Khúc bi tráng Mậu Thân sẽ mãi đồng hành cùng quê hương

Bí thư Tỉnh ủy Dương Thanh Bình chụp ảnh lưu niệm cùng các cô, chú tham gia Tổng tiến công mùa Xuân năm 1968.

Nửa thế kỷ trôi qua, nhiều tài liệu và nhân chứng trong cuộc đều khẳng định rằng, cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 là một trong những bước ngoặt, một tất yếu lịch sử và là một thắng lợi to lớn của cách mạng miền Nam, tạo tiền đề cho Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975. Ở đó, làm lấp lánh thêm lòng yêu nước, tinh thần chấp hành mệnh lệnh, sự dũng cảm tuyệt vời của những người con Cà Mau.

Ông Đào Hồng Hải, nguyên Trưởng ban Kỹ thuật Xưởng quân giới Cà Mau, hồi nhớ lại nhiệm vụ gian khó thời chiến.

Cà Mau đã cùng miền Nam đồng loạt tấn công táo bạo, dũng mãnh đánh vào sào huyệt của kẻ thù. Đại tá Lê Trung Tính (Tám Tính), nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn U Minh 2, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Minh Hải, hồi nhớ: Các đơn vị chủ lực ngày ấy có Tiểu đoàn U Minh 2, Tiểu đoàn U Minh 3 và 3 đại đội của lực lượng vũ trang thị xã Cà Mau. Đợt 1, bắt đầu từ đêm 30 rạng ngày 31/1/1968 (đêm giao thừa Tết Mậu Thân), đánh vào sở chỉ huy của ngụy đóng gần chùa Phật Tổ; Tiểu đoàn U Minh 3 đánh chiếm Tòa hành chính, Tiểu khu và Dinh tỉnh trưởng. Đợt 2 diễn ra đêm ngày 4 rạng sáng 5/3/1968, đánh từ hướng kinh Rạch Rập ra chiếm tuyến lộ cầu Gành Hào – Thạnh Phú. Còn các huyện thì chỉ đạo lực lượng tập kích vào chi khu, đồn bót nhằm tiêu hao, tiêu diệt từng bộ phận sinh lực địch, đánh tan bộ máy chính quyền cơ sở địch, hỗ trợ quần chúng đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền.

Trước vận mệnh cấp bách, những người con Cà Mau khao khát được hòa bình, thống nhất đều chấp hành nghiêm mệnh lệnh chiến đấu và đinh ninh rằng sẽ được giải phóng, sẽ có cái tết thật sự đoàn viên, sum họp. Biết bao câu chuyện cảm động giữa mùa xuân chiến trường năm ấy, đó là quyết tâm của cố Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Đáng (Tư Hườn) luôn theo sát đoàn quân ra trận, ba tháng không hớt tóc, đợi chừng nào đánh giặc xong mới hớt; hay tinh thần lạc quan của bộ đội ta động viên nhau đánh trận này sẽ không còn giặc để đánh, đánh giặc rồi ra thị xã ăn tết lớn…

Mỗi người mỗi nhiệm vụ, song đều không ngại khó, không ngại hy sinh, quyết tâm giải phóng quê hương. Nhiều tấm gương cán bộ, chiến sĩ dũng cảm trong chiến đấu như liệt sĩ Nguyễn Hữu Lễ, liệt sĩ Võ Văn Hóa, liệt sĩ Phan Anh Đào… Tên tuổi và chiến công của các anh mãi mãi gắn liền với quê hương, đất nước. Nhiều đơn vị chấp hành nghiêm mệnh lệnh, khắc phục mọi khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ; các trạm, xưởng quân giới của tỉnh ngày đêm tập trung sản xuất vũ khí cung cấp kịp thời cho tiền tuyến.

Bí thư Tỉnh ủy Dương Thanh Bình bày tỏ tri ân đến những tấm gương đã cống hiến xương máu, tài sản, tình cảm cho hòa bình.

Ông Đào Hồng Hải, nguyên Trưởng ban Kỹ thuật Xưởng quân giới Cà Mau, bộc bạch: “Hầu hết anh em trong xưởng đều xuất thân từ nông dân, vì lòng yêu nước, họ đầu quân vào xưởng cầm búa, cầm cưa làm ra vũ khí để đánh giặc. Năm 1965, tỉnh chỉ thị đặt xưởng quân giới Cà Mau trong rừng Năm Căn, để sản xuất vũ khí chuẩn bị cho tổng tiến công Tết Mậu Thân. Con đường vận chuyển các nguyên hóa liệu cũng như lương thực thực phẩm phải luồn rừng, vượt bom đạn, có lúc anh em phải cất nước để uống, độn rau để ăn, nhưng ý chí không nản”. Suốt 15 năm, từ khi thành lập đến giải phóng, xưởng có trên 100 sáng kiến, cải tiến kỹ thuật; từ sáng kiến, cải tiến dụng cụ chuyên dùng, sáng kiến các loại hóa chất thay thế, đến chế tạo, cải tiến các loại vũ khí theo yêu cầu chiến đấu.

Đại tá Lê Trung Tính (Tám Tính), nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn U Minh 2: “Trong khí thế hừng hực của cách mạng miền Nam, ngày ấy quân và dân Cà Mau như thấy hòa bình, thống nhất đang đến thật gần”.

Năm 1968, Cà Mau giải phóng được cơ bản huyện Duyên Hải (huyện Ngọc Hiển bây giờ), là huyện được giải phóng đầu tiên của miền Tây; đồng thời mở rộng được vùng ven và giữ vững được vùng giải phóng cách mạng, tạo nên thế và lực tại chỗ để đánh địch trên chiến trường trong tỉnh. Tuy nhiên cái giá của chiến thắng phải trả thật đắt. Gặp nhau, nhớ về những đồng đội đã nằm xuống vì độc lập, tự do, ông Nguyễn Thanh (Tư Thanh), nguyên Giám đốc Công an tỉnh Minh Hải, nghẹn ngào: Ý chí tiến công ngày ấy hừng hực, dù chứng kiến bao đồng đội hy sinh nhưng quân, dân ta vẫn không lùi bước, tinh thần ấy cần được tiếp nối trong lực lượng vũ trang hôm nay và thế hệ trẻ để cùng tự hào truyền thống, sống có lý tưởng, có bản lĩnh.

Bí thư Tỉnh ủy Dương Thanh Bình bày tỏ: Những người trực tiếp tham gia cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 là những tấm gương đã cống hiến xương máu, tài sản, tình cảm của mình, để chúng ta có được ngày hôm nay. Tấm gương anh hùng của các liệt sĩ, đồng bào vẫn nhắc nhở chúng ta, để rút bài học lịch sử, để ngày hôm nay phát triển xứng đáng với sự hy sinh ấy. Khúc bi tráng Mậu Thân sẽ mãi đồng hành cùng Đảng bộ, quân và dân Cà Mau trong công cuộc xây dựng quê hương văn minh, giàu đẹp.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *