Xây dựng, chỉnh trang chợ Cái Nước: Cần có sự chia sẻ và đồng thuận

Anh Nguyễn Văn Lạc, tiểu thương, cho biết: “Mấy dãy ki-ốt ở đây xuống cấp lắm rồi. Mặt bằng ẩm thấp, lối đi chật hẹp, ngập nước; mái che mục nát, dây điện câu móc chằng chịt. Nếu không xây dựng lại thì có thể đổ sập bất cứ lúc nào. Đáng lo hơn là điều kiện an toàn phòng cháy chữa cháy không đảm bảo, nên việc dự trữ hàng hoá trong dịp tết và những tháng mùa khô ai nấy đều bất an. Vì thế, việc UBND thị trấn có chủ trương xây dựng lại nhà lồng chợ, bà con tiểu thương rất mừng”.

Dự án xây dựng, chỉnh trang nhà lồng chợ Cái Nước giai đoạn 3 được thực hiện theo chủ trương xã hội hóa, với tổng kinh phí đầu tư hơn 14,9 tỷ đồng, gồm các hạng mục như xây dựng mới các dãy ki-ốt, đầu tư thiết bị phòng cháy chữa cháy, xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, cống thoát nước theo quy hoạch đô thị; phục vụ cho hơn 120 hộ mua bán, kinh doanh. Thời gian thi công trong vòng 95 ngày, đảm bảo bàn giao để tiểu thương mua bán trong dịp tết nguyên đán sắp tới. Quá trình thực hiện được công khai để tiểu thương bàn bạc, lựa chọn phương án, thiết kế của đơn vị tư vấn, để chọn ra cách làm tối ưu nhất.

Tuy nhiên, khi bắt tay vào thực hiện gặp một số trở ngại, vướng mắc. Trước đây có đông hộ dân có nhu cầu mua bán, nhưng vị trí mặt bằng có hạn, nên một số ít trường hợp phải sắp xếp lại. Hơn nữa, đường nội bộ giữa các dãy ki-ốt đều nhỏ hẹp, nên khi xây dựng lại theo quy hoạch đô thị đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt thì các tuyến đường được mở rộng hơn, làm cho diện tích các quầy sạp bị thu hẹp. Do mở rộng đường và vỉa hè, đảm bảo an toàn cho công tác phòng cháy chữa cháy và mỹ quan đô thị, nên khi sắp xếp lại có 6/123 quầy không còn nằm đúng ở vị trí cũ. Trong đó có 4 trường hợp nằm ngay góc Đường 3/2 giao nhau với Đường 30/4 buộc phải sắp xếp lại ở vị trí khác. Ngày 17/10 là thời điểm bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công, nhưng 4 hộ này không chịu tháo dỡ di dời và cho rằng chính quyền địa phương giải quyết không công bằng, nếu giải tỏa thì phải giải tỏa hết các vị trí cùng nằm theo tuyến Đường 3/2.

Anh Nguyễn Văn Lạc (bên phải), tiểu thương chợ Cái Nước, thu dọn hàng hóa để bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công.

Theo UBND thị trấn Cái Nước cho biết, cả 4 trường hợp trên, trước đây do không còn vị trí nên địa phương uyển chuyển cho che dù để mua bán tạm, chứ không được cấp hoặc cho thuê như các hộ trong ki-ốt. Ngày qua ngày, những hộ này làm thêm mái che với quy mô lớn hơn. Bằng chứng là dãy ki-ốt nằm dọc theo tuyến Đường 30/4, trước đây được xây dựng bán cơ bản cho hộ kinh doanh thuê để mua bán rau quả. Cả 4 trường hợp này đều nằm ngoài dãy ki-ốt. Trong khi đó, hai dãy ki-ốt bên trong được xây dựng bằng khung tiền chế theo quy hoạch trước đây, đã được chính quyền địa phương sắp xếp, cho hộ kinh doanh thuê và giao quyền sử dụng rõ ràng. Như vậy, việc 4 hộ kinh doanh tại đầu Đường 3/2 không chấp hành giải tỏa để xây dựng theo quy hoạch và viện dẫn lý do cho rằng chính quyền địa phương giải quyết không công bằng là không có cơ sở.

Ông Huỳnh Minh Hòa, hộ kinh doanh lâu năm tại chợ Cái Nước, cũng xác nhận điều này.

Để giải quyết tình trạng này, quan điểm của UBND thị trấn Cái Nước là phải tiến hành xây dựng lại nhà lồng chợ theo quy hoạch. Những trường hợp được sắp xếp mua bán tạm, nay do phải mở rộng đường và vỉa hè, vị trí không còn đủ để xây dựng ki-ốt thì phải được sắp xếp ở vị trí khác. Chính quyền sẽ ưu tiên bố trí cho 4 trường hợp này ở những vị trí mới có lợi thế. Mục tiêu là tạo mọi điều kiện để tiểu thương có được chỗ nơi mua bán ổn định.

Thị trấn Cái Nước được công nhận là đô thị loại V. Để xứng tầm là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của huyện, Đảng bộ và nhân dân thị trấn Cái Nước đã và đang nỗ lực thực hiện mục tiêu xây dựng thị trấn văn minh đô thị. Vì vậy, việc triển khai dự án xây dựng nhà lồng chợ Cái Nước giai đoạn 3 nói riêng và các hạng mục công trình công cộng khác, rất cần sự chia sẻ, đồng thuận và hành xử một cách thấu tình, đạt lý của người dân.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *