Gánh nặng nỗi đau chấn thương sọ não vì tai nạn giao thông

Căn nhà thuê được xây dựng tạm bợ nằm trong con hẻm nhỏ tại Phường 1 (TP. Cà Mau) là nơi ở của gia đình bà Trần Thị Út năm nay đã ngoài tuổi 50. Bà Út có chồng bị TNGT tử vong vào tháng 9/2017. Vào thời gian trên, ông Nguyễn Văn Xem, chồng bà Út, đi ngang qua đường Ngô Quyền thì bị một chiếc xe gắn máy tông thẳng vào người. Cú va chạm đã khiến ông chấn thương nặng ở đầu và tử vong trên đường đưa đi cấp cứu. Mặc dù trước khi ông Xem qua đời, kinh tế gia đình không mấy khá giả, song với vai trò trụ cột, ông cũng tìm đủ mọi cách để tìm kế sinh nhai. Ông Xem ra đi, để lại vợ và 3 người con, trong đó có một người con tật nguyền, do bệnh sốt bại liệt xảy ra cách đây hơn 3 năm mà thiếu niên 17 tuổi hiện chỉ nằm tại chỗ, không tự chủ được hoạt động thường ngày. Tiền thang thuốc cũng như chi tiêu của gia đình giờ phụ thuộc hoàn toàn vào đôi vai của người vợ với nghề bán bánh mì.

Trong ngôi nhà nhỏ xiêu vẹo, một người mẹ gầy còm chăm sóc cậu con trai ngây dại – hình ảnh khiến những ai trông thấy đều không khỏi chạnh lòng. Đó là hoàn cảnh của bà Trần Mỹ Linh (ấp Tân Lập, xã Tân Ân Tây, huyện Ngọc Hiển). Tuổi đã ngoài 50, thân hình gầy guộc, hằng ngày bà phải vừa tần tảo kiếm tiền mưu sinh, vừa phải chăm sóc người con trai đã 32 tuổi nhưng chẳng khác gì một đứa trẻ sơ sinh, mọi hoạt động của bản thân đều không thể tự chủ. Người con trai ấy của bà hai năm trước đây bị chấn thương não sau vụ TNGT, trở nên ngây dại. “Để điều trị bệnh cho con, tôi phải cầm cố hết 7 công đất của gia đình. Không đủ, tôi phải vay mượn của bà con, hàng xóm. Tốn gần 200 triệu đồng chỉ có thể giữ được tính mạng cho nó. Nhìn nó ngây dại, cười cười, khóc khóc, làm tôi không cầm được nước mắt khi chăm sóc”, bà Linh buồn bã nói.

Ban An toàn giao thông tỉnh thăm gia đình ông Nguyễn Văn Gỗ (ấp Tân Trung, xã Tân Hưng, huyện Cái Nước) có người thân là nạn nhân tử vong vì tai nạn giao thông.

Trường hợp của ông Nguyễn Văn Gỗ, ngoài 80 tuổi (ấp Tân Trung, xã Tân Hưng, huyện Cái Nước) cũng không kém phần chua xót. Cậu con trai út trên Nguyễn Văn Kha sống chung với ông từ nhỏ. Những tưởng ở cái tuổi xế chiều có con kề bên để chăm sóc tuổi già, nào ngờ TNGT tàn ác đã cướp đi mạng sống của anh Kha. Ông Gỗ kể trong niềm đau, Kha tử vong khi đi làm ở Bình Dương. Lúc ấy là ngày nghỉ, Kha đi hớt tóc, vì tiệm gần chỗ trọ nên anh điều khiển phương tiện xe gắn máy nhưng không đội mũ bảo hiểm. Không may khi ra tới đầu hẻm, phương tiện của Kha va chạm với một phương tiện khác. Tai nạn xảy ra, Kha bị chấn thương ở vùng đầu và tử vong sau đó không lâu. Nhớ lại cái chết của cậu con trai, ông Gỗ chỉ biết thở dài ngậm ngùi: “Nếu như nó đội mũ bảo hiểm khi lái xe thì chắc không đến nỗi…”.

Theo đánh giá của Ban An toàn giao thông tỉnh, đa số các nạn nhân của TNGT đều đang trong độ tuổi lao động. TNGT không những để lại những di chứng đeo bám cả cuộc đời mà còn những hệ lụy đáng buồn cho gia đình và xã hội. Qua phân tích nguyên nhân TNGT cho thấy, số vụ TNGT nghiêm trọng xảy ra là do ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông còn thấp.

Để đẩy lùi TNGT, đặc biệt là những tai nạn nghiêm trọng, thời gian qua, tỉnh đã huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị tham gia bảo đảm trật tự an toàn giao thông; đẩy mạnh tuyên truyền với nhiều hình thức đa dạng, phong phú nhằm nâng cao ý thức chấp hành về bảo đảm trật tự an toàn giao thông của người dân. Bên cạnh đó, để tránh những vụ TNGT đáng tiếc xảy ra, người dân cần nâng cao ý thức, chấp hành nghiêm chỉnh Luật Giao thông đường bộ, đặc biệt là không uống rượu, bia khi tham gia giao thông – đó chính là văn hóa trong giao thông, nhằm đảm bảo an toàn cho chính mình và cộng đồng xã hội.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *