Giảm áp lực khai thác trên biển

Đó là chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) – Phó Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia về IUU, ông Phùng Đức Tiến tại buổi làm việc với tỉnh Cà Mau về tình hình triển khai chống khai thác IUU, chăn nuôi năm 2019, 2020 và tình hình phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn và thủy sản, vào chiều ngày 9/12. Tiếp và làm việc với Đoàn có Phó Chủ tịch UBND tỉnh, ông Lê Văn Sử và lãnh đạo các sở, ngành tỉnh có liên quan.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử thông tin đến Đoàn công tác Bộ NN&PTNT.

Theo báo cáo, tình trạng tàu cá và ngư dân tỉnh Cà Mau vi phạm vùng biển nước ngoài (VBNN) để khai thác hải sản trái phép, tuy đã giảm nhiều so với các năm trước nhưng vẫn còn xảy ra.

Tính từ ngày 23/10/2017 đến nay, có 43 tàu/264 thuyền viên vi phạm VBNN bị bắt giữ. Chủ tịch UBND tỉnh đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính (VPHC) đối với 2 trường hợp đã bị nước ngoài bắt giữ và trở về địa phương. Lực lượng thanh tra chuyên ngành thủy sản đã phát hiện và xử lý 950 vụ vi phạm, xử phạt trên 14,8 tỷ đồng.

Tính đến thời điểm hiện tại, tỉnh đã cơ bản hoàn thành việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá với 1.387/1.502 tàu cá đã lắp đặt, đạt 92,15%.

Đến nay, toàn tỉnh có hơn 2.700 tàu cá được đánh dấu theo quy định, đạt 62%. Công tác xác nhận, chứng nhận thủy sản khai thác tính từ năm 2019 đến nay, đã cấp 84 giấy xác nhận cho doanh nghiệp với khối lượng thủy sản trên 15.600 tấn và 371 giấy chứng nhận với khối lượng hơn 7.200 tấn.

Hoạt động kiểm soát tàu cá cập cảng, rời cảng của Văn phòng IUU đã đi vào hoạt động ổn định, hiệu quả. Tỉnh đang có 5 cảng cá đang hoạt động, đáp ứng được 350 tàu/ngày cập cảng.

Tỉnh đã tiến hành rà soát, xác định 431 tàu cá có nguy cơ cao vi phạm về khai thác IUU để đưa vào danh sách theo dõi, quản lý, có biện pháp tuyên truyền, vận động và giám sát chặt chẽ.

Hiện tại ngành khai thác thủy sản của tỉnh còn gặp không ít khó khăn như: Khi tàu cá bị nước ngoài bắt, không có điều kiện xác minh do ngư dân vô ý hay cố ý xâm phạm VBNN để khai thác thuỷ sản; hoặc có một số trường hợp đang hoạt động ở vùng biển Việt Nam thì bị tàu nước ngoài áp giải vào vùng biển của họ rồi lập biên bản bắt giữ nên việc xử lý còn gặp nhiều khó khăn. Tình trạng mất kết nối thiết bị giám sát hành trình tàu cá có nhiều nguyên nhân, trong đó có cả nguyên nhân kỹ thuật của thiết bị… vẫn thường xuyên xảy ra, đôi khi chiếm số lượng lớn (thường xuyên từ 10- 15%/tổng số đã lắp đặt);  việc mất kết nối gây rất nhiều khó khăn cho công tác quản lý, trong khi đó cơ sở pháp lý xử phạt VPHC chưa được hướng dẫn rõ ràng…

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, ông Châu Công Bằng kiến nghị các cơ quan Trung ương thiết lập các kênh thông tin liên lạc ngoại giao giữa các cấp để kịp thời chia sẻ thông tin, xác minh vụ việc tàu cá, người bị lực lượng chức năng nước ngoài bắt giữ được nhanh chóng, chính xác. Các lực lượng chức năng của Trung ương cần tăng cường công tác kiểm tra, xử lý trên biển; thiết lập cơ sở dữ liệu về xử lý, xử phạt VPHC liên thông với địa phương để kịp thời nắm thông tin, đối chiếu số liệu, xác định hành vi tái phạm, vi phạm nhiều lần đối với những tàu cá có liên quan. “Cần có hướng dẫn rõ ràng, cụ thể về xác định thẩm quyền xử phạt đúng theo quy định về xử lý VPHC nhằm tránh đùn đẩy, ngán ngại xử lý và kể cả giao cho một cơ quan xử lý quá nhiều vụ việc dẫn đến ùn ứ, áp lực công việc”, ông Bằng nói.

Về tình hình chăn nuôi trên địa bàn tỉnh, phần lớn nuôi theo nông hộ, nhỏ lẻ. Năm 2019, dịch tả heo Châu Phi đã làm giảm gần 12% tổng đàn heo của tỉnh. Sau khi hết dịch, tình hình tái đàn và tăng đàn heo trên địa bàn từ đầu năm 2020 đến nay tương đối chậm; tổng đàn heo xuất chuồng đến nay ước đạt 160 ngàn con, đạt 73% so với kế hoạch. Công tác phòng, chống dịch trên gia cầm; bệnh dại trên chó, mèo; công tác vệ sinh, tiêu độc, khử trùng phòng bệnh trên gia súc, gia cầm đã được thực hiện khá tốt.

Ghi nhận đề xuất của tỉnh, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến đề nghị Cà Mau tiếp tục quan tâm xây dựng hệ thống pháp luật, kiểm soát quản lý chặt chẽ tàu cá ra xuất cảng, cập cảng, truy xuất nguồn gốc; kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ vi phạm quy định về IUU. Chú trọng đầu tư hệ thống hạ tầng thủy sản, tập trung vào vùng nuôi biển, giảm áp lực khai thác trên biển.

Về lĩnh vực chăn nuôi thú y, tỉnh cần quan tâm cân nhắc xem xét, học hỏi những nơi khác; tạo môi trường thuận lợi để doanh nghiệp hợp tác với người dân phát triển các vùng chăn nuôi tập trung. Tính toán tái đàn gia súc gia cầm, tập trung vào những vùng nuôi có thế mạnh như huyện Trần Văn Thời. Quan tâm các tiêu chí về an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *