Thúc đẩy phát triển ngành hàng chủ lực

Cà Mau có điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển nông nghiệp, đặc biệt là kinh tế thủy sản. Nhiều năm nay, các sản phẩm đặc trưng của tỉnh: Tôm khô, cua, mắm cá lóc, cá khô bổi, bánh phồng tôm, mật ong, bồn bồn… đã có tiếng trên thị trường, được nhiều người tiêu dùng biết đến và sử dụng. Tuy nhiên, đa phần hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh chỉ mang tính nhỏ lẻ, chủ yếu là các DN nhỏ và vừa, các hộ gia đình sản xuất thủ công nên chưa đủ sức cạnh tranh trên thị trường. Hầu hết chưa quan tâm nhiều đến việc xây dựng, đăng ký thương hiệu, chưa mạnh dạn đầu tư nâng cấp cải tiến mẫu mã theo đúng yêu cầu. Đa số các sản phẩm không vào được siêu thị vì phụ thuộc vào mùa vụ, nguồn nguyên liệu và giá cả không ổn định.

Sau con tôm, ngành hàng lúa cũng là ưu tiên.

Giúp người dân hiểu về việc bảo hộ, xây dựng thương hiệu

 Trước thực tế đó, thời gian qua, Hội Nông dân tỉnh đã phối hợp với các sở, ngành, Hội Nông dân các huyện, TP. Cà Mau tổ chức các buổi tuyên truyền, mở các lớp tập huấn về khoa học – kỹ thuật để hội viên, nông dân hiểu và thực hiện mô hình sản xuất của gia đình từ khâu chăm sóc, bảo quản đến sản xuất sản phẩm sạch và tiến tới xây dựng thương hiệu để có đầu ra ổn định trên thị trường.

Hiện đã có 13 sản phẩm được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, 10 nhãn hiệu tập thể và 3 nhãn hiệu được chứng nhận. Trong đó, có 8 nhãn hiệu do Hội Nông dân huyện, TP. Cà Mau quản lý, gồm: Tôm khô Rạch Gốc, bánh phồng tôm Mũi Cà Mau, mật ong U Minh Hạ, cá khô bổi U Minh, chuối khô Trần Hợi, mắm cá lóc Thới Bình, cá chình – cá bống tượng Tân Thành, bồn bồn Cái Nước.

Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, bà Trần Thị Quyết cho biết: “Các cơ sở sản xuất sau khi được cấp nhãn hiệu tập thể được khẳng định về chất lượng cũng như nguồn gốc xuất xứ, đủ sức cạnh tranh trên thị trường. Chính vì thế, việc đẩy mạnh tuyên truyền vận động hội viên, nông dân thực hiện các chính sách bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đã trở thành việc làm cấp thiết quan trọng, giúp cho người dân hiểu thêm về vai trò, ý nghĩa của việc bảo hộ, xây dựng thương hiệu. Từ đó tạo bước chuyển biến về năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của các mặt hàng nông sản, góp phần giữ được nghề truyền thống ở nông thôn và phát triển kinh tế hộ gia đình”.

Ngành hàng lâm nghiệp có tiềm năng phát triển mạnh vùng nguyên liệu gỗ keo lai.

Đẩy mạnh liên kết giữa sản xuất và phân phối

Hiện nay, tỉnh Cà Mau đã có nhiều hỗ trợ đẩy mạnh sự liên kết giữa sản xuất và phân phối trên thị trường thông qua hoạt động xúc tiến thương mại, tạo cầu nối giúp DN, cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh nghiên cứu trao đổi, học hỏi kinh nghiệm, đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh và quảng bá sản phẩm đến người tiêu dùng trong và ngoài nước. Theo đó, từ năm 2016 đến nay, Sở Công thương tỉnh đã phối hợp với Sở Công thương TP. Hồ Chí Minh, TP. Hà Nội và các tỉnh, thành trong cả nước tăng cường các hoạt động kết nối cung cầu với các hệ thống phân phối lớn, các chợ đầu mối của thành phố lớn để tiến tới xây dựng vùng nguyên liệu và thực hiện các hợp đồng bao tiêu sản phẩm.

Cuối năm 2018, Sở Công thương phối hợp với 5 đơn vị DN trên địa bàn TP. Cà Mau, huyện Năm Căn và huyện Ngọc Hiển tổ chức khai trương và đi vào hoạt động 6 điểm trưng bày và bán các sản phẩm đặc trưng, đặc sản và các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh. Cách làm này bước đầu đã mang lại nhiều hiệu quả tích cực, góp phần quảng bá thương hiệu đến người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.

Cà Mau có điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển nông nghiệp, đặc biệt là kinh tế thủy sản.

Tuy nhiên, theo ông Lưu Văn Quốc, Phó Giám đốc Sở Công thương, hiện nay khó khăn nhất đối với người sản xuất là ở khâu tiêu thụ sản phẩm, nhất là các sản phẩm: Lúa, chuối, cá đồng. Vì vậy, để giải quyết vấn đề này, Sở tiếp tục phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát đánh giá chủng loại, sản lượng, tiêu chuẩn, chất lượng mẫu mã đối với các mặt hàng đặc sản, đặc trưng nhằm hướng dẫn, hỗ trợ các cơ sở tiến hành đầy đủ các thủ tục đảm bảo hàng hóa đủ điều kiện cung ứng cho các nhà phân phối. Tập trung đẩy mạnh tiêu thụ hơn nữa cho các mặt hàng có sản lượng lớn: Lúa, gạo, tôm xuất khẩu, tôm khô, cua biển, mật ong, chuối (chuối xiêm, chuối Nam Mỹ), gỗ rừng trồng… Song song đó, phối hợp với các địa phương tổ chức các chuyến khảo sát, tìm kiếm thị trường và kết nối hợp tác sản xuất – chế biến tiêu thụ sản phẩm chủ lực của tỉnh.

Với tiềm năng và lợi thế về tự nhiên, Cà Mau có đủ khả năng tạo ra nhiều sản phẩm nông sản sạch, an toàn để cung cấp cho nhu cầu chế biến và tiêu dùng trong và ngoài nước. Ngoài sản phẩm tôm, cua, lúa chất lượng cao và an toàn thực phẩm, Cà Mau có tiềm năng phát triển mạnh vùng nguyên liệu liệu gỗ keo lai và chuối chất lượng cao và an toàn vệ sinh thực phẩm… Những nỗ lực của ngành Nông nghiệp Cà Mau trong mời gọi hợp tác sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp chủ lực đã góp phần cho tam nông Cà Mau phát triển đi lên, xứng tầm trong ngành hàng kinh tế.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *