Xóm không đường, lại thiếu điện!

Tuyến kênh này dài khoảng 2km đường đất, trên tuyến có 35 hộ dân sinh sống. Để có điện sinh hoạt, người dân nơi đây phải kéo điện chia hơi từ các ấp lân cận về sử dụng, vừa tốn kém chi phí, vừa không đảm bảo an toàn, mà nguồn điện thì lại rất yếu.

Trên con đường đất còn sình lầy do trận mưa hôm trước để lại, ông Dương Quốc Vương, Trưởng ban Nhân dân ấp Tân Phong, dẫn chúng tôi thăm bà con trong xóm. Chỉ tay về phía những chiếc vỏ lãi đang neo đậu dưới bến, ông Vương cho biết: “Đó, ở đây nhà nào cũng phải sắm một chiếc vỏ máy để làm phương tiện đi lại, chứ có mua xe thì cũng không chạy hay mang về nhà được”.

Chúng tôi ghé thăm nhà ông Nguyễn Tấn Lộc, đang lúc ông Lộc loay hoay xới đất, lên giồng để trồng rau. “Tranh thủ trời có mưa, tôi làm cỏ, làm đất trồng mấy luống rau để ăn. Chứ ở đây đường sá đi lại khó khăn, muốn mua bán gì cũng khó. Cuộc sống của bà con khó khăn lắm, đường lộ không có nên việc đi lại bất tiện, muốn đi đâu, phải ì ạch khiêng máy xuống xuồng để chạy đi. Từ nhà tôi cách UBND xã chưa đầy 3km, nếu đi xe chưa đầy 5 phút nhưng đi xuồng phải chạy vòng gần nửa tiếng mới tới. Bởi vậy, mỗi khi có việc gì muốn đi ra xã thì rất mất thời gian”, ông Lộc cho biết.

Nói về nhu cầu điện, ông Vương chia sẻ, ở nơi đây, để có điện sử dụng, bà con phải kéo điện chia hơi từ các ấp lân cận, ai ở gần đâu thì kéo ở đó. Ban đầu bà con cũng đổ trụ bê-tông để kéo điện, nhưng khi không có khả năng kinh tế thì dùng cây bạch đàn, cây đước, cây tre để kéo dây điện. Dây điện dài lòng thòng rất nguy hiểm cho người đi đường. “Mỗi lần có tiếp xúc cử tri là tôi lại phản ảnh vấn đề này, cứ nói hoài, rồi hứa hoài, riết rồi bà con cũng hết tin tôi, gần 20 năm rồi còn gì nữa”, ông Vương nói.

Là một trong những lão nông gắn bó lâu đời tại tuyến Kênh Ngang, ông Huỳnh Văn Dân cho biết: “Cách đây gần 10 năm, tôi cùng với người hàng xóm hùn tiền kéo điện chia hơi từ nhà người quen ở tuyến đê Đông, thuộc địa bàn ấp Tân Phong, về để sử dụng, chiều dài gần 2km, với số tiền trên 10 triệu đồng. Ban đầu sử dụng cũng ổn, nhưng càng về sau điện càng yếu, nên không sử dụng được nhiều. Ban ngày tôi hạn chế không sử dụng thiết bị điện, ban đêm chỉ sử dụng có 2 bóng đèn. Hai ngày tôi mới bơm nước 1 lần mà phải canh giờ tầm 3 đến 4 giờ sáng mới bơm được, còn những giờ khác điện yếu quá, bơm nước không lên. Tiết kiệm vậy mà mỗi tháng tôi cũng phải trả từ 400 – 500 ngàn đồng tiền điện. Vào những tháng nắng, điện “bay hơi” nhiều thì phải trả từ 600 – 700 ngàn đồng”.

Ở cùng tuyến, ông Nguyễn Văn Phuông bức xúc: “Ở đây chúng tôi sử dụng điện tiết kiệm lắm, ban đêm chỉ dám mở 1 bóng đèn. Vào giờ cao điểm muốn xài ti vi, quạt máy hay mô-tơ bơm nước cũng không được, vì điện yếu quá, cứ chớp – tắt liên tục như vậy nên đồ điện tử mau hư lắm, cứ vài tháng là phải thay bóng đèn 1 lần. Nhà tôi giờ vẫn phải nấu cơm bằng củi, vì có mua nồi cơm điện cũng không sử dụng được. Rồi do đường điện kéo nhờ qua phần đất vuông của người khác nên những lúc trời mưa, cây dẫn dây điện bị ngã mà chưa kịp cặm lại ngay cũng phiền hà. Nhiều khi người cho chia hơi điện giận cúp cầu dao luôn. Dân trong xóm này, nhà nào cũng phải trang bị đèn pin, đèn dầu để thắp sáng mỗi khi mất điện”. “Có lần trời mưa lớn, gió mạnh làm cho mấy trụ điện bằng cây đước gãy, ngã xuống nước, làm một đoạn dây điện bị đứt, cũng may có người phát hiện kịp, nếu không chẳng may lúc đó có ai đang đi đặt lú dưới sông, bị giật thì nguy hiểm tính mạng như chơi”, ông Dân nhớ lại.

Xuồng máy là phương tiện đi lại chủ yếu của người dân nơi đây.

“Người dân ở đây chỉ mong sao có được con lộ để đi lại, có điện để sử dụng, chứ mấy chục năm nay bà con đã chịu quá nhiều thiệt thòi rồi. Nhìn ấp kế bên đời sống người ta phát triển mà thấy ham. Chỉ tính đơn giản, 1kg tôm thương lái vào đây mua cũng rẻ hơn ở ngoài từ 20 – 30 ngàn đồng. Bà con cũng muốn trồng trọt, chăn nuôi để tăng thêm thu nhập nhưng điều kiện đi lại khó khăn, muốn ra được tới nơi bán, tính chi phí xong thì cũng không còn lãi nên đành thôi. Giờ ở đây mà có điện, có đường thì chắc đời sống của bà con sẽ phát triển lắm”, ông Phuông mong muốn.

Phó Chủ tịch UBND xã Đông Hưng, ông Khấu Chí Nguyện cho biết, hiện nay ấp Tân Phong có 2 tuyến kênh còn đang gặp khó khăn về đường và điện sinh hoạt, gồm tuyến Kênh Ngang và tuyến kênh Năm May Máy, có khoảng 80 hộ dân sinh sống. “Vừa qua, xã đã đề nghị về trên tiến hành nạo vét tuyến kênh Ngang, đồng thời kiến nghị đầu tư hạ thế điện cho 2 tuyến kênh này. Riêng lộ thì UBND xã đang tiến hành họp dân để vận động người dân, trước mắt sẽ tiến hành làm con lộ bê-tông ngang 1m, giải quyết được nhu cầu đi lại cho bà con, đến khi có điều kiện sẽ làm lộ lớn hơn. Mong rằng thời gian tới, ngành Điện sẽ ưu tiên, sớm đầu tư lưới điện để đảm bảo việc sinh hoạt và sản xuất của người dân nơi đây”, ông Nguyện thông tin.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *