Yêu cầu hoàn thiện các điều kiện nuôi tôm siêu thâm canh

Theo Chủ tịch UBND tỉnh, phát triển nhanh hình thức nuôi tôm siêu lợi nhuận này là đáng mừng nhưng cũng rất đáng lo. Mừng là năng suất cao, bình quân 22 tấn/ha/vụ, cá biệt có hộ đạt trên 40 tấn/ha/vụ.

Tuy nhiên, đây là hình thức có nguồn đầu tư lớn, các điều kiện sản xuất phải được đảm bảo, khép kín hoàn toàn, một khi xảy ra dịch bệnh sẽ gây thiệt hại rất lớn, khó phục hồi.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử cho biết, việc kiểm tra các điều kiện nuôi tôm siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao đã qua chưa chặt chẽ; việc thiết kế nơi chứa chất thải, nước thải trong quá trình nuôi chưa đảm bảo, nên còn thải ra môi trường. Ông Châu Công Bằng – Phó Giám đốc Sở NN&PTTN; tỉnh cho rằng đa phần người nuôi theo hình thức này hiện nay chưa xử lý nước thải sau khi thải ra môi trường, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng vùng nuôi.

Về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử yêu cầu các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đang thực hiện mô hình nuôi tôm siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao nhưng chưa đảm bảo các điều kiện: Đất đai, quy hoạch, thiết kế ao nuôi, ao lắng, cơ sở hạ tầng, quy trình xử lý chất thải, giải pháp kỹ thuật và kinh nghiệm nuôi…ngưng sản xuất, khi bổ sung hoàn thiện các điều kiện và phải được cơ quan chức năng cấp huyện thẩm định đạt yêu cầu mới tiếp tục sản xuất.

Được biết, thực hiện Đề án phát triển ngành hàng tôm, Cà Mau sẽ mở rộng diện tích nuôi tôm quảng canh cải tiến và nhân rộng các hình thức nuôi tôm ứng dụng kỹ thuật công nghệ cao, phấn đấu đến năm 2020 đạt 1 ngàn hecta nuôi tôm siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao, kim ngạch xuất khẩu ngành tôm đạt 3 tỷ USD sau năm 2020.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *