Mô hình “Kinh tế 3 tầng sinh thái” ở hai vùng mặn ngọt Kỳ 2: Đa canh trên vùng đất mặn

Ông Tạ Văn Tiển, sinh sống hơn 60 năm trên vùng đất mặn ấp Kênh Ranh, xã Tam Giang Tây, là người tiên phong trong sản xuất đa cây, đa con kết hợp với hai hệ sinh thái mặn, ngọt.

Con sông Cửa Lớn suốt mấy chục năm qua là tuyến giao thông đường thủy nối Năm Căn và huyện Ngọc Hiển bằng bến phà vàm Ông Định. Năm 2015, cầu Năm Căn vượt sông Cửa Lớn nối liền tuyến đường Hồ Chí Minh chính thức được thông xe, phá thế ốc đảo hàng thế kỷ cho huyện Ngọc Hiển. Giao thông thuận tiện, hàng hóa được lưu thông dễ dàng, giúp cho người dân huyện Ngọc Hiển từng bước vươn lên.

Quyết chí làm giàu trên vùng đất mặn, với 3,5ha đất nuôi tôm, ông Trương Minh Triệu (ấp Rạch Gốc B, thị trấn Rạch Gốc) kê liếp hơn 0,5ha để trồng 170 gốc dừa; dưới tán dừa, ông trồng mía, đào ao nuôi cá nước ngọt; phần diện tích đất ngập mặn còn lại, ông trồng rừng, mặt nước nuôi cua, tôm. Từ mô hình mặn – ngọt với ba tầng sinh thái kết hợp, gia đình ông Triệu làm ăn ngày càng khấm khá. Hiện tổng thu nhập của gia đình ông hàng năm gần 300 triệu đồng. Trong đó, 0,5ha mía, bán mỗi năm trên 40 triệu đồng. Hiện nay, dừa đang trong giai đoạn cho trái, hứa hẹn mùa bội thu.

Phát triển mô hình “Kinh tế 3 tầng sinh thái” bền vững vùng mặn, cây đước đóng vai trò chủ lực; là cây giúp cho nhiều hộ nông dân tích lũy được đồng vốn lớn sau khi khai thác.

Mô hình trồng nhiều tầng sinh thái theo hình thức đa cây, đa con trên đất nhiễm phèn mặn đang được nhiều nông dân ở các địa phương trong huyện áp dụng, nhưng tùy thổ nhưỡng đất mà nông dân biết điều chỉnh trong sản xuất cho phù hợp từng loại cây, con khác nhau.

Ông Tạ Văn Tiển, là nông dân sinh sống hơn 60 năm tại ấp Kênh Ranh, xã Tam Giang Tây, cho biết: “Khi mới về đây lập nghiệp, đời sống kinh tế của người dân gặp rất nhiều khó khăn do đất ngập mặn, trũng thấp, lại gần cửa biển nên rất dễ bị ngập nước. Muốn sản xuất nông, lâm nghiệp kết hợp với hai dòng mặn ngọt được thì phải tìm cách chống ngập. Nắm bắt quy luật của thủy triều, gia đình tôi chung tay cùng với họ hàng lối xóm, cùng đắp bờ bao quanh diện tích đất, mặt tiền làm lộ giao thông nông thôn, rồi đặt cống xổ tôm có bửng ngăn mặn để điều tiết nước, tránh cho vườn cây bị ngập”.

Ngày nay, thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới, mặt đường nhiều nơi đã được bê-tông hóa, vừa chắc chắn vừa thuận tiện đi lại, nên người dân thi đua sản xuất nông nghiệp, làm giàu ngay trên vùng đất mặn, đặc biệt là mô hình “Kinh tế 3 tầng sinh thái” khá độc đáo, giúp bà con tăng thu nhập trên cùng diện tích.

Khi mới đến đây khai phá, ông Tiển bao bờ làm vuông; đào kênh, mương đắp thành bờ đê. Hai công đất vườn quanh nhà, ông Tiển kéo từng xe đất gia cố hàng chục năm trời, giờ tạo thành một mảnh vườn cao ráo ngăn được mặn, tạo nước ngọt quanh năm; 5,5ha đất ngập mặn, ông Tiển tính toán rất khoa học: 30ha trồng rừng đước, hơn 20ha mặt nước ông nuôi tôm cua; 0,2ha đất vườn giữ ngọt, ông Tiển bao lại, nuôi 4 ao cá nước ngọt, trồng đủ các loại rau màu để lấy ngắn nuôi dài.

Hệ sinh thái ngọt ngay trên vùng mặn của ông Tiển được rất nhiều người dân tham quan, học hỏi kinh nghiệm.

Ông Tiển chia sẻ: “Trong quá trình sản xuất, tôi đã tìm cho mình một mô hình rất phù hợp với thổ nhưỡng, đó là giữ ngọt trồng hoa màu, nuôi cá nước ngọt; đất ngập mặn trồng đước tạo thành rừng cho môi trường sinh thái và mặt nước nuôi tôm, cua… Mô hình “Kinh tế 3 tầng sinh thái” của tôi mang lại hiệu quả cao, mỗi năm thu hơn 200 triệu đồng và 30ha rừng hơn 10 năm tuổi đang dần đến mùa khai thác, cầm chắc 600 – 700 triệu đồng”. 

Chủ tịch Hội Nông dân xã Tam Giang Tây, ông Đặng Minh Thắng cho biết: Mô hình “Kinh tế 3 tầng sinh thái” của ông Phát, ông Tiển phát huy hiệu quả nên hầu hết người dân nơi đây học hỏi theo, phát triển mô hình sản xuất nông nghiệp trên cùng một diện tích: Tầng nước ngập mặn trồng rừng đước, nuôi thủy sản hệ sinh thái mặn và giữ ngọt trồng cây ăn trái, rau màu, ao cá”.

Nhờ “dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới” cộng với tính chịu thương chịu khó, ông Tiển và nhiều hộ dân trong xã được UBND huyện tặng bằng khen với thành tích đã áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất đạt hiệu quả cao.

Là hộ nông dân sản xuất kinh doanh tiêu biểu cấp huyện, ông Tiển còn gương mẫu đi đầu trong các phong trào đóng góp các quỹ, đặc biệt vợ chồng ông sẵn sàng giúp đỡ hộ nghèo về cách thức làm ăn, hỗ trợ cây, con giống. Mô hình sản xuất của ông đã được Hội Nông dân huyện chọn là điển hình để rút kinh nghiệm, nhân rộng trong thời gian tới”.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *