Phụ nữ Năm Căn với phong trào giúp nhau làm giàu

Từ những việc làm nhỏ…

Thời gian qua, các cấp hội phụ nữ huyện Năm Căn đã triển khai nhiều mô hình: Phụ nữ liên gia tự quản; tuyến đường không rác, tiết kiệm xanh… cùng góp sức xây dựng NTM. Nổi bật hơn hết là mô hình “4 tốt” (tiết kiệm tốt, tương trợ tốt, nuôi dạy con tốt và sinh hoạt hội tốt). Dù mới triển khai thực hiện nhưng đã nhận được sự đồng tình của hội viên. Từ mô hình này các chị em không chỉ phát triển kinh tế gia đình mà còn tương trợ nhau thoát nghèo bền vững.

Chị Huỳnh Thị Mỹ, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Năm Căn, cho biết: “Bằng nhiều hình thức, các cấp hội đã vận động hội viên tham gia tiết kiệm gây Quỹ Tương trợ; đồng thời vận động chị em thực hiện các mô hình tiết kiệm trong sinh hoạt gia đình: Nuôi heo đất, tiết kiệm điện, nước, khí đốt… Từ đó, tạo nên phong trào thi đua tiết kiệm. Hàng tháng, các hội viên báo cáo số tiền điện, tiền nước, khí đốt của gia đình cho chi hội trưởng. Mỗi hóa đơn tiết kiệm được vài ngàn đến vài chục ngàn thì các chị sẽ góp số tiền đó vào heo đất tiết kiệm của chi hội, nhằm giúp đỡ hội viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn”.

Cơ sở sản xuất bánh phồng của bà Lưu Bích Liên không chỉ giúp phát triển kinh tế gia đình mà còn tạo việc làm cho lao động nhàn rỗi tại địa phương.

Với hình thức này, các chi hội đã triển khai tốt mô hình tương trợ cho phụ nữ bằng hình thức cho vay không cần thế chấp, không lãi, để sửa nhà, chữa bệnh, kinh doanh… Từ đó khắc phục khó khăn vươn lên trong cuộc sống, tạo mối quan hệ thân thiết giữa các hội viên. Quỹ tiết kiệm của các chi hội, tổ hội là chỗ dựa vững chắc cho những chị em đang cần nguồn vốn để phát triển kinh tế.

Là một trong những hội viên được hỗ trợ nguồn vốn, chị Bùi Thị Oanh (Khóm 4, thị trấn Năm Căn): “Trước đây gia đình tôi cũng có vuông tôm nhưng làm không hiệu quả, mọi chi phí chỉ trông chờ vào xe bán xôi. Thu nhập bấp bênh, cũng rất may khi tôi nhận được đồng vốn hỗ trợ của chi hội. Chỉ hơn 6 triệu đồng nhưng với gia đình tôi là số tiền khá lớn. Có vốn tôi mua thêm nếp để nấu xôi, bình quân mỗi ngày tôi bán trên 10kg xôi”.

Hộ chị Oanh là một trong những hộ có khó khăn của chi hội, bằng ý chí vươn lên cùng với sự hỗ trợ của chị em, chỉ trong thời gian ngắn, gia đình chị giảm bớt khó khăn, con chị được cắp sách đến trường và chị có vốn cải tạo vuông tôm để tăng thu nhập.

Chị Lý Kim Ngân, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ Khóm 4, thị trấn Năm Căn: “Chi hội họp định kỳ 1 lần/tháng. Ở mỗi buổi họp các chị bốc thăm để nhận hỗ trợ. Đồng thời mỗi tháng mỗi chị đóng góp thêm 300 ngàn đồng để lập nguồn quỹ riêng. Và nguồn quỹ này cũng đóng góp để cho các chị mượn xoay vòng, phát triển kinh tế”.

Chính vì cách làm hay, mang lại hiệu quả thiết thực nên được đông đảo chị em nhiệt tình tham gia. Đến nay, Chi hội Khóm 4 không còn hội viên nghèo. Kinh tế ổn định, các chị có thời gian chăm lo cho gia đình. Với mô hình “Nuôi con tốt” các cấp hội đã duy trì và nâng cao chất lượng sinh hoạt của 16 câu lạc bộ “Gia đình hạnh phúc” với 337 thành viên, sinh hoạt thường xuyên để tìm hiểu các kỹ năng xây dựng gia đình hạnh phúc, nuôi dạy con tốt…

Chị Mỹ cho biết thêm: “Thời gian tới, các cấp hội phụ nữ trên địa bàn huyện sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động hội viên tích cực tham gia các mô hình tiết kiệm ở các cơ sở hội, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động”.

Ngoài các phong trào giúp nhau thoát nghèo, các cấp hội còn có các mô hình: “Tiết kiệm xanh gây quỹ học bổng cho học sinh nghèo”, “Đi chợ bằng giỏ xách nhựa”… của phụ nữ xã Hàng Vịnh, nhằm nâng cao ý thức trong việc hạn chế sử dụng bọc ni-lông, góp phần bảo vệ môi trường.

Nhờ biết tương trợ nhau trong cuộc sống, từ nguồn vốn xoay vòng, các chị đã hỗ trợ cho nhiều chị em trong tổ có điều kiện vươn lên khá giàu.

…Đến những phong trào lớn

Hơn 15 năm hoạt động, cơ sở sản xuất bánh phồng tôm của bà Lưu Bích Liên (Ấp 2, xã Hàng Vịnh) được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh biết đến. Là người khởi xướng mô hình làm bánh phồng tôm truyền thống, bà Liên đã cố gắng tìm tòi, học hỏi để đổi mới phương pháp làm bánh. Theo bà Liên để cho ra những mẻ bánh phồng đa dạng với chất lượng mẫu mã phù hợp thị hiếu người tiêu dùng, các công đoạn làm tại cơ sở đều rất tỉ mỉ, từ khâu chọn nguyên liệu cho đến sơ chế thành phẩm và quan trọng  nhất là an toàn cho người sử dụng.

Ban đầu cơ sở chỉ cung cấp sản phẩm làm quà biếu vào dịp Tết Nguyên đán; dần dần được nhiều người biết đến và đặt hàng nên bà Liên quyết định sản xuất quanh năm. Từ làm nhỏ lẻ, đến nay bà Liên đã dần tạo được thương hiệu riêng. Hiện nay, trung bình mỗi ngày cơ sở sản xuất từ 90 – 110kg bánh phồng tôm, bánh phồng chuối các loại. Cao điểm vào cuối năm, số lượng đặt hàng có thể tăng lên từ 150 – 200kg. Bánh phồng thành phẩm có giá dao động từ 60 – 200 ngàn đồng/kg (tùy loại). Không chỉ tăng thu nhập cho gia đình, cơ sở của bà Liên còn tạo việc làm cho lao động nữ nhàn rỗi của địa phương. Bình quân mỗi chị thu nhập từ 100 – 120 ngàn đồng/ngày từ việc phơi, cắt, đóng gói.

Hiện nay, trên địa bàn huyện có rất nhiều cơ sở làm bánh phồng tôm mang đậm hương vị đặc trưng của quê hương xứ biển. Từ những thuận lợi đó, chị Mỹ cho biết: “Hội đang gấp rút hoàn tất các thủ tục để đăng ký thành lập hợp tác xã bánh phồng tôm và từng bước xây dựng thương hiệu bánh phồng tôm Năm Căn”.

Các hoạt động của các cấp hội phụ nữ ngày càng đi vào đời sống của hội viên, góp phần nâng cao nhận thức, tinh thần trách nhiệm và sự tự giác thực hiện của toàn thể hội viên, nhằm góp phần xây dựng NTM, nâng chất các tiêu chí, giữ vững danh hiệu khi địa phương đã cán đích NTM.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *