Xây dựng Chính phủ điện tử là công việc mới và khó, phải thường xuyên sơ kết, rút kinh nghiệm

Theo Ủy ban Quốc gia về CPĐT, việc triển khai xây dựng CPĐT đã đạt được một số kết quả tích cực, đặc biệt đã có chuyển biến trong nhận thức về CPĐT và quá trình triển khai hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số, bảo đảm gắn kết giữa ứng dụng công nghệ thông tin với cải cách hành chính, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm.

Đến nay, 100% Bộ, cơ quan ngang Bộ và 62/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (còn lại TP. Hồ Chí Minh) đã thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử.

Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Quốc gia về CPĐT và nỗ lực của các Bộ, ngành, địa phương trong việc triển khai Nghị quyết 17/NQ-CP của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển CPĐT giai đoạn 2019-2020, định hướng đến năm 2025; huy động được sự vào cuộc của khu vực tư nhân, hỗ trợ của quốc tế, những chuyên gia giỏi trong và ngoài nước; sau 3 tháng triển khai, đã cơ bản hoàn thành được 10/16 nhiệm vụ cụ thể được giao trong 6 tháng đầu năm nay.

Một số kết quả tích cực như: Từng bước hoàn thiện khung pháp lý đồng bộ về xây dựng CPĐT; cơ chế đầu tư, thuê dịch vụ công nghệ thông tin dần được tháo gỡ; các hệ thống thông tin quan trọng được nghiên cứu, xây dựng khẩn trương….

Đến nay, đã vận hành được một số hệ thống có ý nghĩa trong triển khai CPĐT như: Trục liên thông văn bản quốc gia phục vụ gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước; hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ. Các nội dung lớn của Cổng Dịch vụ công quốc gia đang được thực hiện.

Công tác bảo đảm an toàn, an ninh được nhận thức đầy đủ hơn và đã có những cải thiện tích cực. Theo công bố chưa chính thức cuối tháng 3/2019 của Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU), năm 2018, Việt Nam xếp hạng thứ 50/193 quốc gia, vùng lãnh thổ được đánh giá về Chỉ số an toàn, an ninh thông tin (tăng 50 bậc so với năm 2017).

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, đây là công việc mới và khó nên phải thường xuyên sơ kết, rút kinh nghiệm.

Nhằm hướng đến một CPĐT, về phương hướng những tháng cuối năm, Thủ tướng nhấn mạnh nhiệm vụ cần thiết là tập trung kết nối liên thông gửi và nhận văn bản điện tử; xây dựng các hệ thống thông tin phục vụ chỉ đạo điều hành, cơ sở dữ liệu quốc gia, Cổng dịch vụ công, hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp Bộ, cấp tỉnh, cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 theo danh mục Thủ tướng đã ban hành và khả năng sẵn sàng kết nối, chia sẻ dữ liệu với Cổng Dịch vụ công quốc gia…

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *