“Tôi nhận ra rằng mình không bất hạnh”

Cuộc sống không mấy khá giả, song gia đình anh Quân luôn tràn ngập tình yêu thương giữa các thành viên.

Sinh năm 1966 trong một gia đình nông dân nghèo, đông anh em; thời chiến tranh, cuộc sống thiếu thốn đã đành, bất hạnh hơn đối với Dương Văn Quân khi lọt lòng mẹ đã bị dị tật, chân trái teo quắp, đến 9 – 10 tuổi Quân mới có thể tự đứng lên và tập tễnh đi lại quanh nhà.

Theo thời gian, mọi người xung quanh thương cho tương lai của chàng thanh niên tật nguyền tưởng chừng đầu hàng số phận. Nhưng ngược lại, Quân luôn chịu khó lao động, hòa đồng với xóm làng, được mọi người quý mến. Với gương mặt thân thiện, lạc quan và đôi mắt luôn tràn đầy hy vọng, anh bộc bạch: “Tôi nhận ra rằng mình không bất hạnh, bởi đâu đó có những người còn kém may mắn hơn, nhưng họ không đầu hàng số phận, tìm cho mình một nghề phù hợp để ổn định cuộc sống. Bản thân tôi cũng thế, chỉ với 4 công đất, vợ chồng tôi ngoài làm ruộng, còn trồng rau màu quanh năm, chăn nuôi heo, gà… cho thu nhập khá. Cùng với nghề mộc học “lóm”, tôi có thể đóng các vật dụng gia đình, sửa nhà, bà con trong vùng ngày càng tin tưởng bởi sự kỹ lưỡng và giá cả “hữu nghị”.

Niềm vui với công việc, giúp anh Quân thêm mạnh mẽ, lạc quan.

Chị Sơn Thị Huệ, người vợ gắn bó cùng anh đến nay đã hai mặt con, chia sẻ: “Tôi quý anh ấy là ở tấm lòng. Mặc dù đôi chân anh yếu ớt, song anh không ngại khó, ngại khổ, luôn chia sẻ với vợ con từ việc lớn đến việc nhỏ”.

Cuộc đời không cho không bất kỳ ai điều gì và cũng sẽ không lấy đi bất cứ của ai thứ gì. Câu nói này có lẽ đúng với Dương Văn Quân, khi anh có được người vợ giỏi giang, đồng cam cộng khổ cùng chồng và các con ngoan hiền, siêng năng. Luôn luôn nỗ lực vươn lên, anh Quân đã và đang chủ động xây dựng hạnh phúc gia đình bền vững của chính mình.

Tỉnh Cà Mau hiện có hơn 30.000 người khuyết tật, trong đó hơn 7.000 người được hưởng trợ cấp thường xuyên. Giai đoạn 2011 – 2015, Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi các cấp đã vận động được gần 33,5 tỷ đồng, để trợ giúp người khuyết tật ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng. Bên cạnh sự hỗ trợ của các chính sách xã hội, tổ chức nhân đạo, nhiều cá nhân người khuyết tật đã ý thức vươn lên, tự trang bị kiến thức, kỹ năng và chủ động trong cuộc sống, khẳng định mình “tàn nhưng không phế”.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *