Ngành Nông nghiệp đối mặt với 4 thách thức lớn

Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Cà Mau do Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Thanh Triều chủ trì.

Duy trì đà tăng trưởng khá trong nhiều khó khăn

Báo cáo tại Hội nghị cho biết, năm 2019, dù nhiều khó khăn, thách thức nhưng ngành Nông nghiệp vẫn duy trì đà tăng trưởng khá, với tốc độ tăng GDP toàn ngành đạt 2,01%, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt hơn 41 tỷ USD. Bước sang năm 2020, ngành tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn. 2 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu giảm gần 3% so với cùng kỳ; sản xuất thủy sản duy trì tốc độ phát triển khá; tình hình bệnh dịch tả heo châu Phi được kiểm soát; cây ăn quả chủ lực cho năng suất khá cao… Hiện tình hình hạn hán và xâm nhập mặn ở miền Tây Nam Bộ diễn biến khá phức tạp.

Theo đó, trọng tâm giải pháp tập trung vào phát triển sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản, như: Điều chỉnh phù hợp về cơ cấu vụ mùa; rà soát, xây dựng và phát triển vùng kinh tế xuất khẩu chủ lực; tập trung rà soát, cơ cấu chủng loại, giống cây ăn quả; ưu tiên nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ cao vào sản xuất; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư liên kết sản xuất với nông dân…

Ngành chăn nuôi chính là cứu cánh của cả ngành Nông nghiệp

Phát biểu tại Hội nghị, ngoài đề cập thách thức từ dịch COVID-19 đã mang tính chất toàn cầu, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường phân tích cụ thể 3 thách thức lớn bao trùm ngành Nông nghiệp của Việt Nam trong thời gian tới. Đó là tính phức tạp, khó lường của khí hậu, thời tiết; hạn hán và xâm nhập mặn; dịch bệnh trên gia súc gia cầm diễn biến phức tạp.

Bộ trưởng cũng khẳng định rằng, chưa bao giờ ngành chăn nuôi có quy mô lớn như vậy, tổng đàn gia súc gia cầm đạt mức cao và kỷ lục nhất từ trước đến nay. Năm 2020 này, ngành chăn nuôi chính là cứu cánh của cả ngành Nông nghiệp.

Liên quan đến ngành chăn nuôi, từ đầu năm đến nay, cả nước xuất hiện 44 ổ dịch cúm gia cầm (39 ổ dịch do virus cúm A/H5N6 và 5 ổ dịch do virus cúm A/H5N1) tại 14 tỉnh, thành phố gồm: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hòa Bình, Bắc Ninh, Hà Nam, Ninh Bình, Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Ngãi, Khánh Hòa, Bình Dương và Trà Vinh. Tổng số gia cầm chết, buộc tiêu hủy là 137.180 con.

Công tác thú y hiện nay còn nhiều khó khăn. Hệ thống thú y cơ sở, nhất là thú y cấp thôn, xã, huyện ở nhiều nơi không còn hoặc đã sáp nhập thành Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp, nhưng không nắm được tình hình, không báo cáo đến cơ quan chuyên môn cấp trên để được hướng dẫn, xử lý kịp thời.

Việc tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh tại cơ sở chưa tốt; việc xử lý các ổ dịch chưa được thực hiện triệt để, chưa bảo đảm đúng yêu cầu kỹ thuật; khoanh vùng, cảnh báo và quản lý ổ dịch còn khó khăn. Thiếu sự kiểm tra, đôn đốc, giám sát thực hiện, đặc biệt tại tuyến cơ sở; chính quyền và cơ quan chuyên môn tại một số địa phương (Quảng Ngãi, Quảng Nam, Thanh Hóa) chưa chỉ đạo quyết liệt công tác phòng, chống dịch…

Giải pháp được ngành Nông nghiệp đưa ra trong thời điểm này là tiếp tục tổ chức nghiên cứu các giải pháp tổng thể phòng, chống dịch bệnh; hợp tác và tranh thủ sự hỗ trợ của quốc tế và các nước để phòng, chống bệnh dịch tả heo châu Phi và nghiên cứu, sản xuất vắc-xin phòng bệnh này. Hướng dẫn, giám sát việc nuôi tái đàn heo theo nguyên tắc áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp cách ly, vệ sinh, sát trùng và các biện pháp an toàn sinh học, dưới sự giám sát của chính quyền cơ sở và các cơ quan chuyên môn. Hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp chăn nuôi lớn, các trang trại, gia trại có điều kiện đảm bảo chăn nuôi an toàn sinh học được tái đàn, để cung cấp các sản phẩm thịt heo cho thị trường và bình ổn giá.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *