Xây dựng nông thôn mới: Những thách thức từ tiêu chí số 5

Ông Huỳnh Thanh Hận, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thới Bình, cho biết: Xác định rõ nhiệm vụ, Phòng Giáo dục và Đào tạo Thới Bình đã chủ động tham mưu để huyện đưa ra những giải pháp cụ thể, nhằm thực hiện tiêu chí số 5 trong xây dựng NTM ở các xã được chọn làm điểm chỉ đạo năm 2018. Tuy nhiên, để hoàn thành tiêu chí này, vẫn còn nhiều khó khăn và thách thức.

Những năm qua, ngành Giáo dục Thới Bình chăm lo đồng bộ về cơ sở vật chất, nguồn nhân lực, sắp xếp trường lớp, khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học tại địa phương. Đến nay, toàn huyện có 58 điểm trường trung tâm và 47 trường điểm lẻ. Trong đó, có 30/58 trường được công nhận đạt chuẩn Quốc gia mức độ 1 từ năm 2017 trở về trước. Tập trung nhiều tại các xã được công nhận đạt chuẩn NTM: Trí Lực, Trí Phải, Tân Lộc, Biển Bạch Đông và Tân Bằng.

Năm 2018, các xã điểm xây dựng NTM đều có những khó khăn nhất định trong xây dựng trường đạt chuẩn Quốc gia. Hiện tại, 4 xã này có tổng số 21 trường, nhưng chỉ có 5 trường được công nhận đạt chuẩn Quốc gia vào năm 2016 trở về trước. Vì vậy, để xây dựng thêm 10 trường đạt chuẩn Quốc gia trong năm 2018, cần số vốn hơn 60 tỷ đồng, con số quá lớn so với ngân sách của huyện. Hiện nay, toàn huyện có 9 trường mầm non, 14 trường tiểu học và 7 trường THCS đạt chuẩn Quốc gia. Số trường học đạt chuẩn còn chênh lệch khá xa giữa các xã đạt chuẩn NTM và xã không đạt chuẩn.

Trường Tiểu học Phong Tiến (xã Tân Lộc Đông) gặp khó khăn về kinh phí mua sắm cơ sở vật chất, trang thiết bị trong xây dựng trường đạt chuẩn Quốc gia.

Xây dựng trường học đạt chuẩn Quốc gia không chỉ là trách nhiệm của ngành Giáo dục mà là của cả cộng đồng. Thế nhưng, một số địa phương vẫn chưa quan tâm đúng mức. Nhiều trường thụ động trông chờ vào ngân sách của huyện và tỉnh hỗ trợ, trong khi nguồn vốn này quá thấp so với nhu cầu thực tế. Việc kêu gọi xã hội hóa giáo dục được cho là nguồn lực để đầu tư, xây dựng trường học đạt chuẩn vẫn chưa được khai thác có hiệu quả. Đây sẽ là một trong những thách thức cho ngành Giáo dục huyện.

Ông Trần Chí Cường, Chủ tịch UBND xã Tân Lộc Đông, chia sẻ: Xã hiện chưa có trường được công nhận đạt chuẩn Quốc gia. Trong năm 2018 này, xã xây dựng được 3 trường đạt chuẩn thì mới đảm bảo hoàn thành tiêu chí số 5 trong xây dựng NTM. Nhưng đến nay chỉ có Trường Mầm non Ban Mai cơ bản đủ điều kiện công nhận đạt chuẩn vào mùa hè năm học 2017 – 2018.

Ông Nguyễn Tráng Kiện, Phó Chủ tịch UBND huyện Thới Bình, cho biết: Đơn vị đã ban hành nghị quyết mỗi năm dành kinh phí cho giáo dục, nhưng do số lượng trường cần xây dựng đạt chuẩn Quốc gia trên địa bàn huyện khoảng 10 trường là quá lớn so với thực tế của huyện. Số phòng học cần đầu tư, cải tạo hằng năm nhiều, điều kiện kinh tế – xã hội của huyện khó khăn buộc phải trông chờ vào sự hỗ trợ của tỉnh. Để đẩy nhanh tiến độ xây dựng trường đạt chuẩn, lãnh đạo huyện Thới Bình đề xuất xây dựng trên tinh thần tập trung, không nên dàn trải, mà ưu tiên cho những đơn vị được chọn làm điểm xây dựng NTM.

Nhìn tổng thể, đến nay, tỷ lệ trường đạt chuẩn Quốc gia của Thới Bình đã đạt được hơn 51% so với tổng số các trường trên địa bàn huyện. Tuy nhiên, tiến độ xây dựng trường đạt chuẩn Quốc gia ở từng xã điểm xây dựng NTM có nhiều chênh lệch: Xã Hồ Thị Kỷ có 9 trường, 3 trường đạt chuẩn; Tân Lộc Bắc có 4 trường, 2 trường đạt chuẩn; Biển Bạch có 4 trường, 1 trường đạt chuẩn. Đặc biệt, xã Tân Lộc Đông có 4 trường, chưa có trường đạt chuẩn. Thực tế này đòi hỏi sự nỗ lực không nhỏ của cả hệ thống chính trị, nhằm tìm ra giải pháp thiết thực, phù hợp.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *