Kinh tế hợp tác – hạt nhân của chuỗi giá trị

Hợp tác xã nghêu ở Đất Mũi hiện có gần 2.000 xã viên, chia làm 11 tổ nuôi nghêu với vốn điều lệ 500 triệu đồng/tổ, mỗi xã viên thu nhập khoảng150 triệu đồng/vụ nuôi.

VÌ MỤC TIÊU CHUNG

Sản xuất, tiêu thụ nông sản ổn định và bền vững theo cách tiếp cận chuỗi giá trị là sản xuất theo yêu cầu thị trường về số lượng và chất lượng với giá cạnh tranh. Điều tiên quyết là phải nghiên cứu thị trường, từ đó xây dựng kế hoạch sản xuất cho phù hợp với nhu cầu. Giải pháp cốt lõi trong xây dựng lại kế hoạch sản xuất theo yêu cầu thị trường là liên kết ngang (liên kết giữa nông dân với nông dân; nông dân với tổ hợp tác (THT), hợp tác xã (HTX), câu lạc bộ…); và liên kết dọc (giữa công ty cung cấp đầu vào, công ty tiêu thụ sản phẩm với nông dân, THT, HTX). Các liên kết này sẽ tạo ra chi phí sản xuất thấp, chất lượng sản phẩm vẫn được đảm bảo, sản phẩm tiêu thụ ra thị trường đảm bảo giá cao, đem lại lợi nhuận cao hơn cho nông dân. Về phía các doanh nghiệp cũng tạo được vùng nguyên liệu ổn định trong quá trình sản xuất kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm một cách lâu dài và bền vững.

Hiện nay, các dự án quốc tế đang rất quan tâm đầu tư phát triển các liên kết nông dân – doanh nghiệp. Đây được xem là cách làm duy nhất để tiếp cận chuỗi giá trị, để đưa sản phẩm ra thị trường ổn định và bền vững nhất. Việc làm cấp bách là tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo cách tiếp cận chuỗi giá trị. Cần quan tâm, hỗ trợ, tìm kiếm và khuyến khích các doanh nghiệp xây dựng vùng nguyên liệu cho sản phẩm nông nghiệp của địa phương; hướng nông dân thói quen sản xuất theo yêu cầu của thị trường và hình thành thói quen sản xuất nông nghiệp tốt trong tương lai. “Mục đích cuối cùng vẫn là giúp nông dân ổn định sinh kế; phát triển và thay đổi diện mạo kinh tế nông thôn. Thực hiện chuỗi liên kết theo quan điểm “tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững” là một xu thế tất yếu nhằm giúp bà con nông dân thông qua tổ chức đại diện mình là THT, HTX, câu lạc bộ nâng cao năng lực về tổ chức, giảm chi phí sản xuất, giao dịch, tạo ra sản phẩm có sức cạnh tranh cao, ổn định kênh cung ứng, tiêu thụ sản phẩm và mang lại lợi ích hài hòa cho các bên tham gia”, ông Phùng Sơn Kiệt, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh, nhấn mạnh.

Tổng diện tích đất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh hơn 462.923ha. Từ năm 2012 – 2015, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT;) đã triển khai thực hiện Cánh đồng mẫu lớn tại 39 điểm trên địa bàn 18 xã thuộc các huyện: Thới Bình, U Minh, Trần Văn Thời, Cái Nước và TP. Cà Mau; quy mô diện tích 8.567ha, với sự tham gia của hơn 7.000 hộ dân. Đồng thời thực hiện mô hình liên kết “4 nhà” với diện tích 946ha, có 750 nông dân tham gia .

Khi tham gia chuỗi giá trị sản xuất, nông dân sẽ bớt nỗi lo tư thương ép giá khi thu hoạch vụ mùa.

BỀN VỮNG TỪ KINH TẾ HỢP TÁC

Hiện trên địa bàn tỉnh có 111 HTX nông nghiệp đang hoạt động, chủ yếu là các HTX sản xuất tôm giống và nuôi trồng thủy sản. Nhiều HTX đã thực sự mang lại hiệu quả cao trong quá trình hoạt động, đời sống của xã viên ngày càng ổn định. Điển hình là HTX nghêu ở Đất Mũi, hiện có gần 2.000 xã viên, chia làm 11 tổ với vốn điều lệ 500 triệu đồng/tổ. Thu nhập 150 triệu đồng/xã viên/vụ nuôi.

HTX Thành Công ở xã Hàng Vịnh (huyện Năm Căn) thực hiện các dịch vụ sản xuất tôm giống và xây dựng thương hiệu để cung cấp cho thị trường: Bánh phồng tôm, tôm khô và mắm tôm. HTX Minh Hà A (xã Khánh Bình Đông, huyện Trần Văn Thời) liên kết với Công ty Bảo vệ thực vật An Giang thực hiện mô hình sản xuất lúa cao sản khép kín với quy mô 150ha, trong đó Công ty cung cấp toàn bộ giống, vật tư và thu mua hết sản lượng; sau tổng kết, hiệu quả mô hình mang lại rất thiết thực, giảm được chi phí giá thành sản phẩm, giá bán nông sản cao hơn bên ngoài từ 300 – 500 đồng/kg lúa; hiện HTX mở rộng dịch vụ cung ứng giống, vật tư cho các thành viên và nông dân trên địa bàn.

HTX rau màu Lý Văn Lâm (xã Lý Văn Lâm, TP. Cà Mau) được chọn làm mô hình thí điểm sản xuất rau an toàn và đã được Nhà nước hỗ trợ. Hiện nay, số vốn huy động của HTX được đầu tư xây dựng trụ sở, mua máy xử lý rau sạch và xây dựng ki-ốt bán các mặt hàng rau sạch do HTX sản xuất; riêng vùng trồng rau được thực hiện theo tiêu chuẩn VietGAP.

Tuy vậy, khó khăn hiện nay của việc phát triển kinh tế hợp tác vẫn còn khá lớn, vô hình trung làm “gián đoạn” chuỗi sản xuất giá trị. Doanh nghiệp không thường xuyên ký kết hợp đồng thu mua, tiêu thụ sản phẩm cho nông dân mà đa phần người dân buôn bán với thương lái bên ngoài, nên tình trạng ép giá vẫn còn diễn ra thường xuyên. Bên cạnh đó, tại thời điểm thu mua sản phẩm, nông dân không tuân thủ các điều khoản đã ký kết trước đó mà phá vỡ hợp đồng bán sản phẩm ra bên ngoài cho thương lái.

Hiệu quả của mô hình kinh tế tập thể dần phát huy trong việc xây dựng những vùng chuyên sản xuất lúa cao sản.

Nông dân vẫn còn tập quán sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất trong nuôi tôm và vẫn chưa tuân thủ theo khuyến cáo của cán bộ khuyến nông, khuyến ngư. Một phần do trình độ người nông dân không đồng đều nên việc tiếp thu khoa học – kỹ thuật còn hạn chế, việc ghi chép sổ tay sản xuất lúa theo VietGAP chưa được quan tâm, việc ghi chép chưa đầy đủ, chưa chính xác. Đa phần số HTX, THT khi thành lập chưa hội đủ các điều kiện để hoạt động (thiếu nhân sự, không huy động đủ vốn điều lệ, thiếu cơ sở vật chất để hoạt động; năng lực quản lý, điều hành còn nhiều yếu kém…).

Khó khăn nội tại và cơ bản nhất vẫn là do hội đồng quản trị, giám đốc HTX và tổ trưởng THT chủ yếu xuất thân từ nông dân, đa phần chưa qua đào tạo cơ bản về kiến thức quản lý và hoạch toán kinh tế; hoạt động chủ yếu do kinh nghiệm thực tiễn, nên thiếu tính năng động, nhạy bén về tầm nhìn chiến lược để định hướng trong sản xuất, kinh doanh dịch vụ lâu dài; việc tìm hiểu thông tin thị trường chưa được quan tâm. Hơn hết, nông dân vẫn chưa có niềm tin trọn vẹn vào hiệu quả của các mô hình HTX, THT, nên việc thành lập các HTX, THT trong Cánh đồng mẫu lớn còn gặp nhiều khó khăn. Công tác quản lý nhà nước về sản xuất nông nghiệp ở địa phương còn nhiều hạn chế; việc tiêu thụ sản phẩm còn thông qua trung gian, phá giá, gây khó khăn cho doanh nghiệp bao tiêu và tiêu thụ nông sản. Các HTX, THT khó tiếp cận vốn của Nhà nước, do không có tài sản thế chấp, vốn điều lệ rất hạn chế, trụ sở làm việc và thực hiện các giao dịch không có; do vậy, khi muốn đầu tư vào đây thì các cá nhân, tổ chức phi chính phủ… cũng “ngại” bỏ vốn vào khi chưa nhận thấy tính bền vững.

Để giải quyết khó khăn tồn tại đã qua, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Phùng Sơn Kiệt khẳng định: Phải tổ chức, chuyển đổi hoạt động theo Luật HTX năm 2012 và Nghị định 151/2007/NĐ-CP của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của THT; đồng thời chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất và tổ chức sản xuất theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn và xây dựng kế hoạch liên kết thực hiện các dịch vụ: Làm đất, thu hoạch, mua giống lúa và tôm… phục vụ thành viên và các nông dân trong vùng sản xuất.

Quan trọng hơn hết, thiết nghĩ cần xây dựng các hợp đồng, hợp tác giữa nông dân – nông dân; giữa nông dân với THT, HTX; giữa đại diện của nông dân với doanh nghiệp và các nhà khoa học. Vai trò liên kết “4 nhà” sẽ là động lực để phát triển kinh tế hợp tác, khơi thông chuỗi giá trị sản xuất.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *