Những cánh đồng trĩu hạt

Lợi ích “kép”

Vụ lúa hè thu vừa qua, trong khi hàng trăm nông dân trồng lúa ở địa phương phải chịu cảnh thất bát, lo thiếu vốn tái sản xuất thì ông Nguyễn Văn Sinh (ấp 4, xã Khánh Bình) vẫn cảm thấy nhẹ lòng. Bởi vì, mặc dù thời tiết bất lợi từ đầu cho đến cuối vụ: Sạ thì gặp mưa trái mùa, lúa đang phát triển tốt thì bị rầy nâu phá hoại, đến lúc gần thu hoạch thì gặp mưa, nhưng nhờ sản xuất theo CĐL nên sau khi trừ chi phí, ông Sinh cầm chắc lợi nhuận mỗi công 1,5 triệu đồng. Ông Sinh lý giải: “Vụ lúa hè thu này, tôi mới tham gia CĐL lần đầu, thấy hiệu quả lắm. Cái gì làm cũng đồng loạt nên sản xuất thuận tiện, giảm được nhiều chi phí, tính ra mỗi công chỉ tốn khoảng 1 triệu đồng”.

Xã Khánh Bình là địa phương nổi tiếng trồng lúa đạt năng suất cao, với diện tích sản xuất lúa 2 vụ là 2.280ha. Hiện nay, trên địa bàn xã có 940ha diện tích sản xuất lúa theo CĐL. Những năm qua, mô hình đã đem lại hiệu quả thiết thực, như lời chia sẻ phấn khởi của ông Phạm Văn Vẹn, Chủ tịch UBND xã: “Mô hình CĐL đã góp phần tăng năng suất, sản lượng lúa ở địa phương. Năm 2016, vụ lúa hè thu đạt 4,6 tấn/ha, vụ đông xuân tới 6 – 6,5 tấn/ha. Việc sản xuất một hoặc hai loại giống trên nhiều diện tích cũng tạo điều kiện thuận lợi trong việc thu mua lúa”.

Cũng lần đầu tiên tham gia CĐL trong vụ hè thu vừa qua, ông Ngô Văn Mười (ấp Kinh Mới, xã Khánh Hải) cho biết: “Trong mấy chục năm trồng lúa, đây là lần đầu tiên tôi thấy lúa đạt năng suất cao như vậy, không dưới 50 giạ/công”. Chung niềm vui, gia đình anh Quách Văn Khanh, cùng ấp, cũng mừng khôn xiết vì một vụ mùa thắng lợi. Cả đời làm nông, gia đình luôn trăn trở trước câu hỏi làm thế nào để giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất. Bởi vậy, khi các cấp, các ngành triển khai khoa học – kỹ thuật vào trồng lúa, anh Khanh đều thực hiện như “3 giảm, 3 tăng”, quản lý dịch hại IPM. Khi được chính quyền địa phương tạo điều kiện tham gia CĐL, anh tích cực hưởng ứng với hy vọng tìm được hướng đi mới, bền vững trong trồng lúa.

Ông Đỗ Văn Sử, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện: “Từ khi triển khai CĐL vào năm 2012 đến nay đã góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế của cây lúa, khi năng suất cao hơn từ 0,2 – 0,8 tấn/ha so với bên ngoài”.

Sản xuất theo cánh đồng lớn giúp ông Nguyễn Văn Sinh tăng năng suất lúa, giảm chi phí.

Để cánh đồng thêm “lớn”

Hiệu quả kinh tế của những CĐL đã được khẳng định. Tuy nhiên, hiện nay, đối với trồng lúa nói chung, sản xuất lúa theo CĐL nói riêng vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn, chẳng hạn như việc liên kết giữa doanh nghiệp và nhà nông còn hạn chế. Ông Phạm Văn Vẹn cho biết: “Số lượng doanh nghiệp bao tiêu đầu ra cho nông dân chưa nhiều, chỉ có 1 hoặc 2 doanh nghiệp”.

Nhận thấy sản xuất theo mô hình CĐL có nhiều cái lợi nên bước sang năm 2017, dù không còn được các ngành hỗ trợ hay không có tổ hợp tác sản xuất, nhưng ông Nguyễn Út Nhỏ (ấp Chống Mỹ, xã Khánh Bình) và một số bà con lân cận vẫn cùng nhau duy trì sản xuất theo CĐL. Tuy nhiên, trải qua 2 vụ sản xuất theo CĐL, do không có doanh nghiệp bao tiêu đầu ra, ông và bà con trong vùng buộc phải quay lại bán cho thương lái, điệp khúc bị ép giá lại tái diễn.

Bên cạnh đó, việc đầu tư các công trình thủy lợi phục vụ cho trồng lúa vẫn chưa đảm bảo được yêu cầu, mặc dù hàng năm huyện được triển khai nhiều công trình thủy lợi phục vụ cho sản xuất, với nguồn vốn lên tới hàng chục tỷ đồng. Thông tin từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, toàn huyện đã xây dựng xong 3 ô thủy lợi ở xã Khánh Hưng, Khánh Bình và Khánh Bình Đông; tuy nhiên chỉ có 2 ô được đầu tư trạm bơm, nhưng công suất chưa đáp ứng được yêu cầu, diện tích lúa thường hay bị ngập úng.

Mặc dù còn nhiều khó khăn phía trước, nhưng những nông dân gắn bó với cây lúa bao đời nay ở huyện Trần Văn Thời luôn tin rằng CĐL là chủ trương đúng đắn của Nhà nước. Nếu được kịp thời tháo gỡ khó khăn, sẽ giúp nông dân càng vững tin làm giàu từ cây lúa.
 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *