyến trong ấp. Hệ thống điện lưới quốc gia được đầu tư, phục vụ tốt cho sản xuất, sinh hoạt của người dân. Trong 3 năm đăng ký cho 507 hộ được lắp đồng hồ điện, nâng tỷ lệ hộ sử dụng điện thường xuyên, an toàn trên địa bàn là 4.565/4.659 hộ.

Song song đó, người dân còn tự giác xây dựng, sửa chữa nhà ở đảm bảo kiên cố. Hiện xã đang từng bước hỗ trợ bà con xóa dần nhà tạm, hướng tới 100% hộ dân có nhà ở kiên cố.

Ông Lý Văn Thum, Trưởng ban Nhân dân Ấp 14, cho biết: “Đời sống bà con dưới tán rừng được nâng lên rõ nét. Nguyên nhân là thời gian khai thác tràm ngắn hơn trước đây, bà con biết chủ động lấy ngắn nuôi dài bằng cách trồng xen canh hoa màu, nuôi thêm cá dưới tán rừng. Từ đó cho thu nhập ổn định, con cái cũng được học hành”.

Toàn Ấp 14 có 129 hộ (còn 12 hộ nghèo, 4 hộ cận nghèo), ông Thum trần tình: Vào thời điểm năm 2007, hộ nghèo ở ấp còn cao lắm, 54 hộ nghèo và 12 hộ cận nghèo. Nhưng bằng quyết tâm của Đảng bộ, sự chỉ đạo sát sao của chính quyền các cấp và hơn hết là ý chí của người dân, nên tỷ lệ giảm nghèo năm sau cao hơn năm trước. Như năm 2018 vừa qua, có 9 hộ đăng ký thoát nghèo.

Nhiều mô hình kinh tế được thử nghiệm mang lại hiệu quả cao. Đây là bước đệm để xã Nguyễn Phích từng bước giảm nghèo. Ảnh: Chị Phan Thị Lụa (Ấp 10, xã Nguyễn Phích) bên mô hình trồng sầu riêng duy nhất trong tỉnh.

Vẫn còn nhiều cái khó

Dù nỗ lực nhưng xã Nguyễn Phích đang gặp rất nhiều khó khăn, nhất là về địa bàn rộng. Toàn xã có 20 ấp, tuyến đường Cà Mau – U Minh như vô tình là ranh giới chia xã ra hai phần. Bên kia sông Cái Tàu có 5 ấp, đời sống người dân khá giả hơn, do bà con chuyển dịch nuôi trồng thủy sản. Còn phía bên này sông, đa phần bà con sống dưới tán rừng, đời sống còn khó khăn.

Anh Lê Trung Kiên cho biết thêm: “Cái khó nhất hiện nay của xã là tiêu chí thu nhập và tỷ lệ hộ nghèo, cần quá trình lâu dài chứ không thể giải quyết trong một sớm một chiều”. Để nâng cao thu nhập cho người dân, xã đã triển khai hai mô hình trồng chuối xiêm và mô hình nuôi heo hướng nạc từ nguồn vốn của chương trình mục tiêu Quốc gia. Quy định thu nhập bình quân của một xã 39 triệu đồng/người/năm nhưng hiện nay, thu nhập đầu người mới đạt 25 triệu đồng/người/năm. Tổng số hộ nghèo trên địa bàn xã còn khá cao – 372 hộ (chiếm 7,97%), hộ cận nghèo 179 hộ (3,83%). Hai tiêu chí này có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, bởi khi thu nhập đầu người thấp thì tỷ lệ hộ nghèo sẽ cao.

Trong cuộc chạy đua giảm nghèo, sự nỗ lực phấn đấu vươn lên của mỗi hộ nghèo có vai trò quan trọng. Tuy nhiên, theo đánh giá của cán bộ xã, phần lớn hộ nghèo thiếu vốn, còn thụ động trong tiếp cận phương thức sản xuất mới, đa phần hộ nghèo còn trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước, chưa có ý thức vươn lên thoát nghèo.

Cũng theo anh Kiên, cái khó nhất hiện nay là công tác huy động vốn thực hiện các chương trình mục tiêu Quốc gia, vốn đầu tư trực tiếp từ cấp trên còn ít, trong khi nhu cầu vốn đầu tư các hạng mục hạ tầng kinh tế, đào tạo việc làm… là rất cần để thúc đẩy phát triển kinh tế của địa phương. Cùng với sự quyết tâm vượt khó của cấp ủy, chính quyền xã trong hành trình đưa xã về đích NTM, xã rất cần sự trợ lực của tỉnh, của huyện.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *