Gian nan chuyện chuyển đổi nghề

Bài 1: Khi người dân tự phát…

Đánh bắt gần bờ là thực trạng đã và đang diễn ra trên địa bàn tỉnh từ rất lâu. Dù ngành chức năng và địa phương vẫn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, nhưng một bộ phận không nhỏ người dân vẫn cố tình đưa phương tiện thủy nội địa ra vùng biển đánh bắt, đánh cược tính mạng với biển cả, gây khó khăn cho công tác quản lý và ảnh hưởng không nhỏ, làm cạn kiện tài nguyên thủy sản biển.

Khó trong khâu quản lý

Hoạt động đánh bắt gần bờ có từ rất lâu đời, một phần là do nghiệp “cha truyền con nối”, số còn lại là tập tành mưu sinh, nhất là các hộ sống ven biển hoặc dân di cư về các cửa biển sinh sống rồi hành nghề đánh bắt gần bờ bằng phương tiện thủy nội địa.

Theo ngành chuyên môn, đối với nhóm tàu cá có công suất dưới 20CV, trước đây phân cấp cho huyện quản lý, nhưng địa phương có nghề cá không chú trọng việc cấp giấy phép khai thác hải sản cho loại phương tiện này, dẫn đến khó khăn trong công tác vận động thực hiện nghiêm các quy định của Luật Thủy sản (là phải có giấy phép khai thác hải sản – NV). Cà Mau đang vận động chuyển đổi từ “nghề cá nhân dân” sang “nghề cá có trách nhiệm”, nhưng rất nhiều chủ tàu vẫn giữ tập quán sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, hiệu quả kinh tế thấp mà gây hệ lụy đến môi trường, sinh thái biển.

Hiện nay, thực hiện theo Luật Thủy sản năm 2017, số tàu này được Chi cục Thủy sản tiếp nhận lại từ các huyện. Cụ thể, số lượng hồ sơ tàu cá khi bàn giao từ Chi cục Thủy sản cho các huyện là 1.578 tàu, nhưng đến nay Chi cục Thủy sản nhận lại được tổng số 951 tàu cá, số tàu giảm đi là 627 tàu, do trong quá trình thực hiện nhiệm vụ từ lúc bàn giao hồ sơ cho đến thời điểm hiện nay thì chủ tàu đã xin rút hồ sơ từ huyện chuyển đi đăng ký nơi khác, với một số lý do: Tàu cá cải hoán từ dưới 20CV lên trên 20CV, tàu cá sang bán đi một số nơi khác; do bảo quản chưa tốt nên có một số hồ sơ bị mục nát, hư hỏng…

Ngoài ra, còn một lượng lớn tàu cá trễ hạn đăng kiểm và giấy phép khai thác thủy sản. Qua đối chiếu với số tàu cá quản lý tại Chi cục Thủy sản đến nay, số tàu trễ hạn đăng kiểm và giấy phép khai thác thủy sản là 2.696 tàu. Nguyên nhân chủ yếu do tàu nằm bờ vì thiếu kinh phí hoạt động, đang đậu để sửa chữa, cải hoán; một số chủ tàu thiếu thuyền viên đi biển, tàu chưa được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình theo quy định; tàu đã sang bán hoặc cho thuê dài hạn đi nơi khác từ rất lâu và số tàu này đa số là số được đầu tư từ thời điểm năm 1997 sau cơn bão số 5…

Chi cục Phó Chi cục Thủy sản, ông Nguyễn Việt Triều cho biết: “Đối với nhóm tàu chưa đăng kiểm, đăng ký và cấp giấy phép khai thác thủy sản, thì chủ tàu làm các nghề khai thác thủy sản như nghề te (đẩy ruốc, đẩy cá cơm), nghề lưới kéo khai thác gần bờ. Khai thác thủy sản bằng nghề te, lưới kéo làm ảnh hưởng đến nền đáy, gây nguy hại đến nguồn lợi môi trường sống của loài thủy sản, đặc biệt là vùng biển ven bờ, làm ảnh hưởng rất lớn đến ấu trùng, trứng, giống, thủy sản bố mẹ tự nhiên. Hoạt động này đã được đưa vào danh mục, tiêu chí xác định nghề, ngư cụ cấm sử dụng khai thác thủy sản tại Điều 13 Thông tư số 19/2018/TT-BNNPTNT ngày 15/11/2018 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn về bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản”.

Đó là những phương tiện có đăng ký, đăng kiểm thì ngành chức năng quản lý được, còn những phương tiện thủy nội địa cố tình qua mặt ngành chức năng để men theo đường tiểu ngạch thông ra biển để đánh bắt thì còn nhiều vô số kể. Vấn đề này, ông Triều chia sẻ: “Người ta đăng ký là phương tiện thủy nội địa thì mình không có cớ mà bắt phạt người ta được. Khi họ ra biển khai thác, ngành chức năng kiểm soát được thì mới bắt phạt, còn nếu không bắt được thì những phương tiện này “lọt lưới”, cứ vậy mà lén khai thác”.

Khai thác gần bờ đang là thực trạng gây khó khăn cho ngành Thủy sản của tỉnh.

Cần giải quyết thỏa đáng giữa yêu cầu đảm bảo sinh kế cho người dân và bảo vệ nguồn lợi thủy sản

Tỉnh Cà Mau có nhiều cửa sông ăn thông ra biển (khoảng 82 cửa sông), các phương tiện khai thác ven bờ thường ra vào những cửa biển không có trạm kiểm soát Biên phòng, nên gây khó khăn cho công tác quản lý, kiểm tra xử lý phương tiện phát sinh theo quy định. Mặt khác, các chủ phương tiện ít quan tâm đến đăng kiểm, đăng ký, gia hạn giấy phép. Đa phần các chủ phương tiện làm nghề khai thác thủy sản ven bờ còn khó khăn về điều kiện kinh tế, trình độ học vấn còn thấp nên ý thức và việc chấp hành các quy định về quản lý khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản còn hạn chế. Việc chuyển đổi nghề chưa được triển khai nhân rộng nhiều.

Mặt khác, do công tác quản lý tàu cá dưới 20CV cấp huyện quản lý trước đây chưa được quan tâm đúng mức nên hiệu quả công tác quản lý nhóm tàu này còn hạn chế, từ khi huyện bàn giao hồ sơ về tỉnh quản lý đến nay, rất ít phương tiện đủ điều kiện để gia hạn lại giấy phép khai thác thủy sản. Đa số các phương tiện đã cải hoán, sửa vỏ, thay máy mà không có văn bản chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền; hồ sơ trễ hạn rất nhiều năm, dẫn đến rất khó khăn trong quản lý phương tiện, quản lý khai thác trên tàu cá.

Còn đối với nhóm tàu cá trễ hạn đăng kiểm và giấy phép khai thác thủy sản, hiện nay, theo Luật Thủy sản 2017 và các quy định có liên quan, phương tiện có chiều dài lớn nhất từ 12m trở lên là thuộc diện phải được đăng kiểm, cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá; phương tiện có chiều dài lớn nhất từ 6m trở lên phải có giấy phép khai thác thủy sản. Qua kết quả đối chiếu, xác minh của địa phương, phần lớn số tàu cá đã trễ hạn đăng kiểm và giấy phép khai thác thủy sản là do chủ phương tiện đã rời khỏi địa phương, không liên hệ được… dẫn đến rất khó khăn trong công tác vận động, tuyên truyền, hướng dẫn cho các chủ tàu thực hiện đúng theo quy định về đăng kiểm, đăng ký và cấp giấy phép khai thác thủy sản theo quy định.

Vấn đề đặt ra là đối với nhóm tàu chưa được đăng kiểm, đăng ký và cấp giấy phép khai thác thủy sản mà vẫn ngang nhiên khai thác thủy sản cần có giải quyết thỏa đáng, vừa phải đảm bảo được nhu cầu sinh kế hàng ngày bền vững cho họ, vừa bảo vệ được nguồn lợi thủy sản vào các mùa sinh sản.

Về vấn đề này, ông Triều cho biết: “Việc giải quyết cho đăng kiểm, đăng ký và cấp giấy phép khai thác thủy sản trên biển đối với những tàu cá (bao gồm cả những phương tiện thủy nội địa) phát sinh tự phát ở địa phương trong một thời gian dài, với số lượng nhiều và đa phần là nghề, ngư cụ cấm khai thác thủy sản của một bộ phận bà con ngư dân nghèo, di cư vùng ven biển của tỉnh để đáp ứng nhu cầu sinh kế, cuộc sống hàng ngày là một vấn đề lớn, quan trọng và có nhiều khó khăn, bất cập, cần phải nghiên cứu, tìm giải pháp căn cơ, bền vững từ nhiều cấp, nhiều ngành, toàn diện trên từng vấn đề của xã hội, môi trường, nguồn lợi thủy sản và cần phải báo cáo, xin ý kiến, chủ trương của các cấp có thẩm quyền”.

Theo Quyết định số 30/2019/QĐ-UBND ngày 19/8/2019 của UBND tỉnh, thì tàu cá sau khi đóng mới phải có chiều dài lớn nhất 15m trở lên và sau khi cải hoán phải có chiều dài lớn nhấtt từ 12m trở lên; những tàu cá phát sinh thời gian trước đây thì áp dụng tại Quyết định số 43/2015/QĐ-UBND ngày 15/12/2015 của UBND tỉnh, quy định về quản lý các hoạt động khai thác thủy sản trên vùng biển ven bờ và vùng lộng tỉnh Cà Mau, đó là chỉ được phát triển mới loại tàu có công suất máy chính từ 50CV trở lên. Đồng thời, nếu không đảm bảo các thủ tục, trình tự theo quy định hiện hành (không có văn bản chấp thuận đóng mới của cơ quan có thẩm quyền, không có hồ sơ thiết kế cũng như các chứng từ, hóa đơn chứng minh tính hợp pháp nguồn gốc của tàu, máy tàu…) thì phương tiện đó không được ra khơi đánh bắt.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *