Quyết tâm không để dịch chồng dịch

Phun thuốc sát trùng phòng, chống dịch bệnh tại bến xe (Phường 6, TP. Cà Mau).

Trong khi dịch bệnh COVID-19 do SARS-CoV-2 gây ra đang diễn biến phức tạp thì các ổ dịch bệnh cúm gia cầm đã xuất hiện ở một số tỉnh: Bắc Ninh, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Nội. Riêng tỉnh Cà Mau, đã 3 năm qua địa phương duy trì thành tích không để xảy ra ổ dịch lớn trên gia cầm. Theo số liệu từ Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, trong năm 2019, đã thực hiện tiêm phòng 897.184/990.300 con gia cầm trên tổng đàn trong diện tiêm phòng ở đàn gia cầm toàn tỉnh.

Người chăn nuôi đã nâng cao ý thức tiêm phòng cho đàn vật nuôi, nhằm tránh thiệt hại ảnh hưởng đến kinh tế hộ gia đình. Ông Nguyễn Văn Tèo (Ấp 7, xã Khánh Lâm, huyện U Minh) cho biết: “Gia đình tôi cũng như bà con ở địa phương nhiều năm nay chăn nuôi gia cầm, qua được cán bộ thú y tuyên truyền, khuyến cáo, chúng tôi đồng thuận, tuân thủ các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt nhằm đảm bảo an toàn cho đàn gia cầm, hạn chế thiệt hại kinh tế cho gia đình. Như thế, chúng tôi an tâm hơn trong quá trình chăn nuôi; chú ý việc vệ sinh chuồng trại, mua giống có nguồn gốc… chất lượng sản phẩm gia cầm được nâng lên, bán được giá cao hơn”.

Thời tiết diễn biến phức tạp, cùng với môi trường bị ô nhiễm làm giảm sức đề kháng của vật nuôi và tạo điều kiện cho mầm bệnh phát sinh. “Do đó, hệ thống cán bộ thú y cơ sở đã tăng cường các biện pháp tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về chăn nuôi an toàn sinh học cũng như chủ động phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia cầm. Mặt khác, tăng cường công tác kiểm soát lượng gia cầm từ các địa phương vận chuyển vào thành phố nhằm hạn chế một số chủng cúm gia cầm có thể lây vào địa phương”, ông Huy thông tin.

Để công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm và cúm A(H5N1) được hiệu quả, rất cần sự hợp tác của người dân.

Mặc dù tỉnh đã duy trì được thành tích 3 năm không để dịch lớn xảy ra, song hiện nay tình hình dịch cúm gia cầm và cúm A(H5N1) đang diễn biến phức tạp, có nguy cơ lan truyền và bùng phát dịch rất cao, là mối đe dọa đến sức khỏe và tính mạng của người dân. Trước tình hình trên, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị có liên quan và Chủ tịch UBND các huyện, TP. Cà Mau tăng cường công tác phòng, chống bệnh cúm gia cầm trên địa bàn tỉnh. Phối hợp với cơ quan thông tấn, báo chí tăng cường công tác tuyên truyền để người dân có ý thức chủ động và hợp tác với các cơ quan chức năng trong công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm. Thành lập các đoàn công tác đi kiểm tra, chỉ đạo thực hiện việc phòng, chống dịch đến tận ấp tại các địa bàn có nguy cơ cao; tổ chức tốt công tác tiêm phòng vắc-xin cúm gia cầm.
Tập trung lực lượng, phương tiện để triển khai các biện pháp phòng chống, không để dịch lây lan; tăng cường công tác giám sát, phát hiện sớm ổ dịch để xử lý kịp thời. Duy trì công tác kiểm tra vận chuyển, buôn bán gia cầm trên địa bàn, nhất là gia súc, gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập tỉnh. Thường xuyên kiểm tra việc bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, nhất là tại các cơ sở giết mổ, chế biến, tiêu thụ và mua bán, vận chuyển gia cầm và sản phẩm gia cầm…

Bà Trần Thị Tạo, hộ mua bán gia cầm tại chợ Phường 2, cho biết: “Mỗi ngày tôi bán ra thị trường khoảng 200 con gà, vịt các loại. Gia cầm chúng tôi bán đa phần có giấy chứng nhận tiêm chủng, an toàn sinh học và nguồn gốc chủ yếu gia cầm thu mua tại các địa phương trong tỉnh. Mặt khác, cán bộ thú y thường đến đây lấy mẫu kiểm tra, kết hợp tuyên truyền phòng, chống dịch nên chúng tôi rất đồng thuận, tuân thủ theo hướng dẫn. Thực phẩm an toàn, rõ nguồn gốc thì bà con sẽ tin dùng, ủng hộ chúng tôi nhiều hơn”.

Để công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm và cúm A(H5N1) được hiệu quả và triệt để hơn nữa, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành, đoàn thể liên quan và đặc biệt là sự hợp tác của người dân. Tất cả chung tay không để dịch chồng dịch xảy ra.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *