“Ngậm trái đắng” và bài học để có quả ngọt

Nhắc lại chuyện cũ, bài học đắt giá đã qua cho thấy, theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh, việc xem xét, hỗ trợ thiệt hại của hộ dân phải đảm bảo điều kiện theo quy định tại Thông tư số 05/VBHN-BTC ngày 9/2/2015 của Bộ Tài chính. Tuy nhiên, hầu hết người dân Cà Mau không đăng ký kê khai sản xuất ban đầu theo đúng quy định, nên trong thực tế, việc xem xét, hỗ trợ cho đối tượng bị thiệt hại do thiên tai gặp nhiều khó khăn.

Để rộng đường cho người dân được nhận hỗ trợ, tỉnh thống nhất nếu hộ dân không đăng ký kê khai sản xuất ban đầu thì phải có chứng từ khác chứng minh đã có sản xuất: Hóa đơn, chứng từ mua giống, mua thức ăn; có sự giám sát của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể ở cơ sở và công khai, minh bạch trong nhân dân. Nếu các hộ dân sản xuất không thực hiện đúng lịch thời vụ được công bố, không tuân thủ đúng quy hoạch được cấp thẩm quyền phê duyệt, thì không được xem xét hỗ trợ thiệt hại.

Đa số các huyện vướng ở chỗ: Hộ dân không kê khai sản xuất ban đầu với UBND cấp xã; một số hộ có hóa đơn, giấy chứng nhận kiểm dịch bị tẩy xóa, sửa ngày, tháng hoặc số lượng giống không phù hợp so với số lượng giống thả nuôi trong bảng kê khai thiệt hại… Qua kiểm tra, xem xét phân tích của tổ thẩm định, xét thấy thủ tục không hợp lệ.

Toàn tỉnh phải đăng ký nuôi trồng thủy sản 253.252ha, chủ yếu thả nuôi trong Quý II và Quý III năm 2018.

Từ trước đến nay nông dân trong tỉnh chưa từng được hướng dẫn đăng ký sản xuất với chính quyền địa phương ngay từ đầu vụ. Đa phần trong số họ chỉ “mua đứt bán đoạn” con giống để thả, không có thói quen sử dụng hóa đơn trong các lần mua bán con giống. Và giải pháp trong lúc này là tỉnh vẫn kiên quyết không hỗ trợ thiệt hại, nếu không đủ các điều kiện đã đặt ra.

Việc mua và bán giống, vật nuôi xưa nay chủ yếu theo kiểu tình cảm, hoặc mối quan hệ ở địa phương. Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 8 huyện, thành phố thực hiện đăng ký sản xuất ban đầu theo tinh thần chỉ đạo của UBND tỉnh. Các đối tượng đăng ký chủ yếu thả nuôi trong Quý II và Quý III năm 2018. “Nhìn chung công tác đăng ký, kê khai sản xuất ban đầu cao hơn năm 2017. Các loại hình nuôi đầu tư nhiều chi phí, tỷ lệ rủi ro cao thường được bà con nhân dân quan tâm đến công tác kê khai sản xuất ban đầu để địa phương dễ quản lý, hỗ trợ cho công tác chỉ đạo sản xuất và đảm bảo đủ các điều kiện để hỗ trợ khôi phục sản xuất khi có thiên tai, dịch bệnh xảy ra”, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cà Mau, ông Trần Văn Thức thông tin.

Tuy nhiên, trong công tác triển khai thực hiện, đa phần các địa phương gặp khó, do thiếu kinh phí cũng như thiếu con người. Chính vì vậy, mặc dù công tác này đã triển khai từ năm 2016, nhưng một số địa phương vẫn chưa thực sự sâu sát trong quá trình thực hiện nhiệm vụ; qua đó cho thấy công tác tuyên truyền của địa phương chưa đúng mức, vì công tác này đòi hỏi sự nhất quán với hoạt động sản xuất nông nghiệp, mang tính đồng bộ và diễn ra thường xuyên.

Do công tác tổ chức sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ, số lượng ít nên người dân chưa thật sự quan tâm đến việc kê khai sản xuất ban đầu. Ảnh: LÊ TUẤN

Thêm vào đó, một bộ phận người dân chưa thật sự am hiểu về chủ trương nên chưa nhận thức hết lợi ích của việc kê khai sản xuất ban đầu. Đặc biệt, do công tác tổ chức sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ, số lượng ít nên người dân chưa thật sự quan tâm. Địa phương chậm trễ, sơ sài trong công tác thực hiện cũng như báo cáo; thêm vào đó, một phần do địa bàn rộng, điều kiện đi lại khó khăn, giao thông cách trở, một phần cũng ảnh hưởng đến sản xuất của người dân.

Anh Lý Dù Ỵ, cán bộ Đoàn ở ấp Tân Long (xã Tân Tiến, huyện Đầm Dơi), chia sẻ: Trong quá trình triển khai thống kê, tiến hành cho người dân kê khai sản xuất ban đầu thì cũng gặp nhiều khó khăn nhất định. Trời nắng thì có thể đi đến hộ dân bằng xe 2 bánh, nhưng mùa mưa, có những ấp phải đi bằng vỏ lãi. Chưa tính đến chuyện người dân thiếu hợp tác, với nhiều nguyên nhân khách quan: “Người lớn” vắng nhà, đăng ký rồi có được hỗ trợ không hay chỉ mất thời gian, gia đình sản xuất nhỏ lẻ thì cần gì đăng ký…

Hiện nay, kiến nghị quan trọng và cụ thể nhất mà Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiến nghị UBND tỉnh là cấp kinh phí để tập huấn, trang bị kiến thức cho cán bộ cấp xã, ấp nắm rõ nội dung, biểu mẫu để nhất quán trong quá trình thực hiện, tránh sai sót. Đồng thời xem xét cấp kinh phí cho cán bộ thực hiện công tác điều tra, đăng ký kê khai sản xuất ban đầu, bởi lẽ việc đăng ký ở cơ sở là cán bộ đi từng nhà chứ người dân không chủ động tìm đến địa phương để đăng ký. Vấn đề quan trọng là công tác truyền thông đến tận người dân để hiểu và làm theo.

Người dân phải phát huy vai trò chủ thể trong quá trình sản xuất; vì quyền lợi của gia đình, chủ động hợp tác với chính quyền địa phương trong việc kê khai sản xuất ban đầu; để mỗi vụ mùa đều thu về những quả ngọt.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *