Quản lý, sử dụng đất lâm nghiệp: “Tự thắt nút thì tự tháo, không chờ Trung ương tháo giúp”

Giải thích, quán triệt cho dân hiểu

Năm 1993, Lâm ngư trường Sông Trẹm hợp đồng giao khoán đất lâm nghiệp cho 130 hộ dân quản lý, bảo vệ rừng tuyến bờ bao từ Kinh 14 đến Kinh 25, thuộc Tiểu khu 001, 004 và 007 với diện tích giao khoán bình quân 10ha/hộ (100 x 1.000m), thời hạn hợp đồng 20 năm (1993-2013). Đến năm 1996, Lâm ngư trường Sông Trẹm thu hồi đất giao khoán của 130 hộ dân này (mỗi hộ khoảng 50% diện tích). Tuy nhiên, việc thu hồi đất chưa có phương án được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, chưa bồi hoàn cho người dân về thành quả lao động. Đến năm 2012 (sau 16 năm), 130 hộ dân thuộc các ấp: 19, 20, 21 khiếu nại Lâm ngư trường Sông Trẹm và yêu cầu trả lại hiện trạng giao khoán ban đầu.

Qua thời gian tiếp nhận, xác minh, xử lý theo thẩm quyền, UBND tỉnh Cà Mau đã ban hành Quyết định số 1523/QĐ-UBND, ngày 6/9/2017 về việc phê duyệt phương án bồi hoàn thành quả lao động cho các hộ dân, với 2 nội dung bồi hoàn, gồm: Công chăm sóc, quản lý bảo vệ rừng; công xử lý thực bì và đào kênh khuôn hộ bằng thủ công. Tổng kinh phí bồi hoàn trên 4,1 tỷ đồng.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử (thứ 2 từ phải sang) chỉ đạo với các địa phương, các chủ rừng tại Hội nghị sơ kết công tác giao đất, giao rừng; tổng kết công tác quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng mùa khô 2017 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới.

Đến nay, có 75/130 hộ đã nhận tiền bồi hoàn, số tiền hơn 2,5 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đã chỉ đạo xem xét giao khoán thêm đất cho các hộ dân ít đất (diện tích đất/khẩu thấp), như sau: Đối với các hộ gốc (sản xuất liên tục từ khi được giao khoán đến nay), sau khi nhận tiền bồi hoàn thành quả lao động, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp U Minh Hạ phối hợp cùng chính quyền địa phương lập phương án giao khoán cho các hộ dân, trình cấp thẩm quyền xem xét, phê duyệt thực hiện. Đối với 55 hộ chưa nhận bồi hoàn, số tiền này đã được Công ty TNHH MTV lâm nghiệp U Minh Hạ gửi vào Kho bạc Nhà nước; thời gian tới tiếp tục tuyên truyền, vận động các hộ dân nhận bồi hoàn. Các hộ gốc nhận bồi hoàn và không tiếp tục khiếu nại; hộ nhận sang nhượng nếu không tham gia yêu cầu, khiếu nại, không đất sản xuất thì sẽ được cấp đất canh tác ổn định cuộc sống; đối với các hộ không thống nhất bồi hoàn thì ban hành các quyết định bác đơn yêu cầu, không thừa nhận việc đòi đất, vì đất này là tài sản của Nhà nước giao khoán.

Vấn đề này đã được Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình kết luận và chỉ đạo, việc thu hồi đất năm 1996 của Lâm ngư trường Sông Trẹm là chưa đúng quy định. Tuy nhiên, các cấp, ngành, địa phương cần giải thích, quán triệt cho người dân hiểu đây là đất giao khoán, là đất của Nhà nước quản lý. Đồng thời tiếp tục rà soát, giải quyết theo quy định của pháp luật, tổ chức đối thoại và thống nhất phương án bồi hoàn với người dân. Có kế hoạch hỗ trợ đất sản xuất đối với các hộ khó khăn, cấp giấy chứng nhận sử dụng đất đối với những đối tượng giao đất đúng quy định, kiên quyết thu hồi đất giao không hợp quy định.

Phải xử lý dứt điểm các khiếu nại của nhân dân trên cơ sở thấu tình hợp lý, có lợi cho dân.

Kiểm soát tình trạng chuyển nhượng đất rừng

Lâm phần rừng ngập mặn hiện có 324 hộ dân tại các khu vực giao khoán đất rừng theo Nghị định 181 của Chính phủ, tự ý chuyển sang nuôi tôm công nghiệp 287,7ha, tỉnh đang đề xuất đưa diện tích này ra khỏi quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng, hiện đang trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT;) thẩm định và dự kiến trình HĐND tỉnh tại Kỳ họp thứ 6 sẽ diễn ra vào giữa năm nay.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT; tỉnh Cà Mau – Trần Văn Thức cho biết, hầu hết diện tích rừng và đất lâm nghiệp sau khi được giao khoán cho hộ dân quản lý, việc chấp hành pháp luật về bảo vệ rừng, phát triển rừng được nâng cao, nên tình trạng chặt phá rừng, lấn chiếm đất rừng giảm đáng kể. Việc giao đất, giao rừng cho các tổ chức thực hiện các dự án đã góp phần phát triển du lịch, bảo tồn giống loài nuôi thủy sản, tạo công ăn việc làm cho người dân. Đời sống người dân dưới tán rừng dần ổn định, xuất hiện nhiều mô hình kinh tế và du lịch sinh thái kết hợp có hiệu quả cao. Trước mắt, tạm dừng thực hiện các dự án nuôi tôm công nghiệp trong vùng rừng đối với những dự án chưa triển khai và ngừng xem xét giải quyết các dự án mới đề xuất của các doanh nghiệp.Việc thực hiện giao khoán rừng, đất lâm nghiệp thời gian qua chủ yếu hợp thức hóa diện tích mà các hộ dân bao chiếm trước đây để nuôi tôm. Việc sang bán, chuyển nhượng diễn ra nhiều nơi khó kiểm soát, dẫn đến khiếu nại, tranh chấp đất đai giữa hộ nhận khoán với đơn vị quản lý rừng…

Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Cà Mau – Trần Văn Hải nhận định, quy hoạch đất lâm nghiệp là một trong những nhiệm vụ đầu tiên, làm căn cứ triển khai các nhiệm vụ phát triển lâm nghiệp, định hướng quan trọng trong việc thực hiện các mục tiêu chiến lược của ngành, làm cơ sở để tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ, nâng cao hiệu quả quản lý rừng. Song, thời gian qua, trong quy hoạch và bảo vệ, phát triển rừng còn nhiều bất cập nên diện tích rừng và đất rừng quy hoạch cho lâm nghiệp còn bao trùm lên nhiều loại đất khác. Từ đó dẫn đến việc thực hiện quy hoạch hiệu quả chưa cao.

Từ những bất cập trên, Chủ tịch HĐND tỉnh Cà Mau Trần Văn Hiện cho ý kiến: Trước mắt, các ngành liên quan cần rà soát lại công tác chỉ đạo về quản lý, sử dụng rừng ngập mặn để làm cơ sở ban hành các văn bản mới sao cho toàn diện, phù hợp, chặt chẽ, mạnh dạn bỏ đi những quy định cũ, lạc hậu. UBND tỉnh cần có hội nghị chuyên đề về công tác quản lý, sử dụng đất rừng. Kiểm tra đất giao cho doanh nghiệp, các dự án đầu tư, xem có còn phù hợp. Điều quan trọng hướng đến là làm sao cho yên dân và khai thác được thế mạnh của rừng.

UBND tỉnh và các ngành chức năng phải xử lý dứt điểm, thấu tình đạt lý, có lợi nhất cho nhân dân theo kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình; kiên quyết không để tình trạng khiếu kiện đông người, vượt cấp; điều tra, phân loại các đối tượng không liên quan ra khỏi vụ việc. Các đơn vị chủ động phối hợp chặt chẽ trong việc nắm bắt diễn biến, tình hình thực tế của vụ việc để có phương án giải quyết kịp thời, thỏa đáng. HĐND tỉnh sẽ tổ chức khảo sát, tiếp xúc với nhân dân các ấp: 19, 20, 21 (xã Khánh Thuận, huyện U Minh) nhằm tuyên truyền, giải thích để người dân hiểu. Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị kết quả giải quyết vụ việc phải được công bố công khai, rộng rãi cho người dân. Tiếp tục thực hiện các biện pháp để xử lý dứt điểm theo hướng bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân. Đồng thời cần nghiêm khắc xử lý những đối tượng gây rối, lôi kéo, xúi giục người dân với mục đích xấu theo đúng quy định của pháp luật.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *