Những cây đại thụ của nền văn nghệ vùng Cực nam Tổ quốc

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phạm Bạch Đằng thừa ủy quyền của Chủ tịch nước trao danh hiệu Nghệ nhân ưu tú cho nghệ nhân Huỳnh Khánh.

Cách đây 56 năm, được thành lập trong những năm đầu kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Đoàn Văn công giải phóng tỉnh Cà Mau (tiền thân của Đoàn Cải lương Hương Tràm) mang lời ca, tiếng hát nâng bước quân hành, giúp những người lính nơi tận cùng cực Nam Tổ quốc vững tin, hoàn thành nhiệm vụ giải phóng quê hương. Các nghệ sĩ Đoàn Văn công giải phóng Cà Mau là những con người minh chứng cho một thời oai hùng của ngành văn hóa nghệ thuật tỉnh nhà. Thật đáng trân trọng và tự hào một thời “tiếng hát át tiếng bom”, “tiếng đàn phá tan đồn giặc”. Với tinh thần cách mạng, anh em chiến sĩ Văn công luôn chắc tay súng, tay đàn; sáng tác, dàn dựng nhiều tác phẩm sân khấu, âm nhạc, múa… phục vụ kịp thời cho các trận thắng lớn, phục vụ bộ đội, nhân dân trong vùng giải phóng và vùng địch kiểm soát, với những vở cải lương mang khí thế hào hùng của cả dân tộc, thấm đậm chủ nghĩa anh hùng cách mạng; đã mang lại tinh thần phấn khởi, tiếp lửa làm nên nhiều chiến công, tiến đến giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Chẳng những đứng vững vàng trên sân khấu mà còn tham gia với lực lượng vũ trang tuyên truyền binh vận, chiến đấu chống càn, bao vây bức hàng, bức rút đồn bót địch. Thời bình, đoàn lưu diễn vùng sâu, vùng xa để cổ vũ, động viên cán bộ và nhân dân tích cực xây dựng quê hương, đất nước.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Hồng Quân thừa ủy quyền của Chủ tịch nước trao danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú cho nghệ sĩ Nguyễn Thị Tư (Kim Chi).

Đoàn Văn công giải phóng có 7 thành viên là liệt sĩ, đã góp xương máu của mình để giải phóng quê hương, đất nước. Với truyền thống vẻ vang ấy, Đoàn vinh dự nhận phần thưởng quý giá: Danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Các nghệ sĩ Huỳnh Thành Thưa (Huỳnh Hảnh), Đỗ Thành An (Anh Đạo), Nguyễn Thị Tư (Kim Chi) là những người có mặt trong Đoàn Văn công giải phóng Cà Mau từ lúc sơ khai vào năm 1960 tại Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển ngày nay. Họ là những nhân tố quan trọng góp phần cổ vũ, động viên quân và dân tỉnh đoàn kết, chống ngoại xâm, bảo vệ quê hương cho đến ngày non sông thống nhất.

Nghệ nhân Tăng Phát Vinh (Ba Vinh) thể hiện tác phẩm một thời gắn bó với tên tuổi của ông.

Loại hình văn hóa dân gian đang được cả nhân loại trân trọng và tôn vinh, bởi những giá trị nhân văn mà nó đem lại. Trong lễ trao tặng các danh hiệu cao quý trên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Hồng Quân xúc động: Hai Nghệ nhân ưu tú được phong tặng lần này đều là những cây đại thụ của loại hình nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ – di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Những công trình nghiên cứu, sáng tác của các nghệ nhân đã để lại những dấu ấn mang đậm tính lịch sử và thời đại của quê hương đất nước và mảnh đất Cà Mau mến yêu trong thời vàng son và công cuộc xây dựng quê hương ngày nay.

Nhiều cảm xúc trong ngày nhận danh hiệu Nghệ nhân ưu tú, nghệ nhân Tăng Phát Vinh (Ba Vinh) tuy tuổi cao sức yếu nhưng ông vẫn tự thể hiện một tuyệt tác, ngón đờn vẫn còn khỏe và âm vang như ý chí của người chiến sĩ năm xưa. Nghệ nhân Ba Vinh trần tình: “Là đội ngũ tiên phong gây dựng nền văn học – nghệ thuật tỉnh nhà, bản thân và các đồng nghiệp hiểu và quý trọng những thành tựu hình thành trong gian khó”. Thành công hôm nay là sự khơi nguồn và tiếp sức rất lớn từ các bậc cô, chú đi trước và thế hệ nghệ sĩ trẻ hôm nay cũng không ngừng phấn đấu, tự rèn luyện bản thân để trưởng thành và sống trọn với nghề.

Nghệ sĩ ưu tú Kim Cúc thể hiện bài hát “Con về hát giữa Làng Sen” của nhạc sĩ Lê Hoàng Bửu, tác phẩm gắn liền với tên tuổi của Kim Cúc.

Nghệ sĩ ưu tú Huỳnh Hảnh sinh ra và lớn lên từ chiếc nôi của vùng đất giàu truyền thống cách mạng Tân Hưng Đông (huyện Cái Nước). Hơn 20 tuổi, Huỳnh Hảnh đã trở thành con chim đầu đàn của đội ngũ “tay đàn – tay súng” đầy sức trẻ.

Nghệ sĩ Nguyễn Thị Tư (Kim Chi) nay tuổi đã ngoài 80, sức khỏe có phần suy giảm nhưng nhắc đến những kỷ niệm về Đoàn Văn công giải phóng xưa thì hào khí trong người nghệ sĩ cao niên này không hề suy giảm. Cô mong muốn rằng lớp trẻ hôm nay hãy ra sức phấn đấu, trau dồi, rèn luyện cả chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp, tiếp bước cha ông trong quá trình chinh phục các giá trị tinh hoa của văn hóa – nghệ thuật.

Tiền nhân mở lối, lớp trẻ kế thừa và phát huy với cùng một hướng đi, đó là xây dựng và phát triển, ngày càng làm phong phú thêm nền văn học nghệ thuật nước nhà.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *