Hoạt động của Hợp tác xã 19/5: Hướng đi đúng trên lâm phần

Để bảo vệ nguồn lợi cá đồng, HTX quy định chỉ được giăng bắt cá bằng lưới 5 phân, nhằm bảo vệ nguồn cá giống cho mùa sau.

Tích cực bảo vệ rừng…

Hợp tác xã 19/5 thuộc xã Nguyễn Phích, gồm 39 hội viên, có tổng diện tích trên 400ha chuyên trồng thâm canh cây tràm. Nhiều năm qua, nhờ thực hiện tốt chủ trương của Nhà nước, người dân nơi đây có nhiều chuyển biến tích cực về ý thức bảo vệ và phát triển rừng, nhất là phòng cháy chữa cháy rừng trong mùa khô. Phó Giám đốc Hợp tác xã (HTX), ông Quách Văn Thưa cho biết: “Vào cao điểm của mùa khô, trong phần diện tích của HTX có nhiều khu vực rừng ở cấp báo động cháy. Khi ấy, các anh em trong tổ chia nhau canh giữ, nhất là diện tích thuộc về phần đất của cá nhân nào thì cá nhân đó chủ động theo dõi và báo với anh em ngay lập tức khi có tình huống xấu xảy ra”. Để chủ động trong phòng tránh cháy rừng kịp thời, hầu hết các xã viên tự trang bị máy bơm, như nhà ông Thưa cũng trang bị 2 máy bơm và một máy của HTX luôn trong tư thế chủ động hỗ trợ xã viên.

Toàn xã có hơn 3.800ha diện tích trồng rừng. Công tác phòng chống cháy rừng mùa khô luôn được địa phương đặc biệt quan tâm. Phó Chủ tịch UBND xã Nguyễn Hồng Biên cho biết: “Hàng năm, xã vận động nhân dân trồng lại rừng sau khai thác, đảm bảo duy trì và bảo vệ tốt vốn rừng hiện có. Đặc biệt, bảo vệ rừng phải gắn với phòng chống cháy rừng, chú trọng tuyên truyền để nâng cao ý thức người dân trong việc bảo vệ rừng vào mùa khô”. Nhờ vậy, trong nhiều năm trở lại đây, trên địa bàn xã không xảy ra vụ cháy rừng hay lấn chiếm rừng, tình trạng khai thác rừng bừa bãi cũng giảm đáng kể.

Anh Phạm Văn Nha cho biết, khoản thu nhập hơn 100 ngàn đồng/ngày từ nguồn lợi dưới tán rừng đã giúp kinh tế gia đình ổn định.

…sẽ được hưởng lợi từ rừng

Hai huyện Trần Văn Thời và U Minh từng được mệnh danh là “cái nôi” của cá đồng, nhưng trong nhiều năm trở lại đây, nguồn lợi cá đồng bị cạn kiệt, nguyên nhân là do người dân khai thác tận diệt.

Trước thực tế đó, HTX 19/5 đề ra quy định cho từng xã viên, bắt đầu từ đầu tháng 4 (âm lịch), tất cả các xã viên không được vào rừng đánh bắt cá, bởi đây là thời điểm cá về mương, đìa để chuẩn bị sinh sản. Đến đầu tháng 10 (âm lịch), các xã viên mới được khai thác lại, nhưng chỉ khai thác bằng cách giăng lưới thưa (lưới 5 phân). Ông Thưa cho biết: “Nếu xã viên nào không tuân thủ thì sẽ bị kiểm điểm và cho ra khỏi HTX hoặc không cho hành nghề đánh bắt nữa. Còn đối với người ngoài vào HTX đánh bắt, thì sẽ bị tịch thu toàn bộ dụng cụ đánh bắt và bắt ký cam kết”. Theo ông, khai thác theo kiểu tận diệt thì chỉ có cái lợi trước mắt chứ không còn nguồn thu lâu dài, những hộ dân dưới tán rừng muốn “sống được” thì phải biết lấy ngắn nuôi dài. Như ông cho biết, với hơn 1,5ha diện tích trồng tràm, mỗi năm gia đình ông thu về hơn 100 triệu đồng tiền bán cá đồng và mật ong.

Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn tình trạng hễ cứ vào mùa cá lên, người đi đường lại bắt gặp hình ảnh người dân ngồi dọc theo tuyến lộ liên huyện U Minh – Cà Mau để bán cá non. Ông Biên cho biết: “Xã đã thành lập nhiều đoàn công tác để kiểm tra, tuyên truyền vận động người dân ký cam kết không khai thác và bán cá non, nhưng lực lượng vừa đi khỏi thì người dân tiếp tục bày bán. Thiết nghĩ, ngành chức năng cần có nhiều biện pháp chế tài đủ sức răn đe thì việc bảo vệ nguồn lợi cá đồng mới thực sự hiệu quả”.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *