Khẩn cấp bảo vệ biển Tây mùa mưa bão

Tuyến đê biển Tây Cà Mau, đoạn từ Hương Mai đến Tiểu Dừa (xã Khánh Tiến, huyện U Minh) là công trình nâng cấp và kiên cố hóa bằng giải pháp công trình đầu tiên của tỉnh đối với tuyến đê biển, được hoàn thành vào cuối năm 2016. Đây là một trong 9 công trình chào mừng Kỷ niệm 20 năm Ngày tái lập tỉnh (1/1/1997 – 1/1/2017). Công trình có chiều dài toàn tuyến trên 14,6km, với chiều rộng mặt đê 7,5m, tải trọng thiết kế 8 tấn, tổng dự toán gần 151 tỷ đồng. Đây được xem là công trình khởi nguồn cho kế hoạch xây dựng toàn tuyến đê biển phía Tây Cà Mau huyện từ U Minh qua huyện Trần Văn Thời, sang huyện Phú Tân.

Với thực tế đai rừng phòng hộ tiếp tục bị tác động, ngay sau hình thành đê biển, Cà Mau đồng thời tiến hành xây dựng hệ thống kè hộ đê, nằm cách khá xa chân đê nhằm gây bồi, tạo bãi, khôi phục đai rừng tuyến Hương Mai – Tiểu Dừa. Tuy nhiên, diễn biến thời tiết ngày càng phức tạp, tác động của biến đổi khí hậu ngày càng nặng nề, hiện trên tuyến xuất hiện nhiều vị trí không còn đai rừng, sóng biển gây áp lực trực tiếp, làm xói mòn chân đê, nguy cơ vỡ đê có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Hiện, tại đây đã xuất hiện các vị trí sạt lở với chiều dài khoảng 957m.

Dù có kè hộ đê kiên cố từ phía bên ngoài, tuy nhiên, do không còn đai rừng phòng hộ, sóng biển kết hợp cùng triều cường dâng cao tiến vào phá hủy chân đê, buộc phải tiến hành gia cố, xây dựng công trình bảo vệ mái đê… Tuy nhiên, đấy cũng chỉ là giải pháp tạm thời mang tính tình thế.

Trước thực tế này, ông Dư Bé Ba, Chủ tịch UBND huyện U Minh, cho rằng cần có giải pháp khắc phục khẩn cấp, cụ thể ở đây là cần kịp thời xây dựng hệ thống kè hộ đê bằng giải pháp công trình, vì mùa mưa bão đang tiếp diễn với cường độ ngày càng cao, nguy cơ vỡ đê rất lớn. Hàng ngàn hộ dân sinh sống trong đê rất lo sợ cho đời sống và sản xuất một khi có tình huống xấu xảy ra.

Trong chuyến khảo sát thực tế tình hình đê biển trước ảnh hưởng của thiên tai vừa qua, Bí thư Tỉnh ủy – Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tiến Hải tỏ rõ âu lo trước sự mong manh của đê biển tại những vị trí chưa có kè, những vị trí không còn đai rừng phòng hộ, khi mà những con sóng lớn theo triều cường dâng cao cứ tràn vào, vỗ ập liên tục lên chân đê, làm bào mòn, nguy cơ sạt lở, vỡ đê là rất lớn. “Sẽ có báo cáo Trung ương, cho cơ chế khẩn cấp để xử lý ngay những vị trí cụ thể, những công trình cụ thể. Nơi nào dù còn đai rừng cũng cần thiết khẩn cấp làm kè để giữ đai rừng. Không kịp thời, không đủ mạnh, sợ rằng năm nay sẽ không giữ nổi đê, sẽ rất nguy hiểm cho Cà Mau một khi vỡ đê”, ông Nguyễn Tiến Hải cho biết.

Vẫn còn nhà ở ngoài đê tại vàm Tiểu Dừa, rất nguy hiểm khi có sự cố thiên tai xảy ra.

Hậu quả của hạn hán gây sụt lún, rạn nứt thân đê chưa thể khắc phục, giờ Cà Mau lại phải tiếp tục căng mình chống chọi với triều cường, mưa bão, gây tác động mạnh mẽ đến thân đê. “Trong đợt tháng 8 năm rồi, bao nhiêu nhà cửa, tài sản của người dân vùng biển Tây này bị tàn phá do thiên tai. Đợt ảnh hưởng vừa rồi tuy không lớn, nhưng là lời cảnh báo mùa mưa bão năm nay diễn biến khó lường, chưa biết chuyện gì sẽ xảy ra. Chúng tôi lo lắm, chỉ mong cấp trên có giải pháp công trình ứng phó một cách chắc chắn, giảm thiểu tác động thiên tai, giúp chúng tôi yên tâm, ổn định cuộc sống, sản xuất, chứ sống mà cứ phập phồng như vậy thì khó mà phát triển”, ông Lê Văn Liễu nói lên tâm trạng của mình, cũng là tâm trạng chung của người dân đang sinh sống, sản xuất ngay trong chân đê biển Tây.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *