Ngành trồng trọt: Phát triển theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững

Bên cạnh những thuận lợi, sản xuất nông nghiệp tiếp tục đối phó với những khó khăn: Tình hình biến đổi khí hậu và diễn biến thời tiết bất thường, cực đoan, dự báo sẽ ảnh hưởng đến trồng trọt…

Vì thế, ngành đã chủ động đẩy mạnh phát triển trồng trọt theo hướng sản xuất hàng hóa, xây dựng vùng nguyên liệu nông sản tập trung, thông qua liên kết sản xuất, nhằm giảm chi phí, tạo ra sản lượng nông sản hàng hóa lớn, gắn với bảo quản, chế biến, xây dựng nhãn hiệu và tiêu thụ theo chuỗi giá trị. Phát triển sản xuất trồng trọt gắn kết Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, gắn với xây dựng nông thôn mới, nhằm đẩy nhanh phát triển kinh tế – xã hội, giữ vững an ninh lương thực, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Nâng cao hiệu quả sản xuất và sức cạnh tranh các sản phẩm hàng hóa ngành trồng trọt thông qua quy hoạch, tổ chức lại sản xuất, đẩy mạnh ứng dụng khoa học – công nghệ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu. Đến nay, tổng diện tích trồng rau của tỉnh là 6.000ha. Xây dựng phát triển vùng sản xuất rau an toàn theo hướng VietGAP và rau đạt tiêu chuẩn VietGAP quy mô 1.508ha.

Mô hình cánh đồng lớn phát triển theo hướng bền vững hơn.

Tổ chức chỉ đạo, điều hành nâng cao trách nhiệm của các cấp chính quyền, đoàn thể địa phương trong quá trình sản xuất. Chính quyền địa phương cơ sở chỉ đạo sản xuất nông nghiệp, phân công trách nhiệm cụ thể cho các tổ chức, cá nhân trong công tác tuyên truyền vận động tổ chức sản xuất. Tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành sản xuất, hướng dẫn các địa phương thực hiện tốt khâu tổ chức sản xuất, liên kết sản xuất, mời gọi doanh nghiệp, tìm kiếm thị trường tiêu thụ nông sản. Thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát, hướng dẫn các địa phương trong việc tổ chức triển khai các văn bản chỉ đạo của cấp trên đến người dân nắm bắt thực hiện. Cung cấp thông tin kịp thời, nhanh chóng đến các địa phương và người sản xuất về diễn biến thời tiết, thị trường, tình hình sinh vật gây hại, các chủ trương, chính sách nông nghiệp… để địa phương và người dân chủ động sản xuất, phòng tránh rủi ro.

Nâng cao trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền và các tổ chức đoàn thể các cấp. Mỗi huyện, xã đã chủ động xây dựng và tổ chức triển khai kế hoạch, phương án sản xuất kịp thời, xây dựng lịch thời vụ, cơ cấu giống hợp lý, các giải pháp cụ thể để chỉ đạo, hướng dẫn và hỗ trợ nông dân sản xuất đạt hiệu quả cao. Trọng tâm là thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp phát triển trồng trọt năm 2018 theo định hướng tái cơ cấu; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chuyển đổi đất trồng lúa; khuyến khích tích tụ ruộng đất để sản xuất tập trung, quy mô lớn; khuyến khích doanh nghiệp vào đầu tư, liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm.

Nâng cao hiệu quả sản xuất và sức cạnh tranh các sản phẩm hàng hóa ngành trồng trọt thông qua quy hoạch, tổ chức lại sản xuất, đẩy mạnh ứng dụng khoa học – công nghệ nhằm nâng cao năng suất.

Tổ chức sản xuất với quy mô lớn, gắn với tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, nâng cao hiệu quả sản xuất. Rà soát lại quy hoạch, tổ chức lại trồng trọt trên từng địa bàn xã, từng loại cây trồng và mùa vụ để khai thác lợi thế ở mỗi địa phương. Sản xuất theo quy mô tập trung hình thành các vùng nguyên liệu nông sản lúa, rau màu, cây ăn trái… có quy mô từ vài trăm đến vài ngàn hecta để gắn kết với doanh nghiệp trong khâu tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị.

Tới đây, tỉnh sẽ xây dựng 2 – 3 hợp tác xã (HTX) nông nghiệp theo Luật HTX năm 2012. Tiếp tục tuyên truyền vận động nông dân, chính quyền địa phương thành lập các tổ hợp tác, HTX trong cánh đồng lớn, vùng nguyên liệu lúa, rau màu, cây ăn trái để tổ chức sản xuất đạt hiệu quả. Khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển sản xuất hàng hóa quy mô lớn, các sản phẩm trồng trọt có lợi thế, có thị trường tiêu thụ của địa phương; hình thành các chuỗi giá trị trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm giữa các hộ nông dân, tổ hợp tác, HTX và doanh nghiệp.

Phát huy vai trò của doanh nghiệp trong chuỗi liên kết để hình thành vùng nguyên liệu sản xuất, hỗ trợ đầu vào và thu mua sản phẩm đầu ra cho nông dân, xây dựng nhãn hiệu hàng hóa nông sản; đẩy mạnh liên kết, ký kết hợp đồng sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản. Chủ động tìm kiếm thị trường, liên kết với các doanh nghiệp thực hiện dịch vụ đầu vào phục vụ sản xuất và đầu ra tiêu thụ nông sản ưu tiên cho cánh đồng lớn, mô hình tái cơ cấu sản xuất lúa, mô hình sản xuất rau an toàn theo hướng VietGAP, rau đạt chuẩn VietGAP.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ký kết chương trình phối hợp với các sở, ngành có liên quan, trong đó: Ký kết với Sở Công thương để xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường tiêu thụ nông sản; với Sở Khoa học và Công nghệ xây dựng nhãn hiệu hàng hóa nông sản; với hội đoàn thể: Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Tỉnh Đoàn tuyên truyền vận động nông dân tích cực tham gia sản xuất, thực hiện các phong trào thi đua trong sản xuất.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *