“Y sĩ đông y lưu động” hết lòng vì bệnh nhân nghèo

Chị Phấn miệt mài chăm sóc những giống thuốc núi quý hiếm.

Đến Hưng Quảng Tự (Phường 5, TP. Cà Mau), thuộc Tịnh độ Cư sĩ Giáo hội Phật giáo Việt Nam, nhắc đến nữ lương y Trương Thị Phấn, ai cũng hào hứng kể về chị với lòng yêu mến ở sự chân thành và giàu tình cảm. Dù cuộc sống gia đình nhỏ vẫn còn nhiều khó khăn, thế nhưng bản thân chị luôn nghĩ cho cộng đồng, cho bệnh nhân nghèo.

38 tuổi, chị Phấn đã có 24 năm học tập và làm nghề y sĩ đông y. Cái tên “y sĩ đông y lưu động” đã gắn liền với y sĩ Trương Thị Phấn; bởi chị đã công tác và hoạt động nghề nghiệp với hơn 20 phòng thuốc. Chị Phấn bùi ngùi kể: Sau hơn 10 năm bôn ba theo học nghề, ngày cầm tấm bằng chứng nhận trong tay mà rơm rớm nước mắt, nửa mừng nửa lo; mừng vì tâm niệm với nghề nghiệp đã được trang bị vốn kiến thức cơ bản, lo vì không biết có điều kiện tốt để phát huy những gì mình học tập trong suốt thời gian qua không.

Chị trở về quê hương và Hưng Quảng Tự là nơi chị đã làm việc và cống hiến với ngành đông y tới nay. Quê gốc xã Quách Văn Phẩm (huyện Đầm Dơi), năm 14 tuổi cô gái trẻ đã phát hiện ra mình mê ngành đông y và “ghiền” mùi thuốc nam đến lạ. Càng tìm hiểu về nghề, chứng kiến nhiều bệnh nhân nghèo vượt qua bệnh tật từ những vị thuốc nam và những toa thuốc do sư phụ mình hốt, ý chí càng sôi sục trong cô gái trẻ.

Tình yêu với nghề càng nung nấu trong lòng không lúc nào nguôi, lúc này chị đang làm việc tại Hưng Thới Tự (ấp Cái Keo, xã Quách Phẩm, huyện Đầm Dơi) quê nhà. 6 năm sau, được đi học ở Hưng Bình Tự (thị trấn Thới Bình, huyện Thới Bình); sau gần 3 năm trau dồi nghề nghiệp, gần như đã lành nghề, sư phụ tiếp tục cho chị đi học và trực ở các phòng thuốc nam khác nhau trong và ngoài tỉnh. Từng làm việc qua hơn 20 phòng thuốc, đó là vốn kiến thức nghề nghiệp quý cho chị đến thời điểm này.

Hỏi về kỷ niệm với nghề, y sĩ Phấn nhớ hoài lúc đang làm ở phòng thuốc Hưng An Tự (tỉnh Bình Thuận) và là học trò xuất sắc của lương y Võ Hoàng Yên. Tình yêu thuốc nam càng cháy bỏng hơn khi hàng ngày theo chân thầy lên núi tìm thuốc. Hàng trăm vị thuốc núi có giá trị đã làm say lòng và níu chân y sĩ Phấn gắn bó với nghề.

Cũng trong giai đoạn này, vị y sĩ của phòng thuốc Hưng An Tự đi học bác sĩ đông y; y sĩ Phấn được cử trực thay tại phòng thuốc và cũng giai đoạn đó bản thân tích lũy thêm rất nhiều kinh nghiệm và có điều kiện tìm hiểu sâu về hiệu quả của các vị thuốc núi. Trong giai đoạn này, chị đã kết thân với cô Diệu Hải (tỉnh Bình Dương), người có kinh nghiệm rất nhiều trong việc tìm hiểu tác dụng của các vị thuốc núi và nay là người cung cấp giống cây thuốc cho vườn thuốc nam từ thiện của gia đình chị.

Từ vườn thuốc quý hơn 1ha – gia tài của vợ chồng chị Phấn, đã san sẻ yêu thương đến nhiều bệnh nhân nghèo.

Hưng Quảng Tự là phòng thuốc thứ 21 y sĩ phấn công tác. Hàng ngày, người bệnh đã quen với hình ảnh nữ y sĩ đón bệnh, bắt mạch, điều trị cho bệnh nhân; rảnh rỗi thì chặt và phơi thuốc.

Kể về cuộc sống riêng tư, chị bảo như cái duyên, cách đây 7 năm, chị gặp và kết hôn với anh Đào Văn Nhân; hai người cùng công tác ở phòng thuốc. Và như là duyên số, hai vợ chồng có chung đam mê trồng thuốc nam để cứu người. Ý tưởng lớn gặp nhau, hai người cùng xây tổ ấm và thực hiện ước mơ xây dựng vườn thuốc nam quý, góp phần vào nhiệm vụ chữa bệnh cứu người. Năm 2014, được gia đình chồng cho 1ha đất, chị Phấn bàn cùng chồng và sau khi thống nhất, chị đã liên hệ với các “mối” cung cấp thuốc núi gửi giống cây thuốc về để trồng.

Kể từ đó, vườn thuốc của gia đình trở thành đầu mối lớn cung cấp thuốc miễn phí cho phòng thuốc Hưng Quảng Tự. Hàng ngày, từ thứ 2 đến thứ 7, vợ chồng chị làm việc ở phòng thuốc, đến chiều thứ 7 mới về nhà ở Ấp 15 (xã Nguyễn Phích), ấy vậy mà vườn thuốc của gia đình cứ xanh tốt quanh năm. Hàng tháng, vườn thuốc cung ứng từ 2 – 4 tấn thuốc. Từ số thuốc nghĩa tình ấy, nhiều người nghèo mắc bệnh đã được cứu chữa kịp thời.

Nhiều người phải khâm phục, vì là hộ cận nghèo, kinh tế còn chật vật, nhưng anh chị dám đầu tư cho vườn thuốc gần 20 triệu đồng, với hệ thống tưới giáp chu vi 1ha. Nhờ đó, mùa mưa cũng như mùa hạn, những cây thuốc núi quý hiếm cứ thế sinh trưởng và xanh mướt.

Sau cuộc gặp anh chị ở nhà riêng, tôi càng cảm phục và muốn tìm đến “trang trại” trồng thuốc nam để hiểu hơn tấm lòng cũng như nghĩa cử cao đẹp của vợ chồng nghèo nhưng giàu lòng nhân ái, “người hùng của bệnh nhân nghèo” này. Ghé thăm vườn thuốc của vợ chồng y sĩ Phấn vào những ngày cuối năm; ngay dọc theo các tuyến Kinh 29, Tuyến 33, Tuyến 35, đập vào mắt chúng tôi là hình ảnh màu xanh bạt ngàn của thuốc nam; nhiều giống thuốc quý đã được chị Phấn nhân giống, chiết nhánh ra cho các hộ lân cận cùng trồng. Nhờ đó, người dân nơi đây cũng trồng được nhiều cây thuốc quý, vừa giúp bà con có sẵn thuốc chữa bệnh cho gia đình vừa giúp đỡ được những người bệnh nghèo đang cần thuốc.

Tìm đến các trang trại, học hỏi cách chiết nhánh, cấy mô trồng cây thuốc quý. Sống trên vùng đất phèn U Minh, chị Phấn rất trăn trở, sau nhiều ngày “nghiên cứu” vợ chồng chị đã mạnh dạn đào mương, kê liếp, phân loại cây nào chịu nước thì trồng dưới mương, cây nào phù hợp với nơi cao ráo thì trồng trên liếp; phân khu thuốc rất rõ ràng, khu trồng cây cần nhiều nước, khu trồng cây cần ít nước…

Mẹ chồng chị nhiều lúc cũng xót ruột con dâu, bà bảo: “Đi làm thì thôi, chứ về nhà là nó ở ngoài vườn nhiều hơn ở trong nhà”. Những lúc ấy chị Phấn cứ cười hiền: “Làm việc thấy vui và khỏe hơn, chứ ở trong nhà lắm lúc cũng muốn bệnh”.

Chia sẻ về niềm vui sắp được làm mẹ, sắp chào đón đứa con trai đầu lòng, chị Phấn và anh Nhân mừng rơi nước mắt. Thời gian gần vượt cạn, được cho phép về nhà dưỡng thai, chị Phấn vẫn cho đây là khoảng thời gian quý báu để chăm sóc vườn thuốc nam, kịp cho những chuyến xe vận chuyển về phòng thuốc. Một ngày của hai vợ chồng là ra vườn sớm, làm cỏ, vun phân, xới đất… tạo mọi điều kiện cho thuốc sinh trưởng và phát triển tốt nhất. Cung ứng nhiều giống thuốc quý hiếm để chữa bệnh cho người nghèo.

Hiện nay, trong khu vườn thuốc nghĩa tình này có trên 100 giống thuốc quý hiếm. Dù hoàn cảnh gia đình cũng còn nhiều khó khăn, còn là hộ cận nghèo nhưng anh chị vẫn đầu tư tiền mua thêm nhiều giống thuốc quý hiếm để trồng, với tâm nguyện duy nhất là sẽ chữa lành được nhiều bệnh nguy hiểm.

Một hecta đất đã được phủ xanh hơn 80%, thành “rừng” thuốc. Khi hỏi về kho thuốc hiện tại, chị Phấn thao thao kể: Nào là bá bệnh, long não, huế, đỗ trọng, bạch đằng hương, đinh lăng, quốc hương… Còn nhiều, nhiều lắm những giống thuốc quý mà nhiều phòng thuốc trong tỉnh đang cần.

Thán phục và ngưỡng mộ tấm lòng của đôi vợ chồng nghèo nhân hậu, Chủ tịch Hội Đông y xã Nguyễn Phích – ông Võ Thanh Pha cho biết: “Trước việc làm ý nghĩa của hai cháu Nhân, Phấn, nhiều hộ dân quanh vùng thấy đó mà noi theo, phong trào trồng thuốc nam của địa phương càng nhân rộng, đặc biệt là các giống cây thuốc núi quý hiếm; góp phần tạo điều kiện cho các phòng thuốc nam trong và ngoài xã hoạt động ngày càng hiệu quả hơn”.

24 năm đam mê, theo đuổi và sống với nghề y sĩ đông y, ngần ấy thời gian lưu động tại hơn 20 phòng thuốc khác nhau và học rất nhiều từ hành trình này, vốn liếng tích lũy được là sự hiểu biết về các loài thuốc và thành quả hiện nay là một vườn thuốc nam quý. Chị Trương Thị Phấn xứng đáng là “lương y” trong lòng những bệnh nhân được chị chữa trị, cũng như những người được uống những thang thuốc quý từ vườn thuốc nghĩa tình này.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *