Chuẩn bị kịch bản kinh tế sau “bão COVID-19”

Sẽ có nhiều đối tượng được hỗ trợ từ các chính sách thuế.

Ưu tiên số 1 vẫn là xuất khẩu thủy sản

Về tình hình xuất khẩu thủy sản, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tiến Hải yêu cầu Sở Công thương chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương, Hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản tỉnh, các doanh nghiệp (DN) chế biến và xuất khẩu thủy sản và đơn vị có liên quan rà soát, tổng hợp báo cáo kế hoạch cần triển khai, hỗ trợ khôi phục lại sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu của DN (huy động, bố trí lao động, kết nối lại thị trường, đơn hàng đã tạm dừng, hủy nhập khẩu, thu mua nguyên liệu…).

Theo Sở Công thương tỉnh Cà Mau, trong Quý I/2020, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đạt 145,61 triệu USD, đạt khoảng 12% so với kế hoạch, giảm 17,67% so với cùng kỳ. Để hỗ trợ DN trên địa bàn, Sở Công thương Cà Mau đã có nhiều giải pháp kết nối, tìm nguồn tiêu thụ nội địa, gúp DN đưa hàng vào hệ thống các siêu thị: Big C, Satra Food…Việc xuất khẩu giảm sâu trong những tháng đầu năm là do tác động từ dịch COVID-19 đang bùng phát. Từ đó, kéo theo nhu cầu nhập khẩu tại các thị trường lớn bị giảm sút, các đối tác lớn đề nghị tạm ngừng các đơn hàng do các nước thực hiện các biện pháp hạn chế đi lại, thậm chí hủy đơn hàng khiến cho việc xuất khẩu thủy sản gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Mỹ ước đạt hơn 16 triệu USD, giảm 66,72%, Trung Quốc giảm 58,38%, Nga giảm 37%…

Mặt khác, việc tổ chức chương trình xúc tiến thương mại ngoài nước tạm dừng nên các DN xuất khẩu khó tìm kiếm khách hàng mới. Nhận định xuất khẩu trong các tháng tới sẽ tiếp tục phải đối mặt với những khó khăn mới, do đại dịch COVID-19 gây ra, Sở Công thương Cà Mau cho biết, đơn vị đã và đang thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để hỗ trợ, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho DN trong tỉnh. Trước mắt, trong tháng 4 và Quý II/2020, Sở khuyến nghị DN cần tranh thủ thị trường Trung Quốc (do Trung Quốc đã kiểm soát cơ bản được dịch COVID-19, hoạt động kinh tế – nhu cầu nhập khẩu bắt đầu hồi phục); tranh thủ thị trường Nhật Bản (do kiềm chế – hạn chế dịch bệnh, đang còn hoạt động xuất nhập khá tốt); nắm sát tình hình các thị trường khác để tranh thủ xuất khẩu và có giải pháp phù hợp kịp thời. Để có những hỗ trợ thiết thực cho DN, Sở đã chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các sở, ngành liên quan rà soát, dự báo nhu cầu của thị trường trong nước và quốc tế; rà soát cụ thể tình tình xuất khẩu của các DN, tranh thủ xuất khẩu khi điều kiện có thể.

Đồng thời, Sở Công thương cũng phối hợp các ngành, đơn vị liên quan tham mưu để UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện tốt chính sách tín dụng, Bảo hiểm xã hội, kéo dài thời gian thanh toán tiền điện, thuế… nhằm hỗ trợ các DN có vốn thu mua chế biến, trữ hàng chờ xuất khẩu, góp phần bình ổn giá tôm nguyên liệu.

Đặc biệt, trong giai đoạn khó khăn này, việc thúc đẩy tiêu thụ tại nội địa được xem là giải pháp hiệu quả với các DN. Do đó, Sở Công thương Cà Mau đang tích cực hỗ trợ các DN trong tỉnh tìm nguồn tiêu thụ nội địa thông qua việc liên hệ, đưa hàng vào hệ thống các siêu thị như Big C, Satra Food… Qua sự hỗ trợ của Sở Công thương, các mặt hàng: Tôm đông lạnh, bánh phồng tôm, cua Năm Căn… đã được đưa vào hệ thống siêu thị Satra Food. Thời gian tới, để việc tiếp cận với các kênh bán lẻ này hiệu quả, Sở Công thương sẽ tổ chức tập huấn, kết nối kinh doanh cho các đơn vị sản xuất kinh doanh có đủ năng lực đưa hàng vào siêu thị. Về lâu về dài, tỉnh cũng đã tổng hợp khó khăn của tất cả các DN thủy sản trong tỉnh và sẽ có kiến nghị Chính phủ giải pháp trong thời gian tới, bởi lẽ Cà Mau là “thủ phủ” của ngành tôm cả nước.

Công tác phòng chống dịch bệnh vẫn là ưu tiên hàng đầu.

Gỡ dần từ những ngành có tác động trực tiếp

Sau ngành Nông nghiệp và Công thương thì Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, Cục Thuế, Bảo hiểm Xã hội tỉnh, Công ty Điện lực Cà Mau cũng gấp rút rà soát, tổng hợp và báo cáo kết quả thực hiện hỗ trợ DN, người dân theo quy định; các giải pháp triển khai tiếp tục hỗ trợ sau dịch bệnh theo chủ trương của Chính phủ.

Đến cuối tháng 3, thu ngân sách nhà nước (NSNN) trên địa bàn tỉnh đạt hơn 2.000 tỷ đồng, bằng 35,6% dự toán năm, tăng 23,8% so với cùng kỳ. Đây là kết quả khá khả quan trong công tác thu NSNN toàn tỉnh Quý I/2020 trước đại dịch COVID-19 hoành hành. Thế nhưng, dự báo sẽ có rất nhiều khó khăn về sau, bởi dịch bệnh chưa có dấu hiệu dừng lại và nguồn thu có nguy cơ sụt giảm lớn, bởi nhiều chính sách miễn, giảm thuế, gỡ khó cho người nộp thuế.

Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Cà Mau, ông Nguyễn Thành Sua lo ngại: “Dịch COVID-19 đã và đang ảnh hưởng khá nghiêm trọng đến nhiều ngành, lĩnh vực, khiến nhiều DN có dấu hiệu thu hẹp sản xuất kinh doanh. Từ đó, ảnh hưởng trực tiếp đến thu thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế thu nhập DN, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường, phí, lệ phí…”.

Do vậy, để có những giải pháp gỡ khó cho DN và các đơn vị kinh doanh thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, Chính phủ vừa ban hành Nghị định 41, về gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất. Đây là tín hiệu vui của DN, hộ và cá nhân kinh doanh trước những ách tắc do dịch COVID-19. Theo đó, đối với tổ chức, DN (thuộc trường hợp được gia hạn) phải nộp thuế GTGT phát sinh của kỳ tính thuế các tháng 3, 4, 5, 6/2020 và kỳ tính thuế Quý I, Quý II/2020 được gia hạn 5 tháng, kể từ ngày kết thúc thời hạn nộp thuế GTGT theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.

Đối với thuế thu nhập DN, gia hạn thời hạn nộp thuế đối với số thu nhập DN còn phải nộp theo quyết toán của kỳ tính thuế năm 2019 và số thuế thu nhập DN tạm nộp Quý I, Quý II của kỳ tính thuế năm 2020 của DN, tổ chức là người nộp thu nhập DN thuộc đối tượng được quy định nêu trên. Thời gian gia hạn là 5 tháng, kể từ ngày kết thúc thời hạn nộp thuế thu nhập DN theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.

Đối với hộ gia đình, cá nhân kinh doanh thuộc đối tượng được gia hạn nộp thuế GTGT, thuế thu nhập DN có phát sinh thuế phải nộp năm 2020 thì thực hiện nộp số tiền thuế được gia hạn chậm nhất là 31/12. Theo đó, điều kiện hộ gia đình, cá nhân thuộc đối tượng được gia hạn nộp thuế thuộc các nhóm: Nhóm sản xuất trong các ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản; sản xuất, chế biến thực phẩm; xây dựng; nhóm có hoạt động kinh doanh trong các ngành như vận tải kho bãi, dịch vụ lưu trú và ăn uống, giáo dục và đào tạo, y tế, hoạt động dịch vụ lao động và việc làm… và nhóm hoạt động sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển, sản phẩm cơ khí trọng điểm. Đặc biệt, DN nhỏ và siêu nhỏ cũng thuộc nhóm đối tượng được áp dụng nghị định.

Sự phối hợp liên ngành trong công tác phòng chống dịch bệnh cũng như khôi phục kinh tế trong giai đoạn này là rất cần thiết.

Bên cạnh đó, đối với việc gia hạn tiền thuê đất, tổ chức, DN, hộ gia đình, cá nhân kinh doanh (thuộc đối tượng được gia hạn) được gia hạn thời hạn nộp tiền thuê đất 5 tháng kể từ ngày 31/5. Đối với số tiền thuê đất phải nộp kỳ đầu năm 2020 của những tổ chức, DN, cá nhân kinh doanh đang được Nhà nước cho thuê đất trực tiếp theo quyết định, hợp đồng của cơ quan nhà nước có thẩm quyền dưới hình thức trả tiền thuê đất hàng năm. Về trình tự, thủ tục gia hạn, người nộp thuế chỉ cần làm giấy đề nghị gia hạn (theo mẫu tại nghị định) gửi tới cơ quan thuế quản lý trực tiếp một lần cho toàn bộ các kỳ của các sắc thuế và tiền thuê đất được gia hạn cùng với thời điểm nộp hồ sơ khai thuế theo tháng (hoặc theo quý) theo quy định pháp luật về quản lý thuế, chậm nhất là ngày 30/7.

Bằng việc chủ động từ chủ trương, chính sách đến triển đồng bộ các giải pháp, cùng với sự chủ động của các ngành, tin chắc rằng Cà Mau sẽ có một kịch bản kinh tế hoàn chỉnh và đủ sức để vượt khó trong thời gian tới.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *