Công trình Di tích Hải Yến – Bình Hưng: Chính quyền và người dân đang mong chờ!

Hướng vào Khu di tích hoang sơ, đầy cỏ mọc.

Biệt khu Hải Yến – Bình Hưng do Nguyễn Lạc Hóa, tên gián điệp mượn danh linh mục xây dựng vào cuối năm 1957. Chúng đặt ra vô số các luật để khống chế nhân dân: Nếu ai lạ mặt vào nhà dân mà không khai báo kịp thời thì bị bỏ tù, nếu đưa qua sông thì bị giết; ai có quan hệ với cộng sản thì bị chặt đầu. Chúng dồn dân vào các ấp chiến lược, dinh điền, nếu không chấp hành thì chúng thực hiện “luật 3 sạch” (giết sạch, đốt sạch và phá sạch). Chúng tra khảo những cán bộ bị bắt rất tàn bạo. Với dân lành, nếu không khai báo thì chúng giam chờ ngày đem đi thủ tiêu. Chiếc cầu có tên là Kinh Mỵ nằm cạnh trại tù, hễ tù nhân nào bị chúng dẫn qua chiếc cầu ấy thì coi như không còn đường quay trở lại. Người dân nơi đây đặt tên chiếc cầu ấy là cầu “Vĩnh Biệt” để ghi nhớ rõ ràng hơn những hành động giết người ghê rợn của bọn chúng.

Bà Trần Thị Thảo nay đã ngoài 80 tuổi, song vẫn nhớ như in ngày cha bà bị bọn Bình Hưng bắt và giết khi chúng nghi ông có tham gia hoạt động cách mạng. Đến 3 ngày sau mới tìm thấy xác. Lúc đó mọi người ai cũng khiếp sợ trước tội ác của bọn Bình Hưng, nhưng lòng căm thù còn mãnh liệt hơn, nên bà và nhiều anh em vẫn bí mật hoạt động cách mạng trong lòng địch. Có người hy sinh, có người bị giặt bắt, bị giết, bị tra tấn, có gia đình tham gia cách mạng bị thủ tiêu hết… nhưng lớp lớp trai làng thời ấy vẫn hăng hái theo cách mạng, lòng căm thù dâng cao.

Khu di tích chỉ xây dựng được một số hạng mục, nhưng lại chưa có hạng mục nào hoàn chỉnh.

Định hướng đến năm 2030, tỉnh Cà Mau sẽ phát triển mạnh về du lịch. UBND tỉnh đã phê duyệt kế hoạch trùng tu, tôn tạo di tích giai đoạn 2019 – 2020. Đồng thời, xây dựng hoàn thiện sản phẩm du lịch văn hóa lịch sử, văn hóa tâm linh và khai thác, phát huy giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể để phục vụ du lịch; đưa các di tích lịch sử văn hóa, lễ hội, các di sản văn hóa phi vật thể… vào các chương trình tham quan, du lịch.

Di tích Hải Yến – Bình Hưng là minh chứng hùng hồn chứng minh những âm mưu và tội ác của bọn Mỹ – ngụy. Việc xây dựng, phục dựng di tích Hải Yến – Bình Hưng là việc làm cần thiết, góp phần tuyên truyền các sự kiện lịch sử, truyền thống cách mạng cho thanh niên và quần chúng nhân dân Cà Mau.

Thế nhưng, đã qua 3 năm, công trình vẫn chỉ mới hoàn thành được một nửa khối lượng. 

Bà Thảo băn khoăn: “Tuổi đã cao, không biết tôi còn cơ hội được chứng kiến ngày di tích được khánh thành hay không”.

Phó Chủ tịch UBND xã, ông Hồ Toại Nguyện mong muốn: “Khi được khởi công xây dựng, phục dựng lại khu di tích, bà con trên địa bàn xã rất phấn khởi. Nhưng thực tế, tiến độ thi công của nhà thầu rất chậm, chính quyền địa phương cũng như người dân xã mong muốn ngành chức năng sớm giải quyết các vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ công trình”.

Di tích được xây dựng trên địa phận xã Tân Hải, chính quyền sở tại không nắm được quá trình xây dựng cũng như tiến độ thi công, nên việc họ phải làm là “chờ” cho đến khi khu di tích được hoàn thành và đưa vào hoạt động.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *