Nước ngọt về vùng rừng U Minh

Lãnh đạo Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Nam (bìa phải) và Giám đốc Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh, ông Nguyễn Hạnh Phúc (trái), cùng lãnh đạo huyện U Minh sử dụng thử nhằm đánh giá chất lượng nguồn nước tại điểm cung cấp nước sạch đạt chuẩn đặt tại Trụ sở sinh hoạt văn hóa Ấp 2, xã Nguyễn Phích.

Nguyễn Phích là xã có diện tích lớn nhất của tỉnh Cà Mau, với 9 ấp ven các tuyến sông Cái Tàu và 11 ấp thuộc lâm phần rừng tràm.

Sông thì mặn, mà lâm phần thì phèn, thế nên nước ngọt cho sinh hoạt của người dân nơi đây gặp rất nhiều khó khăn, nhất là vào cao điểm mùa khô như hiện nay.

Theo kết quả khảo sát của Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Nam, tại xã Nguyễn Phích có 4 tầng chứa nước, phân bố ở các độ sâu khác nhau, từ 20- 290m. Nước nhạt, chất lượng tốt, đảm bảo phục vụ sinh hoạt của người dân được phân bố ở độ sâu từ 100-130m.

Tại vị trí khoan cấp nước cho dân, mũi khoan đạt độ sâu 127m. Khả năng cấp nước mang tính khẩn cấp tại đây đạt từ 400 – 500m³/ngày, phục vụ nước ngọt không những cho người dân trên địa bàn xã.

Nước ngọt về, giải nỗi khó khăn về thiếu nước sinh hoạt cho người dân vùng rừng trong mùa hạn, mặn kéo dài.

Cùng dự tại buỗi lễ bàn giao, ông Nguyễn Hạnh Phúc – Giám đốc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh, cho rằng: Khả năng cung cấp nước tại mũi khoan này lên tới 900m3/ngày. Vì thế, thời gian tới cần đầu tư tuyến ống nối mạng, để phục vụ nhu cầu cho người dân trong khu vực được tiện lợi, khai thác có hiệu quả công trình, tài nguyên nước, tránh lãng phí…

Được biết, trên địa bàn xã Nguyễn Phích hiện có trên 300 hộ đang thiếu nước sinh hoạt, nhiều tuyến dân cư không có nước ngọt sinh hoạt, hoặc nước sử dụng không đạt yêu cầu do nhiễm phèn, mặn; trong khi đó, nhiều công trình cấp nước hư hỏng, xuống cấp do sử dụng trong thời gian dài không được cải tạo, nâng cấp…

Xã đã đăng ký 6 danh mục công trình cấp nước cụm dân cư cần được quan tâm hỗ trợ đầu tư, giải quyết nước sạch phục vụ sinh hoạt cho 363 hộ thuộc các ấp: 6, 7, 10, 15, 19 và 20. 

Tính trên toàn huyện U Minh, hiện có trên 2.800 hộ dân thiếu nước ngọt sinh hoạt, tập trung tại các cụm, tuyến dân cư ven biển, các lâm phần…

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *