Đời sống mới vùng dân tộc xã Khánh Hòa

Với nguồn vốn được vay 20 triệu đồng từ Hội Phụ nữ, gia đình bà Danh Thị Thanh (Ấp 6) đã thoát nghèo bền vững từ mô hình chăn nuôi.

Kết cấu hạ tầng ngày càng hoàn thiện; nhiều hộ đồng bào dân tộc nghèo được hỗ trợ đất ở, đất sản xuất… Đặc biệt, nguồn vốn hỗ trợ sản xuất từ Chương trình 135 đã giúp nhiều hộ nghèo đồng bào Khmer có thêm điều kiện phát triển sản xuất, ổn định kinh tế gia đình.

Việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đã tạo điều kiện thuận lợi cho bà con đi lại, giao thương buôn bán.

Ông Phạm Hồng Ngự, Phó Chủ tịch UBND xã: “Tại Ấp 6 đã có salatel, tạo điều kiện cho đồng bào dân tộc có nơi sinh hoạt, giao lưu trong các dịp lễ, tết… Qua đó, chính quyền địa phương cũng có thể gặp gỡ, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của bà con, đồng thời tuyên truyền để bà con nắm bắt những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, từ đó yên tâm lao động sản xuất”.

Với sự quan tâm hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, có hàng chục hộ đồng bào Khmer thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng, trở thành những tấm gương sáng trong lao động sản xuất, như gia đình ông Đào Bê, chị Danh Thị Thanh, ông Kim Tây…

Đồng bào Khmer nơi đây không ngừng tăng gia sản xuất để ổn định cuộc sống.

Tại Ấp 6, hộ ông Đào Bê là điển hình sản xuất giỏi vươn lên thoát nghèo, nuôi con ăn học thành tài.

Ông Đào Bê là nông dân Khmer sản xuất giỏi, nuôi con ăn học thành tài. Hai người con của ông đã tốt nghiệp đại học và đang có việc làm ổn định. “Sự trợ giúp từ các chế độ, chính sách của Đảng, Nhà nước đã tạo điều kiện để con em đồng bào dân tộc được đến trường, cũng như có cơ hội việc làm. Mong rằng bà con sẽ cố gắng nhiều hơn nữa để ngày một nâng cao trình độ dân trí, xóa bỏ tập tục lạc hậu, chung sức xây dựng xã hội ngày càng phát triển hơn”, ông Bê vui mừng chia sẻ.

Hiện nay, bà con dân tộc Khmer nơi đây đã biết kết hợp sản xuất vụ lúa – vụ tôm, trồng hoa màu và chăn nuôi gia súc gia cầm…, thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Từ thực tế đó cho thấy, công tác tuyên truyền, vận động người dân cần hướng tới thay đổi cách nghĩ, cách làm trong lao động sản xuất của bà con, nhất là với các hộ đồng bào dân tộc.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *