Ngư dân Vàm Ba Tỉnh “trải lòng”

TỰ “BƠI” NÊN…MẮC CẠN

Vàm Ba Tỉnh từ vài ba năm trở lại đây cát thường xuyên bồi lắng. Mỗi ngày một nhiều. Việc neo đậu ghe đi biển của ngư dân mỗi lúc một khó khăn”, ông Lâm Tuấn Khanh, một ngư dân chuyên đi ghe lưới cá chét, than thở.

Tại vàm Ba Tỉnh ngày trước, những lúc “đông ken” có trên trăm chiếc ghe biển lớn nhỏ đến neo đậu, đa phần là ghe của dân địa phương. Song, vài năm nay, vì thường xuyên gặp cạn nên vàm Ba Tỉnh đã không còn náo nhiệt như trước. Một số ngư dân chuyển neo đậu ghe qua khu vực Đá Bạc, xã Khánh Bình Tây.

Ông Trương Văn Sâm, một ngư dân địa phương, cho biết: “Chúng tôi nhiều lần phản ảnh về chuyện vàm Ba Tỉnh bị bồi lắng gây cản trở cho hoạt động của ngư dân, nhưng đến nay vẫn chưa được hồi đáp. Khoảng 3 năm nay, ngư dân chúng tôi đều tự “bơi” trong “cuộc chiến” với nạn cát bồi lắng. Mỗi năm, ngư dân chúng tôi cùng góp tiền để thuê xáng múc, tạo thông thoáng cho ghe biển ra vào”.

Khu vực vàm Ba Tỉnh có hơn 50 hộ dân chuyên nghề biển và có trên 100 ghe biển các loại, có hộ gắn bó với nghề biển gần chục năm nay. Vàm Ba Tỉnh tính từ cống Ba Tỉnh ra đến mé biển, chỉ dài hơn 300m. Để “chiến đấu” với nạn cát bồi lắng, ngư dân nơi đây phải tự bỏ ra hơn 30 triệu đồng cho một lần nạo vét, một năm phải thực hiện nạo vét ít nhất hai lần.

Kéo theo chuyện vàm Ba Tỉnh bị cạn là những tổn thất nặng nề mà ngư dân phải gánh chịu. Ông Huỳnh Văn Vồn, ngư dân nhiều năm gắn bó với nghề biển, chia sẻ: “Mỗi khi đến con nước phải ra khơi để kịp đánh bắt, nhưng khi đã chuẩn bị sẵn sàng nước đá, thực phẩm… và gọi “bạn” hẹn đúng ngày xuất phát, thì đến cửa vàm lại bị mắc cạn không ra được. Những lúc như vậy phải ở lại 1 – 2 ngày, thậm chí 4 – 5 ngày, nước đá tan hết, thực phẩm hư hỏng, coi như mất trắng chi phí mấy triệu đồng; đến khi ghe ra biển được thì đánh bắt không hiệu quả, vì đã lỡ con nước. Còn nếu muốn ra cửa biển cho kịp con nước cũng như tránh thiệt hại chi phí chuẩn bị thì phải thuê tàu khác kéo ra, tốn thêm từ 2 – 3 triệu đồng”.

Còn đây là câu chuyện của ông Phan Thành Sử cách đây vài ba tháng: Khi ấy, ghe của ông Sử cũng như bao ghe khác đến con nước là ra biển đánh bắt. Nhưng khi đi được nửa vàm thì bị mắc cạn, ông rồ máy thì ghe bị xoay ngang. Vào thời điểm đó sóng biển dữ dội, chiếc ghe bị sóng đánh lật. Vụ tai nạn làm ông Sử tổn thất trên 30 triệu đồng.

Ngư dân cho biết rằng chuyện chìm ghe do mắc cạn không là điều lạ ở đây. Gặp những tình huống ấy, tổn thất là chuyện đương nhiên, chỉ có điều là mức độ nặng hay nhẹ mà thôi.

Hiện nay vàm Ba Tỉnh đã cạn vì cát bồi lắng, ảnh hưởng lớn đến nghề khai thác biển của ngư dân nơi đây.

“CUỘC CHIẾN” TRÊN BIỂN

Kết thúc câu chuyện vàm Ba Tỉnh ngày càng cạn do cát bồi lắng, các ngư dân nơi đây còn “trải lòng” với chúng tôi về những rủi ro của nghề biển.

Những năm trở lại đây, nghề biển mang lại lợi nhuận khá nên rất nhiều người đua nhau đóng tàu để đi biển đánh bắt. Ghe nhiều, công suất đánh bắt ngày càng lớn, nguồn lợi hải sản thì ngày càng cạn kiệt. Kéo theo đó là cuộc chiến tranh giành khu vực “vàng” trên biển. Ông Huỳnh Văn Vồn nhớ lại: Vụ việc xảy ra cách đây hơn một tháng, trên khu vực biển này đã xảy ra một vụ giành “địa bàn” giữa ghe ốc của Cà Mau và ghe cào của Kiên Giang. Khi ghe ốc của ngư dân Cà Mau đang đánh bắt ở khu vực biển Khánh Hội thì bị ghe biển của ngư dân Kiên Giang cố tình va chạm. Sau khi xảy ra mâu thuẫn thì tiếp tục có hàng chục phương tiện của ngư dân Kiên Giang kéo theo rượt đuổi. Khi ấy, sau khi nhận được thông tin qua bộ đàm, những ghe của ngư dân vàm Ba Tỉnh kịp thời ra ứng cứu. Thấy nhiều phương tiện lớn chạy ra, ghe cào của ngư dân Kiên Giang lập tức tắt đèn bỏ chạy.

Mới đây là vụ việc của anh Huỳnh Quốc Nam, ấp Kinh Hòn Bắc, xã Khánh Bình Tây. Anh Nam hành nghề đánh bắt mực ở khu vực biển thuộc địa phận xã Khánh Hội, huyện U Minh từ nhiều năm nay. Sau khi thả ốc để đánh bắt mực thì anh Nam bị một nhóm đối tượng thả ốc chồng lên nơi đánh bắt của anh. Vì phương tiện của anh Nam nhỏ hơn phương tiện của nhóm đối tượng ấy nên đã bị va chạm, gây hư hỏng nặng. Thậm chí nhóm đối tượng này còn ngang nhiên không cho anh Nam kéo ốc lên. Anh Nam đã đầu tư hơn 100 triệu đồng cho toàn bộ ốc đánh bắt mực, đây là tài sản, cũng là dụng cụ mưu sinh chính của gia đình anh, thế nhưng hiện toàn bộ vẫn hoàn toàn nằm dưới đáy biển. Khi anh ra kéo ốc thì bị nhóm đối tượng va chạm, dùng vũ lực ngăn cản. Sự vụ đã được anh Nam trình báo đến chính quyền địa phương nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết…

Ông Phan Thành Sử cho biết, việc tranh chấp khu vực đánh bắt ngày càng diễn biến hết sức phức tạp. Có những lúc ông điều khiển phương tiện đánh bắt khi ra được biển thì mất khoảng hơn 4 giờ đồng hồ để tìm nơi thả lưới vì hầu hết nơi nào cũng đã có “sổ đỏ”.

Qua những câu chuyện mở lòng của ngư dân vàm Ba Tỉnh, chúng tôi cảm nhận rằng để bám trụ với nghề, ngư dân nơi đây đang từng ngày từng giờ tự bơi với nhiều khó khăn. Trong những khó khăn ấy, có những nội dung liên quan đến trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước. Điều này rất cần sự can thiệp kịp thời để ngư dân yên tâm bám biển.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *