Người nông dân trí thức

Anh An luôn biết đổi mới cách nghĩ, cách làm cho các mô hình kinh tế gia đình.

BÁM ĐẤT PHÈN

An tượng ban đầu khi mới gặp gỡ, người nông dân trung niên này luôn toát lên vẻ lạc quan và dường như khó khăn không làm khó được “người nông dân trí thức”, như cách gọi nhiều người nói về anh.

Quê gốc tỉnh Bến Tre, cách đây 25 năm, anh An về sống và lập nghiệp tại địa phương. Khi ấy, người dân quen thuộc với hình ảnh người thầy giáo ngày hai buổi đi về gắn bó với nghiệp giáo dục của vùng đất lắm khó khăn này. Như duyên nợ với quê hương thứ hai, anh An gặp được người vợ cũng làm nghề giáo. Lúc ấy nhiều khó khăn, anh An phải làm thêm nghề may để có thu nhập trang trải trong gia đình. Chỉ chiếc máy may cũ mà vợ chồng anh xem như báu vật, anh An trầm tư: “Đó là người bạn đời của hai vợ chồng khi mới khởi nghiệp”.

Anh Nguyễn Văn An đã bắt đất phèn xoay vòng và sinh lời với mô hình kinh tế bền vững.

Hai vợ chồng gắn bó với nghiệp giáo dục cũng từ tình yêu thương và san sẻ. 7 năm sau, khi đã bàn bạc thấu đáu, thầy giáo An quyết định “hy sinh”, từ bỏ nghề “gõ đầu trẻ” về làm nông để vợ mình tiếp tục nghiệp giáo. Thế là từ người giáo viên, anh An đã về với ruộng đồng. Là người con của quê hương Bến Tre, cái “máu” trồng cây ăn trái như ngấm từ lâu vào người đàn ông này, để rồi 6.000m2 đất phèn nhiễm mặn nặng đã trở thành công cụ làm giàu như hiện nay.

Sau khi có được đất, anh An khăn gói về quê, lặn lội lên những vùng trồng cây ăn trái học hỏi kinh nghiệm từ các nhà vườn. Lấy giống cây từ quê nội Bến Tre mang về Cà Mau trồng; cũng có nhiều thất bại, mỗi lần thất bại là một bài học kinh nghiệm. Bao ví, sên vét lập vườn là ý tưởng táo bạo của nông dân Nguyễn Văn An lúc bấy giờ, vì nhiều người dân địa phương cho rằng vùng đất mặn, đất phèn như Tân Đức không hợp với giống cây vùng ngọt. Anh An vẫn cứ đối đầu với khó khăn bằng việc áp dụng những biện pháp khoa học học hỏi được từ báo, đài và mạng Internet.

Sáng chế khoa học là niềm đam mê của nông dân Nguyễn Văn An.

Và rồi, thành quả hôm nay là hàng ngàn gốc nhãn, mãng cầu, thanh long ruột đỏ, táo, bưởi, cam, ổi lê… bén vùng đất mặn này và cho thu nhập gần 100 triệu đồng/năm. Có tiền, anh mua thêm đất nông nghiệp; với 1,4ha vuông nuôi tôm nước tĩnh, hàng năm trừ chi phí cũng cho lãi gần 150 triệu đồng. Căn nhà trị giá gần tỷ đồng hiện nay là “trái ngọt” mà vợ chồng anh An gặt hái được từ sự đồng cam cộng khổ và thuận vợ thuận chồng của đôi vợ chồng trí thức. Anh An bùi ngùi kể lại thời gian khó nhưng cũng đong đầy kỷ niệm: Vợ chồng được cái mê làm vườn, nhiều lúc 11 giờ khuya hai vợ chồng còn chong đèn đi quanh vườn chăm sóc cây, trái.

“ĐIỆN SẠCH” CHO SẢN XUẤT

Nhiều thăng trầm với nghề làm vườn, trong cái khó ló cái khôn. Vào mùa nắng, điện để phục vụ tưới tiêu cho cây ăn trái là khó khăn lớn của gia đình anh An. Để tiết kiệm chi phí tiền điện, anh An đã nghĩ ra mô hình quạt gió nén nước hoàn toàn dựa vào thiên nhiên để lấy nước phục vụ sản xuất.

Nhiều người xem bản vẽ và nghe anh trình bày thiết kế thì cho rằng là ý tưởng điên rồ, bởi tính khả thi không cao, mà chi phí đầu tư hàng chục triệu đồng. Không lấy đó làm buồn, nhận được sự đồng thuận của vợ, anh An bắt tay thực hiện ý tưởng. Để tiết kiệm chi phí đầu tư, anh lân la khắp các vựa ve chai lớn trong huyện, mua những thứ cần thiết. Thất bại, rồi triển khai tiếp, vài lần như thế; một lần thất bại anh lại vững tin vì luôn nhận được sự động viên từ vợ. Vợ chồng anh đồng tâm hiệp lực thực hiện mô hình điện sạch này. Anh An xúc động: “Mỗi khi thất bại, chỉ cần nụ cười và cái vỗ vai của vợ thôi đã đủ đối với tôi, là nguồn động viên, thôi thúc mình thực hiện cho bằng được ý tưởng này”.

Triển khai từ những tháng đầu năm 2010, đến hơn nửa năm sau mới thành công. Nhớ lại lúc bơm nước thành công, nhìn cánh quạt quay, nước lên ào ào, vợ chồng anh không cầm được nước mắt, anh An thầm cảm ơn vợ vì đã đặt trọn niềm tin vào mình. Với diện tích trồng vườn như thế, 5 năm nay anh không phải tốn chi phí cho khoản chi tiêu tiền điện hàng tháng, sản xuất thì càng ngày càng thuận lợi. Trong cơn đại hạn hồi đầu năm nay, vườn cây ăn trái nhà anh vẫn xanh tươi và cho năng suất cao.

Thành quả cho người nông dân trí thức Nguyễn Văn An với mô hình “điện sạch” là giải Khuyến khích tại Hội thi Sáng tạo khoa học kỹ thuật tỉnh Cà Mau lần thứ I-2011. Đối với anh An, giải thưởng là sự ghi nhận của Hội đồng khoa học về sự sáng tạo của anh và là động lực cho anh với những sáng chế khác. Thật vậy, càng cải tiến thì mô hình càng chứng tỏ công năng của nó; hiện nay, máy quạt còn phục vụ cho nghề nuôi tôm của gia đình.

Với bản tính chân thành của người nông dân, anh An sẵn sàng hỗ trợ kỹ thuật cho ai muốn thực hiện mô hình, với ý niệm nhân rộng và mang lại điều kiện sản xuất tốt cho những nông dân như mình.

VÌ CON CHỮ CHO TRẺ VÙNG SÂU

Dù đã bỏ nghiệp giáo để về với ruộng đồng, nhưng cái tâm với sự nghiệp giáo dục vẫn thôi thúc. Lui về vườn, nhưng anh An luôn là hậu phương vững chắc và là chỗ dựa cho vợ tiếp tục gắn bó với cái nghiệp mà trước kia anh đã từng chọn.

Không phụ niềm tin và kỳ vọng của chồng, vợ anh – chị Nguyễn Hồng Nga, hiện là Hiệu trưởng Trường Mầm non Tân Đức. Những thành tựu của chị Nga hôm nay có sự trợ lực rất lớn từ chồng. Anh An rất tự hào về thành tích của vợ con: Chị Nga 3 lần đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh; hai con đều học giỏi và ngoan ngoãn, riêng con gái út là học sinh giỏi cấp tỉnh. Riêng anh An, là nông dân sản xuất giỏi, anh tự hào và luôn xem đây là ngã rẽ đúng đắn cho gia đình và quê hương này. Anh chị cũng đang hướng các con theo nghiệp giáo, nối nghiệp cha mẹ gắn bó với con chữ cho trẻ em miền quê.

Anh An luôn tiên phong với mọi chủ trương của địa phương. Con lộ giao thông gần 1km mà anh chủ động kêu gọi xây dựng đã hình thành. Anh sẵn sàng đầu tư và cho hộ nghèo mượn tiền để làm, nhằm phục vụ cho việc đi lại của người dân, đặc biệt là việc đến trường của con em địa phương. Gia đình anh Chơn ở sau hậu đất anh An cứ nhớ hoài 2,5 chỉ vàng mà vợ chồng anh An cho mượn khi ngày đầu anh về đây lập nghiệp. Từ số tiền hỗ trợ cũng như những kiến thức sản xuất được chia sẻ, vợ chồng anh Chơn đã thoát nghèo và rồi giờ đây anh Chơn luôn nhắc đến ân nhân với sự trân trọng. Đây không phải là trường hợp duy nhất nhận được sự trợ giúp của vợ chồng anh An.

Ngày ngày, dù mưa hay nắng, anh An vẫn chở vợ con đến trường. Là thầy giáo hay nông dân, với anh không quan trọng, điều đáng quý ở người nông dân trí thức này nằm ở sự cần cù lao động, biết sống vì cộng đồng và vì sự phát triển chung của quê hương.

Từ giã anh An lúc xế chiều, khi cơn mưa dầm chưa tạnh hẳn; khi chúng tôi dừng xe nạp nhiên liệu, người phụ nữ chủ cây xăng nhìn mớ trái cây treo trên xe chúng tôi, quả quyết: “Thanh long ruột đỏ nhà thầy giáo An chứ đâu”. Quả thật, tình đất, tình người nơi đây rất chân thành và đối với mọi người, thầy giáo An hay nông dân An thì trong lòng họ luôn có sự yêu thương và trân trọng.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *