Mùa muối “mặn” ở Tân Thuận

Để làm ra hạt muối, diêm dân phải “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, nhưng “hạt ngọc trắng” này không giúp được họ thoát nghèo.

Làng muối ở ấp Lưu Hoa Thanh có 74 hộ dân và nghề làm muối ở đây được xem là nghề “cha truyền con nối”. Thế nhưng, vào vụ thu hoạch năm nay, không còn cảnh tất bật trên cánh đồng muối như trước. Nhìn cơn mưa đầu mùa ngày càng nặng hạt, anh Huỳnh Văn Lai thở dài: “Trời càng nắng thì hạt muối càng trắng, càng trong. Còn trời mưa như hôm nay thì coi như thất. Năm ngoái, diêm dân trúng mùa nhưng giá muối thấp; còn mùa này khi mới bắt đầu đã không thuận lợi vì thời tiết thất thường, mưa liên tục”.

Làm muối đã vất vả, song diêm dân nơi đây luôn gặp cảnh “được mùa, mất giá”. Ảnh: LOAN PHƯƠNG

Những cơn mưa lớn trái mùa gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc kết tinh muối trong ruộng. Đó cũng chưa phải là khó khăn duy nhất của diêm dân Lưu Hoa Thanh, bởi giá muối năm nay tiếp tục rớt. Dù năm nay mới 37 tuổi, nhưng anh Lai có thâm niên làm muối trên 20 năm. Anh cho biết, để làm ra hạt muối, mỗi vụ diêm dân cũng phải đầu tư khá nhiều công sức, tiền bạc. Nếu chỉ cải tạo lại đồng ruộng, chi phí cũng đã tốn 4 – 5 triệu đồng; còn làm mới thì phải mất từ 12 – 15 triệu đồng/ha; chưa tính đến tiền làm nhà kho, cần khoảng 50 – 60 triệu đồng. Vì muốn gìn giữ nghề của ông cha nên anh Lai đã tìm tòi áp dụng kỹ thuật vào sản xuất nhưng chi phí lại rất cao. Anh Lai nhẩm tính vụ muối vừa rồi: Với 4ha làm muối thì anh cần 5 nhân công lao động, bình quân anh phải trả lương cho công nhân 36 triệu đồng/người (gồm 4 tháng lương chính, từ tháng Chạp đến tháng 3 âm lịch, và 1 tháng lương thêm). Trong khi đó giá muối chỉ có 14 – 16 ngàn đồng/giạ. Gia đình anh trúng được 10 ngàn giạ muối, nhưng trừ khi phí và tiền nhân công thì gần như phá huề, lời không được bao nhiêu.

Anh Lai cho biết thêm, năm nay giá muối hiện tại ở mức 30 ngàn đồng/giạ, tuy có cao hơn năm qua nhưng so với các năm trước cũng thấp hơn nhiều, vả lại thương lái không thu mua.

Không chỉ giá rẻ, thời tiết không thuận lợi khiến năng suất lại thấp, mà việc tìm thương lái để bán cũng vô cùng khó khăn bởi thị trường tiêu thụ muối ngày càng hẹp, đa phần bà con “tự bơi” tìm đầu ra cho hạt muối. Anh Trần Văn Tỉa, Bí thư Đảng ủy xã Tân Thuận, cho biết: “Hầu hết diêm dân nơi đây không có nghề phụ, quanh năm chỉ trông chờ vào vụ muối với hy vọng được giá cao. Ví dụ như vụ năm 2016, bà con trúng muối nhưng giá quá thấp, có những hộ vựa lại, nhưng cũng có những hộ vì không có tiền trang trải cuộc sống, không có nhà kho để chứa, đành bán tháo với giá thấp. Chính quyền địa phương rất mong các ngành chức năng xem xét hỗ trợ cho diêm dân để họ có động lực, niềm tin bám nghề”.

Thực tế cho thấy, số hộ làm muối ở Lưu Hoa Thanh giảm dần theo từng năm. Nhiều người đã chuyển sang nuôi tôm, cua; một số thì bỏ nghề đi làm thuê nơi xứ khác. Nghề muối ở Tân Thuận ngày một trở nên đìu hiu, không còn cảnh tấp nập kẻ xúc người bưng khi vào mùa thu hoạch. Lớp lao động trẻ hầu hết bỏ nghề để đi xứ khác làm thuê, chỉ còn lại những người lớn tuổi bám ruộng với hy vọng giữ được nghề truyền thống.

Hơn lúc nào hết, diêm dân nơi đây mong muốn được sự hỗ trợ của các ngành, các cấp, để họ có thể sống được với nghề và để hạt muối Tân Thuận có được chỗ đứng trên thị trường.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *