Tận dụng và phát huy lợi thế kinh tế biển

Cà Mau quan tâm thực hiện việc khai thác đi đôi bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

ƯU TIÊN ĐẦU TƯ CẢI TẠO CÁC CỬA BIỂN LỚN

Theo phương án đẩy mạnh phát triển tiềm năng, lợi thế kinh tế ven biển đến năm 2020, tỉnh sẽ ưu tiên cải tạo, nâng cấp 3 cửa biển lớn: Cửa biển Sông Đốc (huyện Trần Văn Thời), cửa biển Khánh Hội (huyện U Minh) và cửa biển Cái Đôi Vàm (huyện Phú Tân). Đây là những cửa biển lớn, có vị trí đặc biệt quan trọng đối với phát triển kinh tế – xã hội cũng như đảm bảo quốc phòng – an ninh. Dự án cải tạo cửa biển tỉnh Cà Mau được ưu tiên trước hết là nạo vét trong và ngoài cửa biển. Bên trong và bên ngoài cửa biển nạo vét độ sâu 3m, dài 3km; qua đó khơi thông cửa biển, bảo đảm cho phương tiện khai thác thủy sản ra vào thông suốt. Quá trình nạo vét còn phải bảo đảm yêu cầu gắn với bảo vệ môi trường và quy hoạch phát triển đô thị tại các cửa biển nói trên.

Tỉnh Cà Mau sẽ tích cực huy động các nguồn vốn, nhất là nguồn vốn từ Chương trình mục tiêu Quốc gia về chiến lược biển, đảo phục vụ tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế biển; nguồn vốn của các nhà đầu tư để xây dựng hiện đại hóa các kết cấu hạ tầng thiết yếu: Cơ sở đóng mới, sửa chữa tàu thuyền…

Nguồn kinh phí cho dự án trên ước tính lên tới hàng chục tỷ đồng, vì vậy, ngoài nguồn đầu tư từ ngân sách được bố trí hàng năm, chính quyền địa phương chủ trương huy động mọi nguồn lực; trong đó kêu gọi các doanh nghiệp, nhà đầu tư tham gia.

Ông Dư Bé Ba, Chủ tịch UBND huyện U Minh, cho biết cửa biển Khánh Hội được quy hoạch là trung tâm kinh tế thủy sản của huyện vào năm 2020. Hiện nay, Khánh Hội đang trên đà phát triển, tuy nhiên cơ sở hạ tầng cửa biển còn yếu kém nên rất cần sự hỗ trợ về kinh phí đầu tư của tỉnh, Trung ương để khai thác tốt lợi thế và tiềm năng.

Cà Mau có rất nhiều cửa biển, tiềm năng lợi thế kinh tế từ các cửa biển này là rất lớn. Tuy nhiên, do hàng chục năm qua chưa được quan tâm đầu tư, nâng cấp nên hầu hết các cửa biển đều xuống cấp nghiêm trọng. Điều dễ nhận ra nhất là tình trạng sạt lở, kế đến là cửa biển bị bồi lắng gây cạn kiệt làm cho tàu bè ra vào gặp khó khăn. Tình trạng ô nhiễm môi trường cũng là vấn đề bức xúc hiện nay.

Đi kèm với việc đưa ra nhiều giải pháp nhằm mở rộng nghề nuôi các loài thủy sản, tạo việc làm mới cho ngư dân, là phát triển những ngành nghề gắn liền với nghề biển. Ảnh: THANH MINH

TẬP TRUNG PHÁT TRIỂN NGÀNH, NGHỀ ĐẶC TRƯNG

Liên quan đến phát triển kinh tế biển, mục tiêu mà Cà Mau đặt ra trong chiến lược phát triển biển từ nay đến năm 2020 là đẩy mạnh phát triển một số ngành nghề: Khai thác, nuôi trồng, dịch vụ biển và hải đảo, ưu tiên xây dựng hạ tầng vùng ven biển… Phấn đấu nâng tỷ trọng kinh tế biển chiếm khoảng 65 – 70% GDP của địa phương.

Cà Mau có trung tâm thành phố nằm cách xa với các cửa biển lớn của tỉnh, hạn chế này đã dần được khắc phục khi thời gian qua nhiều dự án, công trình trọng điểm đã hoàn thành đưa vào sử dụng phát huy hiệu quả. Bên cạnh đó, để kinh tế biển ngày càng phát triển nhanh và bền vững, tỉnh đang tập trung nhiều nguồn lực đầu tư xây dựng các trung tâm kinh tế hướng ra biển: Năm Căn, Sông Đốc, Cái Đôi Vàm… Đồng thời, ưu tiên đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng những khu vực trọng điểm vùng ven biển, kết nối các tuyến đường ven biển với vùng nội địa. “Tỉnh đã xây dựng danh mục các dự án mời gọi đầu tư từ nay đến năm 2020. Theo đó, chú trọng đến những dự án trọng điểm có tính khả thi cao, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế và lợi thế của địa phương, mang tính chất liên kết vùng. Để làm được điều này, tỉnh đang triển khai thực hiện quyết liệt Đề án Nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) đến năm 2020. Qua đó, mục tiêu nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng điều hành kinh tế của tỉnh, xây dựng môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch, thân thiện nhằm thu hút đầu tư. Bên cạnh đó, dự án cảng nước sâu trên đảo Hòn Khoai khi hoàn thành sẽ là đòn bẩy thúc đẩy kinh tế biển và vùng lân cận ven biển phát triển mạnh mẽ hơn”, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, ông Nguyễn Chí Thiện cho biết.

Theo thống kê, hiện toàn tỉnh còn trên 500 phương tiện công suất nhỏ dưới 20CV khai thác gần bờ, đang ngày đêm xâm hại nguồn lợi thủy sản nghiêm trọng. Tỉnh đã và đang tập trung mọi giải pháp nhằm hạn chế, xử lý nghiêm đối với các hành vi xâm hại nguồn lợi thủy sản.

Ông Nguyễn Hoàng An, Chi cục trưởng Chi cục Biển và Hải đảo tỉnh, thông tin: “Để khôi phục và phát triển nguồn lợi thủy sản bền vững, ngoài giải pháp tăng cường tuyên truyền, kiểm tra, kiểm soát thì vấn đề giải quyết việc làm cho ngư dân là điều tối quan trọng. Bước đầu, chúng tôi đã có giải pháp là sẽ mở rộng nghề nuôi các loài thủy sản nước cạn ven biển, cửa sông, đầm để tạo việc làm mới cho ngư dân. Bên cạnh đó, các ngành nghề truyền thống của địa phương: Làm cá khô, vá lưới, làm mắm… cũng được quan tâm phát triển”.

Để kinh tế biển phát triển nhanh và bền vững, trong chiến lược phát triển đến năm 2020, một trong những giải pháp được tỉnh quan tâm là đầu tư công nghệ bảo quản, chế biến hiện đại để nâng cao giá trị sản phẩm, hướng mạnh xuất khẩu; khuyến khích các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế đầu tư phát triển thêm số tàu làm dịch vụ trên biển, đảm bảo cung ứng vật tư, lương thực, thực phẩm và thu mua sản phẩm của ngư dân. Cùng với đó, tỉnh tích cực huy động các nguồn vốn, nhất là nguồn vốn từ Chương trình mục tiêu Quốc gia về chiến lược biển, đảo phục vụ tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế biển; nguồn vốn của các nhà đầu tư để xây dựng hiện đại hóa các kết cấu hạ tầng thiết yếu: Cơ sở đóng mới, sửa chữa tàu thuyền, cơ sở chế biến hàng hóa xuất khẩu.

Với việc quy hoạch cụ thể, trước mắt cũng như về lâu dài, chắc chắc tiềm năng từ biển của Cà Mau sẽ được đánh thức và phát triển xứng tầm.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *