Hướng đi nào cho trí thức trẻ?

Khi về địa phương, hầu hết các trí thức trẻ luôn phấn đấu cống hiến hết mình vì sự phát triển của quê hương.

Chỉ còn hơn 3 tháng nữa là kết thúc hợp đồng lao động, trí thức trẻ Lê Thị Tuyết Chi, Phó Bí thư Đoàn thị trấn Cái Đôi Vàm (huyện Phú Tân) hiện vẫn chưa biết mình sẽ về đâu khi chấm dứt hợp đồng. Là một trong 197 trí thức trẻ của Đề án 01 ngày 4/5/2012 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tuyển dụng, đào tạo trí thức trẻ của tỉnh về công tác ở xã, thị trấn, Chi được phân công về công tác tại UBND thị trấn Cái Đôi Vàm. Bên cạnh niềm vui thì Chi cũng gặp không ít bỡ ngỡ với công việc đầu tiên sau khi ra trường.

Những bỡ ngỡ, rụt rè dần qua, thay vào đó là sự năng động và đầy nhiệt huyết của tuổi trẻ, ham học hỏi và chủ động trong mọi công việc được giao. Hiện Chi biết vận dụng những kinh nghiệm, kiến thức thực tế để giúp đỡ, vận động nhiều đoàn viên tham gia vào tổ chức hội, xây dựng cuộc sống ngày càng ổn định, góp phần phát triển kinh tế địa phương.

Tuy được lãnh đạo địa phương đánh giá rất cao về hiệu quả công tác cũng như năng lực làm việc, nhưng trí thức trẻ Phạm Thị Bích Phượng, phụ trách tiếp nhận và trả kết quả tại Bộ phận một cửa UBND xã Trần Hợi (huyện Trần Văn Thời), đang rất hoang mang khi thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động đang đến gần. Phượng bộc bạch: “Ban đầu tôi có nhiều lo lắng vì công việc mới, dù có kinh nghiệm về nuôi trồng thủy sản nhưng khi về đây công tác thì phụ trách thêm mảng chăn nuôi, kiến thức chỉ mới học được trên sách vở. Sau thời gian công tác, được sự hướng dẫn, giúp đỡ của anh chị đồng nghiệp trong cơ quan, tôi quen dần công việc và được sắp trực ở bộ phận tiếp nhận và trả kết quả, tôi càng yêu công việc của mình hơn”. Phó Chủ tịch UBND xã Trần Hợi, ông Trần Vững chia sẻ: “Trước đây, xã dự định sử dụng lâu dài cán bộ trí thức trẻ, nên ngoài việc hướng dẫn công việc thì địa phương cũng đã tạo điều kiện cho trí thức trẻ theo học các lớp chính trị để bồi dưỡng thêm kiến thức. Trong quá trình làm việc tại xã, Phượng đã thể hiện được năng lực trong khâu tiếp nhận và trả kết quả, làm việc rất nền nếp. Giờ kết thúc hợp đồng, thì rất tiếc cho địa phương”.

Với các trí thức trẻ như Tuyết Chi, Bích Phượng được đóng góp và cống hiến một phần sức lực cho địa phương là điều mà các bạn mong mỏi, bởi vì họ luôn trăn trở vì sự phát triển của quê hương, muốn góp một phần công sức để nâng cao cuộc sống của người dân.

Theo đánh giá của ngành chức năng, nhìn chung, trí thức trẻ phát huy tốt năng lực chuyên môn, tham mưu đề xuất lãnh đạo cấp ủy, UBND cấp xã trong chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo quốc phòng – an ninh, xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở. Theo kết quả đánh giá xếp loại trong năm 2018, có 10 trí thức trẻ được đánh giá xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; 73 trí thức trẻ hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Hoàn thành tốt nhiệm vụ là thế, nhưng hiện nay điều mà phần đông trí thức trẻ trăn trở là đề án chuẩn bị kết thúc đợt 3 vào đầu năm 2020; tâm trạng thấp thỏm, lo lắng không biết đi đâu, về đâu khi địa phương không sắp xếp được vị trí việc làm?

Bởi theo hợp đồng của trí thức trẻ có thời hạn 5 năm công tác tại cơ sở, bản thân các trí thức trẻ nếu được địa phương bổ nhiệm vào hai chức danh: Phó Chủ tịch UBND xã và Phó Bí thư Đảng ủy hoặc được bổ nhiệm vào các chức danh chủ chốt của xã (công chức cấp xã) thì sẽ được địa phương giữ lại công tác lâu dài. Ngược lại, ngành chức năng sẽ chấm dứt hợp đồng với trí thức đó. Về vấn đề này, ông Vững chia sẻ: “Việc đưa tri thức trẻ về địa phương thực sự là làn gió mới, đã mang lại hiệu quả cao; nhưng giờ sắp hết thời gian của đề án, chính quyền địa phương muốn giữ lại cũng khó. Bởi hiện nay thực hiện chủ trương tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy thì việc sắp xếp công việc cho các trí thức trẻ này là vô cùng khó khăn”.

Ông Huỳnh Ngọc Sang, Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh: “Hiện các cấp, ngành tỉnh đã làm hết trách nhiệm. Thời gian qua, tỉnh đã quan tâm tới lực lượng trí thức trẻ, tạo điều kiện cho các em về địa phương. Điều này giúp cho các em có kinh nghiệm thực tiễn để vào làm việc tại nhiều cơ quan, công ty khác, không nhất thiết là môi trường cơ quan nhà nước”.

Cái khó ở đây là sau 5 năm công tác, tuổi đời của các trí thức trẻ không còn đủ “trẻ” để tiếp tục bươn chải tìm việc. Thực tế đã qua, nhiều trí thức trẻ sau khi chấm dứt hợp đồng, tự mình chạy đôn chạy đáo tìm việc; cũng có người vì chán nản mà chọn cách “về vườn làm nông dân”. Những kiến thức đã học, những kinh nghiệm tích cóp được sau gần ấy năm công tác đã không có “đất dụng võ”.

Thực hiện Đề án 01 của Tỉnh ủy, Sở Nội vụ đã ký hợp đồng và đưa 197 trí thức trẻ về xã, phường, thị trấn công tác. Cụ thể, đợt 1 gồm 64 trí thức; đợt 2 gồm 32 trí thức và đợt 3 gồm 101 trí thức. Trong số này có 36 trí thức trẻ được tuyển dụng công chức, 1 trí thức trẻ giữ chức vụ cán bộ xã, 76 trí thức trẻ chấm dứt hợp đồng lao động. Hiện tại, còn 84 trí thức trẻ đang công tác ở xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *