Khơi thông điểm nghẽn tái cơ cấu ngành Nông nghiệp

Tính đến hết năm 2018, diện tích keo lai đạt 9.600ha và tràm bản địa đạt 9.400ha. Hai loại cây này giúp rút ngắn chu kỳ kinh doanh, nâng cao thu nhập cho người trồng rừng.

Nền tảng ban đầu

Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của tỉnh trong 5 năm qua được thực hiện toàn diện trên các phân ngành lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, sản xuất lúa hữu cơ, khai thác, đánh bắt hải sản, chăn nuôi…

Những năm qua, tỉnh tích cực phát triển diện tích tôm hữu cơ, tôm sinh thái rừng lên 17.000ha; trong đó, diện tích tôm sinh thái rừng có chứng nhận ASC (Chứng nhận của Hội đồng Quản lý nuôi trồng thủy sản châu Âu) là 1.200ha. Dự kiến, diện tích sản xuất tôm rừng sẽ phát triển lên 19.000ha vào năm 2020, diện tích có chứng nhận ASC là 6.000ha và phát triển lên 10.000ha vào năm 2025.

Muốn thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp thành công, các sản phẩm được người dân chuyển đổi sản xuất phải có đầu ra ổn định với giá trị cao. Đây là điểm mấu chốt của thực hiện chuyển đổi cây trồng, vật nuôi trên địa bàn tỉnh. Những năm qua, bằng những mối liên kết sản xuất và tiêu thụ, những sản phẩm đặc trưng của tỉnh đã được thị trường trong nước và thế giới biết đến, điển hình như con tôm sinh thái, tôm hữu cơ. Nhiều doanh nghiệp (DN) chế biến, xuất khẩu tôm đã chung tay làm nên sự chuyển đổi tích cực này.

Tính đến cuối tháng 10/2019, toàn tỉnh đã xây dựng vùng nguyên liệu tôm lúa hữu cơ trên tổng diện tích gần 14.000ha. Trong năm 2019, đã có 22 doanh nghiệp ký kết 61 lượt hợp đồng hợp tác phát triển chuỗi giá trị ngành hàng tôm với 15 hợp tác xã, tổ hợp tác với khoảng 800 hộ dân Cà Mau. Những hợp đồng liên kết này không chỉ để cung ứng vật tư đầu vào gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm, mà còn cùng nhau xây dựng vùng nguyên liệu có chứng nhận quốc tế.

Gần đây, huyện Thới Bình đã kêu gọi DN thực hiện liên kết, triển khai sản xuất lúa hữu cơ tại các xã: Trí Lực, Thới Bình và xã Tân Lộc Bắc, thay vì sản xuất lúa gạo thông thường như trước đây. Đây được xem là mô hình sản xuất tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng, hạn chế tối đa việc sử dụng phân bón vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất lúa, hướng tới mục tiêu xây dựng thương hiệu lúa sạch Thới Bình.

Lĩnh vực lâm nghiệp, UBND tỉnh đã chỉ đạo đưa cây keo lai vào trồng tại rừng U Minh Hạ. Đối với tràm bản địa, các DN và hộ gia đình đã thực hiện chọn giống, lên liếp, chăm sóc… Tính đến hết năm 2018, diện tích keo lai đạt 9.600ha và tràm bản địa đạt 9.400ha. Nhờ ứng dụng khoa học – kỹ thuật về giống, phương pháp canh tác thâm canh, người trồng rừng tại Cà Mau đã rút ngắn được chu kỳ kinh doanh rừng tràm từ 15 – 20 năm trước đây xuống còn 6 – 8 năm và năng suất, chất lượng rừng trồng tăng lên từ 2 – 3 lần; nâng cao thu nhập cho người trồng rừng từ 70 triệu đồng/năm lên 180 triệu đồng/năm. Theo phương pháp sản xuất này, tỉnh đã có hơn 1.000ha rừng được Hội đồng Quản trị rừng thế giới cấp chứng chỉ FSC (Quản lý rừng hiệu quả). Thời gian tới, ngành Nông nghiệp tỉnh Cà Mau tiếp tục xây dựng phương án quản lý rừng bền vững để tăng diện tích rừng đạt chứng chỉ FSC lên 6.000ha.

Tỉnh Cà Mau tập trung phát huy hiệu quả và chất lượng hạt gạo Cà Mau.

Đồng bộ giải pháp

Thời gian qua, tỉnh đã nỗ lực hoàn thiện các chương trình tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của tỉnh, tuy nhiên bên cạnh kết quả đạt được, ngành Nông nghiệp Cà Mau vẫn còn những khó khăn: Công tác quy hoạch hiện vẫn còn chậm, chưa khai thác hết tiềm năng sẵn có; kết cấu hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho phát triển sản xuất chưa đáp ứng được yêu cầu chuyển đổi và xây dựng vùng sản xuất tập trung quy mô lớn, điển hình như hệ thống thủy lợi hiện nay vẫn thiếu đồng bộ; khả năng huy động các nguồn vốn tín dụng phục vụ sản xuất còn thấp; công tác tổ chức còn manh mún, việc ứng dụng khoa học – kỹ thuật vào sản xuất thực tế vẫn còn hạn chế.

Ông Châu Công Bằng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận định, thời gian qua ngành Nông nghiệp tỉnh dù có lợi thế nhưng vẫn chưa khai thác hết tiềm năng vốn có. Vì vậy, để khắc phục những hạn chế, tỉnh đã có những chính sách hỗ trợ DN đầu tư vùng nguyên liệu chất lượng trên địa bàn tỉnh, tạo điều kiện cho người sản xuất “gặp gỡ” DN thu mua, chế biến, xuất khẩu, để sản phẩm lưu thông tốt. Đồng thời, tỉnh cũng đã xây dựng 13 nhãn hiệu tập thể hàng hóa cho các sản phẩm đặc thù của địa phương; đang hướng đến xây dựng chỉ dẫn địa lý tôm sú, cua và đang xây dựng nhãn hiệu chứng nhận “Lúa sạch Thới Bình”, “Lúa sinh thái”.

Sở Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất, bổ sung quy hoạch các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thủy sản tại các huyện: Năm Căn, Ngọc Hiển, Đầm Dơi, xây dựng vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại xã Khánh Lâm (huyện U Minh)…

Thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung thực hiện nhiều giải pháp: Trích ngân sách hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi, hệ thống xử lý chất thải và công nghệ thông tin, tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất vào khâu sản xuất giống, chế biến thủy sản, nông sản và lâm sản… tăng tích lũy, tạo điều kiện phát triển kinh tế – xã hội khu vực nông thôn; trong đó, tỉnh sẽ ưu tiên phát triển hạ tầng cho 4 ngành hàng chủ lực (tôm, cua, lúa và gỗ), gắn với công nghiệp chế biến, xuất khẩu.

Ngoài ra, để mời gọi các DN đầu tư vào ngành Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tỉnh còn ban hành nhiều chính sách ưu đãi khác: Tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật, đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất, tăng cường quản lý và nâng cao chất lượng các dịch vụ cung ứng đầu vào; ưu đãi về thuế thu nhập DN, giá thuê đất… “Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với bảo vệ môi trường là hướng đi mà tỉnh đang hướng tới. Bởi ngoài mục đích phát triển bền vững cho ngành Nông nghiệp, việc gia tăng các giá trị từ nông nghiệp, có sức hút đối với thị trường quốc tế trong thời kỳ hội nhập mạnh mẽ như hiện nay đang là động lực to lớn thúc đẩy nền kinh tế – xã hội tỉnh phát triển”, ông Châu Công Bằng cho biết.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *