Lễ hội Nghinh Ông của người Hoa ở TP. Phan Thiết

Rồng Xanh dài kỷ lục (52m) múa mừng lễ hội.

Thờ cúng Quan Công là một tập tục khá phổ biến trong cộng đồng cư dân Hoa ở Việt Nam. Quan Công là nhân vật có thật trong lịch sử Trung Hoa, thời nhà Thục Hán (221 – 263), còn được gọi là Quan Vũ, Quan Vân Trường. Ông nổi tiếng là người trung nghĩa, cương trực, là một biểu tượng về tài thao lược, trí dũng song toàn. Sau khi qua đời, ông được thánh hóa, nên nơi thờ tự thường được gọi một cách tôn kính là Chùa Ông, chùa Ông Quan Thánh, chùa Quan Thánh Đế.

Rộn ràng múa lân.

Tại TP. Phan Thiết (Bình Thuận), Quan Đế miếu (thường gọi Chùa Ông) là ngôi chùa cổ kính nhất trong số những cơ sở thờ tự phục vụ đời sống sinh hoạt văn hóa cộng đồng của người Hoa tại đây. Chùa là địa điểm chính diễn ra nghi thức nghinh Ông.

Đây là một trong những lễ hội tâm linh thu hút khách du lịch đông nhất tại Phan Thiết.

Trước năm 1975, tứ bang Hoa kiều tại Phan Thiết, gồm: Phúc Kiến, Quảng Đông, Hải Nam, Triều Châu, cứ 3 năm một lần tổ chức đại lễ Nghinh Ông (tức rước Quan Công tuần du) qua các đường phố chính. Sau đó, vì nhiều lý do, lễ hội không được tổ chức. Năm 1996, tỉnh Bình Thuận cho phục dựng lễ hội văn hóa này, tuy vẫn giữ lệ xưa là tổ chức vào hạ tuần tháng 7 âm lịch, nhưng thời gian rút ngắn hơn trước, 2 năm tổ chức một lần. Và từ đó đến nay, đây là một trong những lễ hội tâm linh thu hút khách du lịch đông nhất tại Phan Thiết.

Hóa trang các nhân vật được thờ cúng trong ngày lễ hội.

Ngư dân thả thuyền cầu mưa thuận gió hòa và được mùa bội thu trong những chuyến ra khơi đánh bắt.

Lễ hội Nghinh Ông gồm các hoạt động chính như: Lễ thỉnh Thánh Mẫu; lễ thỉnh kinh; lễ khai kinh; lễ yết Quan Thánh; lễ chiêu vong; lễ phóng đăng; lễ hội hóa trang, biểu diễn nhạc cụ dân tộc, biểu diễn nghệ thuật lân sư rồng, và linh đình nhất là lễ Nghinh Ông xuất du trên các đường phố trung tâm TP. Phan Thiết. Ngày thỉnh Ông tuần du, mọi người tập trung về Chùa Ông, coi đây là đại lễ. Đoàn của mỗi bang có hình thức, cờ xí đại kỳ, trung kỳ, xiêm y, nhạc múa riêng. Hai bên đường phố lớn, nhà nào cũng dọn sẵn bàn hương án có bình hoa, bánh trái, thắp nhang đèn nghênh đón…

Đây là lễ hội tiêu biểu của người dân Phan Thiết, với ước mong cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, những chuyến ra khơi bình yên và trúng mùa, cuộc sống thanh bình, ấm no.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *