Đi chậm nhưng phải chắc

Quyết tâm cao

Huyện có 4 xã đạt chuẩn NTM, gồm: Tân Dân, Tạ An Khương Nam, Tạ An Khương và Tân Trung. Bình quân huyện đạt 13,6 tiêu chí. Trong đó, 9 xã đạt từ 10 – 15 tiêu chí. Còn lại 2 xã (Tân Thuận và Nguyễn Huân) chỉ mới đạt được 7 – 10 tiêu chí. Hiện Ban Chỉ đạo huyện đã chỉ đạo các địa phương tiến hành rà soát các tiêu chí các xã đã đăng ký, sát với tình hình thực tế để thực hiện trong năm 2020 và các năm tiếp theo, duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt. Đồng thời, huyện tổ chức hội nghị chuyên đề tổng kết việc xây dựng NTM 2019 và triển khai kế hoạch cho năm 2020, phân công từng thành viên hỗ trợ xã, hỗ trợ xây dựng từng tiêu chí.

Để đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo chất lượng, không chạy theo thành tích, Phó Chủ tịch UBND huyện, ông Nguyễn Phương Bình chia sẻ: “Năm 2020, phương án xây dựng NTM của huyện có khác hơn những năm trước ở việc thành lập nhóm Zalo gồm các thành viên của ban chỉ đạo các xã. Qua đó, sẽ báo cáo định kỳ hàng tháng, xã nào thực hiện được tiêu chí hay nội dung nào thì đưa lên để các địa phương khác rút kinh nghiệm. Từ đó, cũng tạo được sự thi đua, công khai, minh bạch trong cách điều hành cũng như trong thực hiện”. Ngoài ra, lãnh đạo huyện có lịch cố định cho từng tháng để xuống từng địa phương kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo công tác xây dựng NTM.

Huyện Đầm Dơi hiện đã có 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới, gồm: Tân Dân, Tạ An Khương Nam, Tạ An Khương và Tân Trung.

Không chạy theo thành tích

Là xã được tỉnh chọn làm xã điểm xây dựng đạt chuẩn NTM năm 2020, hiện Tân Tiến chỉ mới đạt 10/19 tiêu chí, nhưng với lộ trình được xây dựng cụ thể, hiện xã đang từng bước tập trung thực hiện.

Chủ tịch UBND xã, ông Đoàn Chí Linh cho biết: “Trong 9 tiêu chí chưa đạt, đã có nhiều tiêu chí gần “chạm ngưỡng” đạt hoặc đạt chưa bền vững, cần nâng chất cho đạt sâu. Như tiêu chí về an ninh trật tự đã đạt năm 2018 nhưng đến năm 2019 thì trên địa bàn xã xảy ra vụ án hình sự làm chết người nên tiêu chí này bị rớt, hiện địa phương đang củng cố, nâng chất để tiêu chí này được công nhận lại trong năm 2020”.

Về tiêu chí trường học, toàn xã có 5 điểm trường chính, trong đó, 2 điểm trường THCS, 2 điểm trường tiểu học và 1 điểm trường mẫu giáo. Hiện tại có 2 điểm đạt chuẩn Quốc gia (chiếm tỷ lệ 40%, theo quy định là 70%). Hiện xã đã có vốn triển khai các hạng mục, để các trường đạt chuẩn trong năm 2020. Ông Đoàn Chí Linh cho biết: “Hiện đang làm hồ sơ đề nghị công nhận thêm 1 trường mẫu giáo đạt chuẩn và đang khởi công xây dựng trường THCS Tân Tiến. Dự kiến sẽ hoàn thành trong tháng 9 tới”.

Thế mạnh về nuôi thủy, hải sản đã giúp cho người dân nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống.

Điều phấn khởi nhất của xã là tiêu chí thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã đến hết năm 2019 đạt 47 triệu đồng/người/năm. Trên cơ sở mức bình quân chung của tỉnh, UBND xã xây dựng kế hoạch đến hết năm 2020, xã Tân Tiến có mức bình quân thu nhập từ 50 triệu đồng/người/năm trở lên. Tỷ lệ hộ nghèo giảm rõ nét, đến hết năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo còn 87 hộ (chiếm 2,8%), hộ cận nghèo 94 hộ (chiếm 3,025%). Khi thu nhập của người dân được ổn định thì họ sẵn sàng “gánh vác” trách nhiệm cùng với địa phương chung sức xây dựng quê hương thêm giàu đẹp. Cụ thể, người dân đóng góp ngày công và kinh phí để hoàn thành tuyến lộ Tân Hào A với chiều dài 1.367m (tổng vốn đầu tư trên 1 tỷ đồng; trong đó, người dân tự làm cống và lộ đất đen, bình quân mỗi hộ phải đóng góp từ 10 – 30 triệu đồng).

Ông Đoàn Chí Linh phấn khởi: “Nhờ sự đồng lòng của người dân đã giúp cho địa phương bao phủ được các tuyến đường trục xã – liên xã, trục ấp – liên ấp, tạo điều kiện đi lại cho người dân. Trong năm 2020, UBND xã có kế hoạch đầu tư 9 tuyến, tổng chiều dài 13,689km, đã chỉ đạo xây dựng hoàn thành đưa vào sử dụng 3 tuyến, dự kiến các tuyến còn lại khởi công vào tháng 6, hoàn thành trong tháng 9/2020. Các tuyến đường trên địa bàn xã được xây dựng và quản lý đúng quy hoạch; công tác duy tu, sửa chữa được triển khai thực hiện thường xuyên”.

Cái khó nhất hiện nay là về tiêu chí cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn. Chợ Tân Tiến có kế hoạch cụ thể trên tổng diện tích 4,83ha, trên 300 hộ kinh doanh cố định và không cố định; các dịch vụ tối thiểu tại chợ gồm khu dành cho Ban Quản lý chợ, Đội Dân phòng chợ… Nhưng hiện tại cái khó là tiểu thương chưa đồng ý di dời vì nhiều lý do khác nhau. Theo dự kiến, cuối tháng 10/2020 sẽ hoàn tất và đạt tiêu chí này, nhưng xem ra còn rất nan giải.

Với sự đồng thuận của nhân dân, bộ mặt nông thôn dần thay đổi, lộ bê-tông được xây dựng nối liền, tạo thuận lợi cho việc giao thương của người dân.

Việc đẩy mạnh xây dựng NTM là hết sức cần thiết, nhưng việc xây dựng NTM không nên chạy theo thành tích, mà cần thực chất. Nếu địa phương nào hoàn thành xây dựng NTM mà đời sống nhiều hộ dân còn khó khăn, cơ sở hạ tầng nông thôn chưa hoàn thiện, sản xuất không phát triển thì việc xây dựng NTM ở địa phương đó chưa thực sự mang lại ý nghĩa. Hơn nữa, xây dựng NTM là việc lâu dài, nếu chỉ tiêu nào chưa đạt thì cố gắng huy động các nguồn lực làm cho bằng được, không nên “miễn cưỡng” đạt trong khi trên thực tế chưa đạt.

Phát huy được sự sáng tạo và cách làm hay trong xây dựng NTM; từng bước thay đổi diện mạo nông thôn, nâng cao đời sống vật chất cũng như tinh thần của người dân, huyện Đầm Dơi đang hướng tới xây dựng NTM đúng chất, khẳng định những bước đi vững chắc chứ không vì “danh hiệu”.

Trong quá trình thực hiện các tiêu chí về xây dựng NTM, huyện còn 2 khó khăn lớn. Vì là huyện đặc thù chuyên nuôi tôm, nhiều nơi phải xây cống, cầu để người dân lấy nước ra/vào nuôi tôm nên đòi hỏi kinh phí xây dựng các tuyến lộ cao hơn các địa phương khác. Từ đó, tỷ lệ lộ giao thông nông thôn chưa đạt chiếm khá cao. Mặt khác, còn một khó khăn nữa là về trường đạt chuẩn, vì là huyện có diện tích rộng nên có trên 60 điểm trường do huyện quản lý, trong quá trình xây dựng trường đạt chuẩn Quốc gia, rất cần sự hỗ trợ của cấp trên.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *