Phát triển du lịch, giữ “sức sống” cho làng nghề

Lưu lại nét xưa

Hiện tại, xã Nguyễn Phích đã có tổ hợp tác đan đát, được thành lập từ năm 2015, với 26 tổ viên. Nét độc đáo của làng nghề này chính là việc người dân tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có: Tre, trúc để tạo nên các sản phẩm thủ công tinh xảo, độc đáo đáp ứng nhu cầu trong đời sống sinh hoạt hàng ngày: Gùi (gác kèo ong); lờ đặt cá; trúm đặt lươn; rổ, thúng, nia…. Bà con sản xuất theo cách thủ công truyền thống, không hề sử dụng máy móc, bảo lưu gần như nguyên vẹn các công đoạn mà ông bà xưa để lại: Chọn nguyên liệu, vót tre, làm vành, nức, đan… Công đoạn chọn nguyên liệu đã khó, nhưng công đoạn đan nức còn khó hơn. Để tạo được nhiều sản phẩm thủ công đẹp, tinh xảo, bền, người đan phải có hoa tay, óc thẩm mỹ cùng với sự tỉ mỉ, khéo léo.

Hơn 50 năm gắn bó với “nghiệp” đan đát, bà Nguyễn Thị Bé (Ấp 3), chia sẻ kinh nghiệm: “Mua trúc về cưa, cạo rồi chẻ, lách. Cưa một lần cả chục bao vậy đó, không khéo tay là làm không được. Đây là nghề cha truyền con nối, thấy mọi người làm, rồi con cháu trong nhà đứa nào cũng biết chút đỉnh”.

Tổ hợp tác đã góp phần giữ sức sống cho làng nghề

Đưa sản phẩm ra thị trường

Cơ chế thị trường và cuộc sống hiện đại đã làm cho nghề đan đát truyền thống của địa phương dần mai một, nhưng cũng chính vì thế mà bây giờ ở làng đan đát lại xuất hiện nhiều sản phẩm mỹ nghệ hiện đại, có hoa văn, màu sắc rực rỡ hơn. Sự thay đổi này bắt nguồn từ lòng yêu nghề, gắn bó với nghề, làm động lực chính để gắn kết những bàn tay, khối óc của mọi người lại với nhau trong quá trình tìm ra hướng đi mới cho sản phẩm đan đát.

Những sản phẩm đan đát lưu niệm thường có kích thước nhỏ nên đòi hỏi sự khéo léo hơn và khó đan hơn. Bên cạnh đó, để thu hút được thị hiếu của du khách, người dân nơi đây còn đan chữ, đan hoa văn, nhuộm màu sắc tạo nên sự đa dạng, đặc sắc cho sản phẩm. Những đôi quang gánh nhỏ xinh, những chiếc nia, thúng, rổ chỉ vừa bằng chiếc dĩa ăn được đan bằng đôi bàn tay khéo léo, nguyên liệu thân thiện với môi trường cũng khiến du khách không khỏi thích thú về làng nghề thủ công đã có từ lâu đời tại địa phương. Bà Dư Út Em (Ấp 3) chia sẻ: “Sản phẩm nhỏ khó làm hơn sản phẩm lớn gấp mấy lần, nhưng vì đã gọi là nghề nên khó bỏ lắm. Sau vụ lúa, bà con lại thả tôm nuôi, thời gian rảnh là bắt tay đan đát”.

Chính những con người luôn níu giữ “lửa nghề”, tâm huyết vì sự phát triển của làng nghề đan đát, đã tạo ra những sản phẩm độc đáo được nhiều du khách biết tới và tìm đến tham quan mô hình. Dù chưa chính thức đi vào hoạt động kết nối du lịch, nhưng hiện tại nghề đan đát ở xã Nguyễn Phích đã “sống” lại trong lòng của nhiều du khách thập phương khi đến đây trải nghiệm và tìm hiểu về con người và đời sống văn hóa ở địa phương.

Phó Chủ tịch UBND xã Nguyễn Phích, ông Nguyễn Hồng Biên cho biết: “Tổ hợp tác này góp phần quan trọng trong việc phát triển du lịch vì khách du lịch đến các tour, tuyến cần những quà lưu niệm từ các sản phẩm đan đát”.

Theo Đề án Phát triển du lịch của xã Nguyễn Phích đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, xã sẽ xây dựng nhóm, điểm du lịch, tạo ra sản phẩm du lịch đa dạng, có tính cạnh tranh trên cơ sở phát huy tài nguyên du lịch độc đáo của các vườn cây ăn trái, làng nghề đan đát. Những sản phẩm đan đát lưu niệm đòi hỏi sự kỳ công hơn của người làm, nhưng nếu gắn được với du lịch sẽ góp phần tăng thu nhập cho người dân cũng như gìn giữ được làng nghề độc đáo của địa phương.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *