Nông dân Quốc Khởi sáng chế làm giàu

Anh Trần Quốc Khởi với máy đánh vảy cá do anh sáng chế.

Anh Trần Quốc Khởi sinh năm 1972, là hội viên Chi hội Nông dân ấp Ông Quyền, xã Tân Ân Tây, huyện Ngọc Hiển. Năm 2004, gia đình anh từ huyện Trần Văn Thời xuống vàm Ông Quyền ở nhờ nhà ông Trần Văn Út để bán nước đá. Vài năm sau, khi dành dụm được chút vốn, gia đình cất tạm căn nhà rồi buôn bán thêm tạp hóa. Trong những ngày rong ruổi trên chiếc xuồng đi bỏ nước đá khắp nơi, anh Khởi phát hiện ra cái xứ Năm Căn, Ngọc Hiển này có rất nhiều cá sơn trong vuông tôm, các hàng đáy trên các con sông, rạch. Anh mua về vài ký cá sơn cho chị Chuyển, vợ anh, làm mắm chua ăn trong gia đình. Thấy mắm cá sơn ăn rất ngon, chị nảy ý định kinh doanh loại nắm này và mở cơ sở sản xuất mắm cá sơn Chuyển.

Khi “thương hiệu” mắm cá sơn của gia đình được mọi người biết đến, nắm bắt cơ hội này, anh Khởi quyết định bỏ nghề nước đá chuyển sang thu mua cá sơn, mỗi ngày thu mua cả trăm, có khi cả tấn cá. Cá nhiều, gia đình anh thuê hơn chục phụ nữ trong xóm phụ cắt cá làm mắm suốt ngày, có khi cả đêm khuya. Vợ anh và mấy chị em trong tổ sản xuất mỗi ngày phải cắt hàng trăm, đến hàng ngàn ký cá sơn; xong khâu cắt đầu, kỳ cá, còn phải rửa, đánh vảy, rồi muối, sau đó đến khâu rang thính… mỗi đợt muối cá, chị Chuyển phải rang vài chục ký gạo rồi xay thành thính.

Tính đến nay anh Khởi đã sáng chế ra 3 loại máy phục vụ việc sản xuất ra loại mắm cá sơn nức tiếng.

Thấu hiểu công việc rất cực nhọc ấy của vợ và mấy chị em, anh Khởi ấp ủ ý tưởng sáng chế công cụ phục vụ cho công việc làm mắm. Mặc dù chỉ mới học hết lớp 8 và không được qua lớp đào tạo chính quy nào về ngành cơ khí, nhưng anh lại có niềm đam mê lớn với các loại máy móc. Ban đầu anh mua mô – tơ và lưỡi cưa dĩa về làm máy cưa cây làm củi. Trong lúc khoan lỗ làm bàn cưa, anh thấy từng miếng dăm gỗ quay vòng tung tóe, anh liền nảy sinh ý tưởng làm công cụ đánh vảy cá. Vậy là anh mua loại sắt ô môi có các khía, cạnh về bẻ cong theo hình xoắn ốc, sau đó gắn vào cây khoan máy; cá cắt đầu xong đựng trong thùng nhựa, cho nước vào và đem cây khoan ra quay thử, không ngờ sản phẩm do mình chế tạo ra mang lại hiệu quả tức thời. Công suất đánh vảy hơn 10 chị em làm bằng tay.

Thành công trong việc chế tạo ra máy đánh vảy cá, anh Khởi tiếp tục nghiên cứu máy rang thính cho vợ đỡ phần cực nhọc. Sau thời gian tìm tòi suy nghĩ, anh lấy mô-tơ dùng để cưa gỗ gắn vào một cái chong chóng, phía dưới là cái xoong đựng gạo và thử mẻ đầu tiên, gạo văng khắp nơi, do mô – tơ quay nhanh quá. Quyết không bỏ cuộc, anh tìm tòi và tham khảo anh em về cách điều khiển mô-tơ sao cho vòng quay nhanh, chậm theo ý mình. Từ một cái mô-tơ có sẵn, anh mua thêm vài cái nữa có công suất khác nhau, sau đó kết lại thành một, thông qua dây kéo có bộ phận tăng tốc, giảm tốc… Vậy là anh Khởi đã có thêm một công cụ đắc lực phục vụ cho nghề làm mắm cá sơn.

Tổ phụ nữ ấp Ông Quyền tham quan máy rang thính do anh Khởi sáng chế, nhiều người trầm trồ khen ngợi.

Với quyết tâm trong công việc là phải làm đến khâu cuối cùng, để làm sao nâng cao năng suất và giảm bớt công lao động, sau khi chế tạo được hai công cụ máy đánh vảy cá và máy rang thính, anh Khởi bỏ công sức nghiên cứu máy xay thính. Chị Chuyển chia sẻ, có nhiều hôm, đi thu mua cá về là chồng mình lao vào mày mò nghiên cứu, có khi thức cả đêm. Và rồi anh cũng chế tạo thành công chiếc máy xay thính chạy bằng mô – tơ điện rất tiện ích, công suất nhanh gấp hàng chục lần xay bằng cối đá.

Chuyện anh nông dân này chưa qua bất kỳ trường lớp đào tạo nào nhưng đã sáng chế ra nhiều sản phẩm giúp gia đình anh và chị em phụ nữ trong tổ sản xuất đỡ đi phần cực nhọc; đồng thời nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm thương hiệu mắm cá sơn.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *