Nhớ mãi một mái trường

Từng học tập và giảng dạy tại rất nhiều trường, nhưng có một ngôi trường luôn đọng mãi trong tôi nhiều kỷ niệm không thể nào quên. Ngôi trường ấy đã ra đời cách đây hơn nửa thế kỷ, từ trong khói lửa của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, tại vùng căn cứ thuộc huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau. Đó là trường nội trú nuôi, dạy con cán bộ kháng chiến, được đặt tên là Trường Cà Mau – Ninh Bình (Trường Ninh Bình). Trường trực thuộc Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy; có nhiệm vụ cùng với các trường: Lý Tự Trọng, Tiền Phong, Thiếu sinh quân… nuôi, dạy con liệt sĩ, con cán bộ, bộ đội; nhằm đào tạo nguồn nhân lực trung kiên, sẵn sàng phục vụ kháng chiến. Cái tên Cà Mau – Ninh Bình là biểu tượng ghi đậm mối tình kết nghĩa giữa quân – dân; giữa hậu phương – tiền tuyến của hai tỉnh: Cà Mau và Ninh Bình.

Học sinh khóa IV (năm 1977).

Trong kháng chiến, Trường đã đào tạo được 3 khóa học. Khóa I (1964 – 1965), đặt tại kinh Mười Phải – Mũi Ông Lục (xã Hòa Mỹ, Cái Nước); khóa II (1968 – 1971), đặt tại Tân Long, Tân Hòa và Bông Súng thuộc xã Tân Tiến, huyện Đầm Dơi; khóa III (cuối năm 1971 – cuối tháng 4/1975) đặt tại Bàu Dừa, Xóm Dừa và Thanh Tùng, xã Quách Văn Phẩm B, huyện Tư Kháng (nay là xã Thanh Tùng, huyện Đầm Dơi).

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Trường được chuyển ra Phường 7, thị xã Cà Mau (nay là TP. Cà Mau) và tiếp tục đào tạo khóa IV. Đến cuối năm 1979, Trường đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ lịch sử mà Đảng và Nhà nước giao phó.

Ngày 16/12/2014, Chủ tịch nước đã quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho Trường Nội trú Cà Mau – Ninh Bình.

Sở dĩ là khóa học là vì mỗi khi giặc đánh phá ác liệt thì Trường tạm ngưng; cán bộ, giáo viên và học sinh phải xếp bút nghiên tham gia kháng chiến. Khi tình hình chiến sự tạm ổn, ta phải xây dựng lại trường lớp ở tại một nơi khác và tiếp nhận những học sinh mới vào học. Sau khi thống nhất đất nước, Trường được giao nhiệm vụ tiếp quản “khu gia binh” tại Phường 7, thị xã Cà Mau. Qua 4 khóa học, nhà trường đã nuôi, dạy trên 1.500 học sinh.

Trường Nội trú Cà Mau – Ninh Bình là điểm khởi đầu, là chìa khóa để học sinh bước vào thế giới tri thức; rèn luyện chính trị, đạo đức, lối sống, ý chí và niềm tin; tuyệt đối trung thành với lý tưởng cách mạng của Đảng. Chính vì lẽ đó mà hầu hết các học sinh đều đã trưởng thành; góp phần công sức vào cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Hàng trăm học sinh tham gia lực lượng vũ trang nhân dân, trong đó nhiều học sinh đã anh dũng hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ. Cũng có những cán bộ, giáo viên đã ngã xuống vì mái trường này. Hầu hết học sinh của Trường đến nay đã và đang trở thành cán bộ chủ chốt của Đảng và Nhà nước. Rất nhiều người đã trở thành tiến sĩ, thạc sĩ, bác sĩ, kỹ sư, nhà văn, nhà báo, nhà giáo, nhà doanh nghiệp thành đạt. Đặc biệt là có những nhà giáo được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú.

Hơn 50 năm đã trôi qua, mỗi khi nhắc đến Trường Ninh Bình, bản thân tôi cũng như những ai đã từng công tác, giảng dạy, học tập gắn bó với ngôi trường này không khỏi bồi hồi xúc động về quá khứ hào hùng, của những ngày tháng đèn sách, với bao kỷ niệm thân thương. Riêng tôi rất vinh dự và tự hào là đã trực tiếp tham gia giảng dạy khóa III và IV; những ngày tháng đó không thể nào phai nhòa trong tôi.

Ở khóa III, Trường có các lớp từ “vỡ lòng” đến lớp 6; mỗi lớp đều ở một khu vực riêng, có khi cách xa Khu Hiệu bộ hàng cây số. Mỗi lớp được xem như một “gia đình” riêng mà các giáo viên được xem như cha mẹ, học sinh là các con; những học sinh lớn tuổi được xem là anh chị, có trách nhiệm chăm sóc các em học sinh nhỏ. Vì vậy mọi hoạt động thường ngày như học tập, ăn ở, lao động sản xuất tại các lớp đều diễn ra một cách tự chủ và độc lập dưới sự chỉ huy trực tiếp của giáo viên. Ngoài giờ lên lớp, thầy và trò cùng nhau cắm câu, giăng lưới, bắt ốc, hái rau, cấy lúa… Các thành viên cùng sống chung một mái nhà, cùng ăn chung một mâm cơm. Giáo viên còn phải làm nhiệm vụ cắt tóc và may vá quần áo cho học sinh. Khi giặc càn quét thì học sinh nhỏ được giáo viên gửi vào nhà dân; học sinh lớn thì theo cán bộ, giáo viên trực tiếp cầm súng và sẵn sàng chiến đấu khi cần. Giáo viên của Trường, không những đơn thuần chỉ biết dạy những kiến thức về văn hóa trên lớp mà phải thay phụ huynh chăm lo mọi mặt về cuộc sống, sinh hoạt cho học sinh.

Với thành tích đã đạt được, ngày 16/12/2014, Trường Nội trú Cà Mau – Ninh Bình được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân vì “Đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước”.

Khi nhận được phần thưởng cao quý này, tất cả chúng tôi là những người đã từng công tác, giảng dạy và học tập tại Trường đều rất phấn khởi tự hào vì bản thân được vinh dự là thành viên của một đơn vị anh hùng. Chúng tôi rất mong lãnh đạo tỉnh sớm quyết định đổi tên Trường THPT Cà Mau thành Trường THPT Cà Mau – Ninh Bình để có nơi lưu giữ hiện vật; nhằm giáo dục truyền thống cho học sinh các thế hệ tiếp theo. Đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để cựu cán bộ, giáo viên và học sinh tiếp tục góp sức cùng với Trường chăm lo giáo dục thế hệ trẻ; đặc biệt là giúp đỡ những học sinh nghèo hiếu học.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *