Khánh Hòa mỏi mòn chờ nước sạch

Chia sẻ của anh Nhật cũng là nỗi lo chung của nhiều bà con xã Khánh Hòa (huyện U Minh). Toàn xã có hơn 250 hộ dân thuộc tuyến Lung Ngang của Ấp 2 và kênh Tuyến 2 của Ấp 5 hiện đang thiếu nước sạch sinh hoạt nhiều năm nay. Bà con nơi này vẫn phải sử dụng nước phèn để phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày. Phó Chủ tịch UBND xã, ông Phạm Hồng Ngự cho biết: “Bà con phải sống trong cảnh thiếu nước từ nhiều năm nay rồi. Toàn bộ bà con sinh sống trên tuyến kênh Lung Ngang, không nhà nào cây nước sử dụng được, vì nước giếng bơm lên có vị mặn và phèn. Còn ở những vùng khác, nước giếng khoan vẫn ngọt bình thường”.

Với chiều dài 6km, tuyến Lung Ngang là một trong những tuyến “khát” nước sạch sinh hoạt nhiều năm qua. Toàn ấp có 239 hộ dân nhưng có tới hơn 204 hộ phải sử dụng nước giếng khoan nhiễm phèn mặn. Thiếu nước sạch sinh hoạt trên địa bàn Ấp 2 là thực trạng trăn trở nhiều năm qua của địa phương, gây khó khăn trong sinh hoạt, đời sống và phát triển kinh tế của bà con tại đây.

Gặp hộ ông Quách Văn Khén vào buổi trưa oi ả, gắn bó với vùng đất này gần trọn cuộc đời, ông Khén cho biết: “Riết rồi cũng quen! Hồi trước ở đây mình xài nước ao, rồi chuyển dịch, đưa nước mặn về, người dân đua nhau khoan giếng, có giếng nước thì xài nhưng nước ở đây không uống được, chỉ có tắm, giặt, mà giặt đồ tốn xà bông dữ lắm…”.

Dù đã trưng dụng hết các vật dụng trong nhà để chứa nước mưa, nhưng đa số hộ dân tuyến này vẫn chịu cảnh thiếu nước, do nhu cầu sử dụng cao.

Thời điểm năm 1981, người dân trên tuyến Lung Ngang của Ấp 2 thường dùng nước từ các ao đìa nước ngọt, nhưng từ khi chuyển dịch cơ cấu kinh tế năm 2000, nguồn nước ở đây nhiễm phèn mặn, người dân không còn cách nào khác, đành phải chịu sống chung với… nước phèn.

Để có nước sạch sử dụng, gia đình ông Khén trang bị rất nhiều lu, khạp để chứa nước mưa. Nhưng nước mưa dự trữ cũng chỉ để dành nấu ăn – uống, còn nước sinh hoạt, tắm gội thì vẫn thiếu. Những năm trước, mùa mưa về sớm, gia đình ông có đủ nước sinh hoạt nhưng năm nay hạn kéo dài, dù đã trang bị dụng cụ chứa nước, nhưng gia đình ông vẫn gặp cảnh thiếu nước sử dụng. Vật dụng thì có hạn, nhu cầu sử dụng lại lớn nên có nhiều hộ dân buộc phải sử dụng nước bơm đã qua lọc cho nấu ăn, uống. Vấn đề này lại đặt ra bài toán khó đối với nhiều hộ nghèo và cận nghèo trên địa bàn ấp. Số tiền hàng tháng từ 70 – 100 ngàn đồng cho việc đổi nước lọc để ăn uống là gánh nặng không hề nhỏ với những hộ còn khó khăn này.

Anh Phạm Phong Phú, cán bộ Địa chính – Xây dựng nông thôn xã: “Như ông Khén là có điều kiện trang bị dụng cụ chứa nước, còn những hộ nghèo, khó khăn thì đành phải “tới đâu tính tới đó”. Hằng ngày, các hộ này phải “đổi nước” từ các ghe hàng trên sông, hay các tiệm tạp hóa. Một bình nước 24 lít có giá 14 ngàn đồng. Nhà nào ít người thì dùng được vài ngày, còn đông thì chỉ phục vụ cho ăn uống thôi cũng 2 ngày là hết 1 bình”.

Không có nguồn nước ngọt sử dụng, không chỉ canh cánh về nỗi lo ảnh hưởng sức khỏe mà còn khiến người dân không thể tăng gia trồng trọt hay chăn nuôi. Muốn tiết kiệm chi phí sinh hoạt gia đình, người dân ở Ấp 2 phải chờ đến mùa mưa.

Phương án khoan giếng, đã có những hộ “tức mình”, thuê đội khoan sâu hơn 250m mà nước vẫn mặn, nên ở đây đa phần người dân khoan giếng sâu khoảng hơn 80m là lấy nước dùng “đại”, dù nước không ngọt. Ông Khén cho biết bà con nơi đây chẳng mong gì hơn là có nước hợp vệ sinh để sinh hoạt, để trẻ con không còn bị vị phèn chua bám lấy quanh năm, nhưng điều ước ấy khó mà thành hiện thực.

Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới đã làm thay đổi diện mạo nông thôn, đời sống người dân từng bước được nâng cao. Bên cạnh đó vẫn còn một số nơi thiếu nước sạch sinh hoạt, gây khó khăn trong đời sống cũng như phát triển kinh tế của người dân.

Ông Phạm Hồng Ngự cho biết vấn đề này đã được báo cáo với huyện và ngành chuyên môn. Để người dân nơi đây có cuộc sống ổn định, yên tâm sinh hoạt, sản xuất, rất cần hơn nữa sự quan tâm, đầu tư tháo gỡ khó khăn. Thời gian qua, đã có nhiều đoàn công tác vào khảo sát nhưng sau mỗi chuyến vào lại chẳng thấy hồi âm và trên 250 hộ dân trên địa bàn xã vẫn còn sống chung với cảnh thiếu nước sạch sinh hoạt.

Tình trạng thiếu nước ngọt phục vụ sinh hoạt và sản xuất của xã Khánh Hòa ngày một nghiêm trọng, bắt đầu diễn ra từ năm 2016 đến nay. Người dân ở những tuyến này vẫn mong mỏi lắm một ngày được sử dụng nguồn nước ngọt nối mạng, đảm bảo sức khỏe cũng như phục vụ nhu cầu sản xuất.

“Nước ở đây bơm lên chỉ để rửa chén, giặt đồ thôi, chứ không nấu ăn được. Tắm cho trẻ em phải xả lại bằng nước ngọt, nếu không là bị rít, rất khó chịu. Người lớn còn chịu được chứ trẻ sẽ bị ngứa, tội lắm. Nhất là với thời tiết nắng nóng, khô hạn như hiện nay, rất cần nước tưới tiêu, rồi ngay tình hình dịch bệnh cũng phải vệ sinh, giặt giũ nhiều, nhưng trước cảnh thiếu nước, bà con phải xài thật tiết kiệm”, anh Nguyễn Minh Nhật (Ấp 2, xã Khánh Hòa, huyện U Minh) cho biết.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *