Khó khăn trong giải quyết việc làm cho lao động nông thôn

Nhiều học viên tham gia lớp sửa xe tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp huyện.

Gia đình không có đất để canh tác, diện tích vườn tạp quanh nhà cũng chỉ đủ trồng ít đỉnh hoa màu, trước đây vì áp lực nuôi con nhỏ, anh Phạm Văn Đen (xã Tân Duyệt) từng chọn cách đi làm ngoài tỉnh, nhưng rồi cũng chẳng tới đâu và phải về lại quê nhà. Hiện ai thuê gì anh cũng nhận làm để có tiền nuôi con ăn học.

Cùng xã, ông Châu Văn Khởi từng làm nghề nuôi heo thuê tại Đồng Nai trong 8 năm, đến nay vì sức khỏe kém, ông buộc phải trở về quê sống bằng nghề đặt lú, giăng câu sống qua ngày. Ông Khởi bộc bạch: “Giăng câu lúc được lúc không, bữa kiếm được cả trăm ngàn, có lúc không có đồng nào, nên cuộc sống cũng gặp khó khăn”.

Lao động chọn cách đi làm ngoài tỉnh phần đông không tay nghề, không tư liệu sản xuất. Tính chất công việc bấp bênh, yêu cầu cao về mặt sức khỏe, chi phí sinh hoạt, đi lại, là những áp lực mà người lao động ngoại tỉnh phải đối mặt.

Mô hình gia công đan sọt nhựa để xuất khẩu của tổ phụ nữ ấp Bàu Sen (xã Tân Duyệt) bước đầu giải quyết được việc làm cho lao động nhàn rỗi ở nông thôn.

Thời gian qua, dù là một trong những địa phương tích cực trong công tác liên kết, đào tạo nghề cho người lao động, nhưng xã Tân Duyệt hiện vẫn có hơn 400 lao động phải đi làm xa ngoài tỉnh.

Bên cạnh khó khăn, công tác tạo việc làm cho lao động nông thôn vẫn có điểm sáng. Điển hình là cách tổ chức làm kinh tế, vươn lên cải thiện cuộc sống của tổ phụ nữ ấp Bàu Sen (xã Tân Duyệt). Công việc đan sọt nhựa xuất khẩu do chị Nguyễn Hồng Đẹp, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp, ký hợp đồng với công ty từ Vĩnh Long đem về, tạo việc làm cho phụ nữ địa phương đã được gần 6 tháng nay. Cụ thể, chị Đẹp trực tiếp làm việc với phía công ty để nhận mẫu và nguyên vật liệu, sau đó triển khai lại cho chị em tại ấp. Đến nay, đã có 4 tổ nhóm với gần 40 lao động nữ địa phương tham gia vào mô hình đan sọt nhựa. Ngoài công việc nội trợ, các chị em tham gia tổ đều có mức thu nhập khoảng 60 ngàn đồng/ngày. Bà Huỳnh Thị Điệp phấn khởi: “Lớn tuổi rồi, có được nghề này mỗi ngày kiếm được vài chục ngàn, cũng giúp trang trải phần nào cuộc sống hàng ngày”.

Phó Chủ tịch UBND huyện Trần Anh Chót cho biết: “Huyện sẽ tiếp tục nâng cao hơn nữa công tác chuyển giao khoa học – kỹ thuật, chất lượng đào tạo nghề hiệu quả hơn, đào tạo gắn với nhu cầu để giúp cho người dân có thể phát huy hiệu quả của nghề đào tạo, phát triển kinh tế gia đình”.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *