Kết nối giao thương giữa đồng bằng ven biển và cao nguyên

Doanh nghiệp hai bên tiến hành ký kết hợp tác trước sự chứng kiến của đại diện lãnh đạo hai tỉnh Cà Mau và Lâm Đồng.

Đa dạng sản phẩm đặc trưng vùng rừng ngập, sông nước

Mặc dù ở xa các trung tâm kinh tế lớn nhưng hoạt động thương mại trên địa bàn tỉnh Cà Mau diễn ra khá sôi động, mạng lưới thương mại bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng hàng hóa ngày càng mở rộng về quy mô, phân phối đa dạng. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 8 siêu thị và trung tâm thương mại, 23 cửa hàng tiện lợi và 72 chợ. Năm 2019, tổng mức lưu chuyển hàng hóa đạt 118.167 tỷ đồng, tổng mức bán lẻ hàng hóa – doanh thu dịch vụ đạt 62.397 tỷ đồng, kim ngạch xuất khẩu đạt 1.168 triệu USD.

Ngoài mặt hàng tôm đã trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, chủ lực của tỉnh, xuất khẩu đến hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, Cà Mau còn ưu tiên phát triển, nâng tầm con cua biển Cà Mau vốn nổi danh lâu nay. Hiện tổng diện tích cua biển được thả nuôi xen ghép với tôm và các đối tượng thủy sản khác khoảng 250.000ha, sản lượng khoảng 20.000 tấn/năm; đã xuất khẩu sang một số thị trường lân cận: Campuchia, Thái Lan…

Theo hệ sinh thái đa dạng, vùng ngọt và lợ Cà Mau nuôi trồng những nông sản chất lượng, phải kể đến giống lúa trứ danh mang thương hiệu gạo sạch từ dòng ST24, với tổng sản lượng hàng năm khoảng 530.000 tấn. Cùng với đó là 68.156ha rừng trồng kinh tế từ tràm và keo lai lấy gỗ. Cà Mau còn được biết đến là địa phương có vùng trồng chuối đứng thứ 2 khu vực ĐBSCL, với diện tích hơn 5.500ha, sản lượng chuối hàng năm cung cấp cho thị trường trên 100.000 tấn. Giống chuối được trồng chủ yếu là chuối xiêm và chuối già Nam Mỹ.

“Nhiều sản phẩm được chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh, cấp khu vực và cấp quốc gia: Tôm khô Kim Thảo, tôm chà bông của Hợp tác xã Tân Phát Lợi, nước mắm Mạch Long; các sản phẩm có chứng nhận nhãn hiệu tập thể: Khô bổi U Minh, mật ong U Minh Hạ, cua Năm Căn, tôm khô Rạch Gốc… Ngoài ra, Cà Mau còn nhiều sản phẩm rất được thị trường ưa chuộng: Bánh phồng tôm, mắm, khô các loại, ba khía Rạch Gốc, dưa bồn bồn Cái Nước, đang dần xây dựng và phát triển thương hiệu…”, bà Trương Hà Phương Anh quảng bá tại Hội nghị. 

Sản phẩm hàng hóa của Cà Mau được chế biến từ thủy sản mang tính đặc thù, được trưng bày, giới thiệu đến các doanh nghiệp tỉnh Lâm Đồng.

Sản phẩm kết tinh kỳ diệu từ đất lành

Đối với tỉnh Lâm Đồng, đây là địa phương có diện tích chè lớn nhất Việt Nam, có diện tích cây cà phê đứng thứ 2 Việt Nam và có tổng diện tích sản xuất nông nghiệp công nghệ cao là 57.714ha, chiếm 18,28% diện tích canh tác. Rau các loại 64.559ha (trong đó, diện tích sản xuất công nghệ cao 23.700ha), sản lượng thu hoạch 2,19 triệu tấn/năm. Cụ thể, cây hoa 8.634ha (trong đó, diện tích sản xuất công nghệ cao 2.500ha), sản lượng thu hoạch 2,9 tỷ cành; cây chè 11.113ha, sản lượng thu hoạch chè búp tươi 134.583,6 tấn/năm; cây cà phê 175.663ha, sản lượng thu hoạch 499.552,5 tấn/năm.

Lâm Đồng được biết đến là địa phương đi đầu trong cả nước về áp dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp. Các sản phẩm nông nghiệp của Lâm Đồng đã và đang được người tiêu dùng trong và ngoài nước biết đến với thương hiệu: “Đà Lạt – Kết tinh kỳ diệu từ đất lành” nhằm thúc đẩy các mặt hàng nông sản chủ lực của địa phương phát triển, thu hút du khách với sứ mệnh, mang những điều kỳ diệu kết tinh từ miền đất đặc biệt đến với mọi người. Đến nay, tỉnh Lâm Đồng đã có nhiều sản phẩm được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận chất lượng sản phẩm: Rau Đà Lạt, hoa Đà Lạt, trà B’Lao, cà phê Di Linh, cà phê Arabica Langbiang, chuối Laba, rượu cần Langbiang, bánh tráng Lạc Lâm, cá nước lạnh, mây tre Madagui, lúa gạo Cát Tiên…

Tại Hội nghị, các doanh nghiệp hai địa phương trao đổi, nắm bắt thông tin về hàng hóa, sản xuất, gợi mở hợp tác cùng phát triển.

Tại Hội nghị, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư và Hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Cà Mau (iPEC) và Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Lâm Đồng (TIPC) ký biên bản ghi nhớ hợp tác, tạo cầu nối cho doanh nghiệp giữa hai địa phương trao đổi, nắm bắt thông tin về hàng hóa, thị trường, cung ứng sản phẩm…, giúp các doanh nghiệp hai tỉnh phân phối hàng hóa được thuận tiện, hiệu quả. Cũng tại Hội nghị, đã có 14 biên bản hợp tác được ký kết giữa các doanh nghiệp hai địa phương. Đây là thành công bước đầu, tạo cầu nối để hàng hóa hai nơi ra mắt thị trường, đáp ứng nhu cầu, giúp người tiêu dùng có được sự lựa chọn hàng hóa… Ông Quách Văn Ấn, Giám đốc iPEC, cho rằng việc quảng bá, cung ứng hàng hóa giữa hai tỉnh không chỉ mang tính chất kinh tế, mà còn là thu hút du lịch, đầu tư, giới thiệu về vùng đất, con người Cà Mau với bạn bè khắp nơi tìm về trải nghiệm, khám khá, tìm cơ hội đầu tư, hợp tác cùng phát triển.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *