Nuôi cua bán thâm canh hai giai đoạn

Mô hình được triển khai thực hiện tại 8 hộ dân, với tổng diện tích 4,4ha, bình quân mỗi hộ có khoảng 0,8ha. Triển khai thực hiện mô hình này, người dân được hỗ trợ 100% con giống từ nguồn vốn khoa học công nghệ tỉnh Cà Mau. Mô hình được triển khai thực hiện từ tháng 10/2017 và được chia theo hai giai đoạn. Giai đoạn đầu cua con được nuôi trong ao nhỏ và cho ăn thức ăn công nghiệp, trong thời gian khoảng từ 4 – 6 tuần. Giai đoạn hai, cua con được chuyển ra ao lớn hơn và được cho ăn bằng cá tạp ở địa phương. Nguồn nước, môi trường được theo dõi sát sao.

Anh Nguyễn Trọng Nhường (ấp Cái Trăng, xã Hàm Rồng), cho biết: “Qua quá trình làm, nói chung hiệu quả. Cụ thể là môi trường nước được xử lý rất tốt. Từ khi được hỗ trợ thực hiện đến nay, thu lãi trên 100 triệu đồng”.

Anh Nguyễn Trọng Nhường cho thu nhập khá từ con thực hiện theo mô hình.

Thực hiện theo đúng quy trình đề ra, sau 6 tháng thả nuôi, bình quân trọng lượng cua đạt từ 250 – 450gam/con, với tỷ lệ nuôi 1con/1m2, kết quả đạt khoảng 180 triệu đồng/ha. Như vậy, “Nuôi cua bán thâm canh theo hai giai đoạn”, bình quân mỗi hộ thu hoạch trên 100 triệu đồng. Đây thật sự là một kết quả ngoài mong đợi của người dân, bởi nếu so sánh với các loại hình nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh sẽ rủi ro hơn rất nhiều.

Từ kết quả mang lại, sau khi kết thúc đề án hỗ trợ cho mô hình này, nhiều hộ dân đã tiếp tục thả nuôi vụ tiếp theo và hiện nay cua phát triển rất tốt. Điều đặc biệt là mô hình này được triển khai hầu hết đối với những hộ có ao nuôi tôm công nghiệp kém hiệu quả, qua đó góp phần tăng hiệu quả sử dụng đất trên cùng diện tích.

“Thời gian tới, Trạm khuyến nông sẽ tiếp tục tham mưu cho lãnh đạo địa phương cũng như chỉ đạo cho hệ thống khuyến ngư ở cơ sở ở các xã, thị trấn trên địa bàn tiếp tục nhân rộng, phát triển loại hình này. Đặc biệt là đối với những vùng có diện tích nuôi tôm thâm canh kém hiệu quả hoặc không hiệu quả sẽ vận động bà con nuôi theo hình thức này. Đồng thời qua đây, góp phần giữ vũng và phát triển nhãn hiệu tập thể con cua Năm Căn”, ông Nguyễn Nghi Lễ, Trạm Trưởng Trạm Khuyến nông huyện Năm Căn, cho biết.

Mô hình nuôi theo quy trình chuyển giai đoạn có vai trò làm tăng tỷ lệ sống của cua, giúp cua tăng trọng nhanh, giảm chi phí đầu tư, đồng thời cải thiện được môi trường nước trong ao nuôi, hạn chế dịch bệnh, tăng năng suất và chất lượng con cua, giải quyết tốt nguồn quỹ đất kém hiệu quả tại địa phương. Từ kết quả của mô hình “Nuôi cua bán thâm canh theo hai giai đoạn” cho thấy đây thực sự là hướng đi mới, đầy triển vọng cho nông dân huyện Năm Căn.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *