Đầm Dơi: Đẩy mạnh tuyên truyền văn hóa giao thông đường thủy

Để đảm bảo an toàn giao thông đường thủy, trước mắt cũng như lâu dài, huyện sẽ tập trung cho công tác tuyên truyền, nhằm thay đổi nhận thức về hình thức đánh bắt thủy sản ảnh hưởng đến hoạt động giao thông thủy.

Nhằm kiềm chế TNGT đường thủy, Ban An toàn giao thông (ATGT) huyện đã xây dựng hai mô hình thực hiện thí điểm. Trong đó, mô hình “Bến văn hóa an toàn giao thông” phương hướng xây dựng Bến tàu khách huyện an toàn, thân thiện và có thái độ ứng xử có văn hóa tại bến. Không để hành khách chen lấn gây mất trật tự ATGT, phương tiện vận tải hành khách cam kết không chở vượt tải quy định; đồng thời sắp xếp lại bến đậu đỗ xe hon đa khách, tránh tình trạng tranh giành khách, gây mất trật tự ATGT. Ban ATGT huyện phối hợp với Công an huyện và Đài Truyền thanh huyện xây dựng các phóng sự nêu gương người tốt, việc tốt, lồng ghép với công tác tuyên truyền về Luật Giao thông đường thủy nội địa.

Ông Lê Hoàng Thọ, Phó Trưởng ban Thường trực Ban ATGT huyện: Sau khi mô hình được hình thành, ý thức của người tham gia giao thông tại bến được nâng lên, các phương tiện tham gia neo đậu tại bến luôn chấp hành tốt giờ giấc và chạy đúng luồng, tuyến, tình hình an ninh trật tự tại bến ổn định, không có tình trạng tranh giành khách; công tác duy tu, sửa chữa cơ sở vật chất tại bến được quan tâm đúng mức, qua đó tuyên truyền cho các nhân viên trực bến có thái độ hòa nhã và lịch sự với hành khách. Kiên quyết không cho các phương tiện vượt tải, gây mất trật tự ATGT. Việc xây dựng mô hình này cơ bản đáp ứng đủ yêu cầu theo tiêu chí mô hình văn hóa giao thông đường thủy theo hướng dẫn của Ủy ban ATGT quốc gia.

Trên cơ sở lộ trình từng năm, Ban ATGT huyện sẽ kết hợp với Phòng Văn hóa và Thông tin huyện, các ngành chức năng tiếp tục tuyên truyền, giáo dục ý thức của người tham gia giao thông thủy, có thái độ ứng xử văn hóa khi tham gia giao thông, ý thức được tầm quan trọng của cuộc vận động và trước hết là đem phương tiện đăng ký, đăng kiểm đúng quy định.

Từ những kết quả đạt được, huyện Đầm Dơi đã xây dựng chương trình hành động thực hiện Cuộc vận động xây dựng phong trào “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước” giai đoạn 2016 – 2020.

Theo ông Nguyễn Chí Thuần, Chủ tịch UBND huyện, chương trình hành động này được thực hiện nhằm mục đích đẩy mạnh, đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật về giao thông đường thủy nội địa. Mục đích của Cuộc vận động xây dựng phong trào “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước” làm chuyển biến về nhận thức và hành động của quần chúng nhân dân trong việc chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông. Nâng cao ý thức về cộng đồng của mỗi cá nhân, thay đổi hành vi, cách ứng xử khi có tai nạn hoặc sự cố xảy ra trên đường thủy, hình thành môi trường văn hóa giao thông đường thủy nội địa văn minh, an toàn. Phát huy thế mạnh, hiệu quả của công tác phối hợp liên ngành, các cấp và toàn dân trong công tác đảm bảo trật tự ATGT đường thủy nội địa. Nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, tinh thần trách nhiệm của lực lượng chức năng thực hiện công tác quản lý nhà nước về trật tự ATGT đường thủy nội địa, xây dựng hình ảnh người thực thi công vụ đúng mực, có văn hóa khi xử lý công việc và tiếp xúc với dân.

Theo chương trình hành động, trong năm 2016, huyện sẽ tiến hành kiện toàn lại Ban Chỉ đạo Cuộc vận động xây dựng phong trào “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước”; đánh giá, loại bỏ những mô hình không đạt hiệu quả. Rà soát, phát động phong trào tại các bến tàu, bến khách ngang sông; các cụm dân cư sinh sống trên luồng hoặc trong hành lang bảo vệ luồng, nâng cao ý thức, trách nhiệm với bản thân và cộng đồng, chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật về giao thông đường thủy nội địa, đảm bảo trật tự ATGT trên các tuyến, luồng và hành lang bảo vệ luồng. Phát động phong trào “Văn hóa giao thông đường thủy” trong các lực lượng chức năng thực thi công vụ, thực hiện tốt mục tiêu của Năm ATGT 2016, với chủ đề “Xây dựng văn hóa giao thông gắn với nâng cao trách nhiệm, siết chặt kỷ cương của người thực thi công vụ”.

Từ năm 2017 đến 2020, địa phương sẽ tổ chức nhiều hội thảo, hội nghị chuyên đề về “Văn hóa giao thông đường thủy”. Tập trung chỉ đạo các địa bàn trọng điểm về đường thủy, nâng cao hiệu quả và chất lượng thực hiện Cuộc vận động, công tác xây dựng các mô hình. Tổ chức tham quan học tập và nhân rộng các mô hình “Văn hóa giao thông đường thủy” điển hình. Định hướng và duy trì thường xuyên các hoạt động tuyên truyền về “Văn hóa giao thông đường thủy” trên hệ thống các phương tiện thông tin đại chúng của tỉnh và địa phương….

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *