Ngành Nông nghiệp xác định 4 nhiệm vụ trọng tâm của tái cơ cấu

Thủy sản vẫn là ngành kinh tế chủ lực của Cà Mau thời tái cơ cấu.

BƯỚC CHUYỂN BAN ĐẦU

Sau hơn 3 năm triển khai, hiện trên địa bàn tỉnh có 4 doanh nghiệp, 7 hợp tác xã và 109 tổ hợp tác thực hiện liên kết trong sản xuất với diện tích 16.692ha, có 13.882 hộ nông dân tham gia. Ngoài ra, còn có 34 trang trại, 8 doanh nghiệp tham gia xây dựng chuỗi liên kết giá trị với 4.000 hộ/19.000ha tôm, rừng. Từ đó, góp phần đưa sản lượng thủy sản trên địa bàn tăng qua từng năm: Năm 2015 đạt 452.810 tấn, ước năm 2016 đạt 530.000 tấn, tăng gần 17% so với năm 2013.

Qua thời gian thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, năng suất, sản lượng cây trồng, vật nuôi đã có tăng lên mặc dù chưa nhiều so với mong muốn: Năm 2015, tổng sản lượng thủy sản tăng 17%; diện tích nuôi tôm công nghiệp tăng 1,6 lần; diện tích nuôi tôm quảng canh tăng gấp 2 lần; năng suất lúa bình quân tăng 4,3%, riêng năng suất, chất lượng và giá trị lúa sản xuất theo mô hình cánh đồng mẫu lớn tăng bình quân 15%. Số lượng tàu có công suất lớn bình quân hàng năm tăng 12%. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn hàng năm đều tăng, năm 2015 là 24 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo giảm 3,81% so với năm 2013. Mức độ đạt chuẩn các tiêu chí nông thôn mới tăng lên, bình quân đạt 13,6 tiêu chí/xã; có 17 xã đạt chuẩn nông thôn mới, không có xã đạt dưới 5 tiêu chí.

Tính đến năm 2015, diện tích gieo trồng lúa đạt gần 121.000ha; sản xuất nông nghiệp có nhiều tiến bộ trong ứng dụng khoa học, kỹ thuật; tăng cường chuyển đổi giống lúa mới; ứng dụng kỹ thuật canh tác 3 giảm 3 tăng; có nhiều đột phá trong cơ giới hóa nông nghiệp. Bước đầu thực hiện tốt mối liên hệ 4 nhà; củng cố khối liên minh công nông trong sản xuất nông nghiệp, nông thôn.

Nhận thức tầm quan trọng của lâm nghiệp, tỉnh đã xây dựng kế hoạch triển khai Đề án Tái cơ cấu ngành Lâm nghiệp đến các huyện và các đơn vị quản lý rừng để triển khai thực hiện. Cụ thể, xác định vấn đề then chốt là giống tốt, sau đó là ứng dụng các giải pháp trồng rừng thâm canh theo hướng quản lý rừng bền vững gắn với các nhà máy chế biến gỗ rừng và tham gia thị trường trong và ngoài nước. Lĩnh vực thủy lợi cũng được quan tâm một cách sâu sắc, đến nay đã triển khai đầu tư 7/23 tiểu vùng, trong đó đã khép kín được một tiểu vùng.

Ngoài kết quả trên, vấn đề quan trọng hơn khi thực hiện Đề án là người sản xuất đã bắt đầu quan tâm đến việc đầu tư để nâng cao chất lượng sản phẩm và thực hiện liên kết chuỗi giá trị. Bước đầu, hỗ trợ tổ hợp tác, hợp tác xã xây dựng được mối liên hệ giữa nông dân – nông dân; nông dân – tổ hợp tác, hợp tác xã; hợp tác xã – doanh nghiệp tại các điểm thực hiện Cánh đồng lớn, sản xuất hàng hóa với quy mô tập trung.

Tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới.

KẾ HOẠCH DÀI HƠI

Tuy đã có những kết quả bước đầu, thế nhưng Đề án tái cơ cấu đang gặp phải rất nhiều khó khăn. Cụ thể như ngay cả chính quyền nhiều địa phương vẫn còn lúng túng khi triển khai và tổ chức thực hiện; việc ứng dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật về giống, canh tác, cơ giới hóa sản xuất… chưa đáp ứng được yêu cầu; sản xuất còn nhỏ lẻ, manh mún… Việc lồng ghép các chương trình, dự án còn nhiều vướng mắc; các hình thức sản xuất dù có chuyển biến nhưng hiệu quả chưa cao; các chính sách ưu đãi chưa thật sự thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Riêng nguồn vốn đầu tư vào lĩnh vực kinh tế hợp tác trong nông nghiệp còn thấp.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử nhìn nhận, trên thực tế đã qua tỉnh chưa thực hiện được nhiều so với mục tiêu đề ra của Đề án.

Nhiều đơn vị cho rằng, Đề án vừa mới và vừa lạ, nhưng thực tế những mục tiêu theo Đề án đã được tiến hành trong nhiều năm qua, chủ yếu là cụ thể hóa bằng những bước đi chi tiết hơn. Để thực hiện tốt hơn, ngành Nông nghiệp phải thực hiện tốt 4 nhiệm vụ là liên kết, hợp tác, xây dựng thương hiệu và thị trường. Đồng thời phải rà soát, điều chỉnh lại sản xuất và quy hoạch thủy lợi theo quy hoạch sử dụng đất.

Thời gian tới, Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án sẽ tiếp tục chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương tập trung rà soát, điều chỉnh quy hoạch sản xuất ngư, nông, lâm nghiệp theo định hướng của Đề án; trong đó, ưu tiên phát triển các ngành hàng nông sản chủ lực của tỉnh. Tiếp tục chỉ đạo hoàn chỉnh thông qua phê duyệt quy hoạch phát triển nuôi trồng thủy sản và điều chỉnh quy hoạch thủy lợi tỉnh Cà Mau đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Tổ chức lại hệ thống dịch vụ hậu cần nghề cá, xây dựng và phát triển mô hình liên kết, liên doanh, gắn kết các khâu trong quá trình sản xuất, từ khai thác, bảo quản đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm phù hợp với từng nghề, từng vùng biển và từng địa phương. Tiếp tục vận động, thu hút đầu tư cho phát triển kết cấu hạ tầng nông nghiệp, phục vụ cho sản xuất, thích ứng với biến đổi khí hậu. Tập trung hoàn chỉnh các quy hoạch chi tiết theo từng lĩnh vực; xây dựng dự án, đề án theo từng ngành hàng chủ lực. Tập trung đẩy mạnh ứng dụng khoa học – kỹ thuật về giống cây trồng, vật nuôi chất lượng cao và phát triển cơ sở hạ tầng sản xuất giống. Nâng cao trình độ cho nông dân để thích ứng với tình hình mới; tăng cường công tác khuyến nông, khuyến ngư; chú trọng hơn công tác liên kết 4 nhà, phát triển nguồn nhân lực…

Mới đây, tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm của ngành Nông nghiệp, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tiến Hải chỉ đạo: Ngành Nông nghiệp phải tập trung vào quy hoạch và quản lý quy hoạch; đây là vấn đề vô cùng quan trọng phải thực hiện nhanh và nghiêm túc. Đồng thời, phải tập trung đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao từ nuôi trồng cho đến khai thác. Kiểm tra, giám sát nguồn giống và chất lượng con giống. Ngành Nông nghiệp và các huyện phải vào cuộc quyết liệt hướng dẫn người dân trong sản xuất, nhất là chuyển đổi một số diện tích ao tôm còn bỏ trống hiện nay. Đẩy nhanh tiến độ giải ngân cũng như tiến độ các công trình phòng chống và khắc phục thiên tai trên địa bàn. Đối với việc khảo sát hỗ trợ thiên tai trên nuôi trồng thủy sản, phải chỉ đạo làm chắc, làm đúng quy định.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *